Hiện bí thư tỉnh đồng thời là chủ tịch HĐND, nhưng theo quy định một người không đồng thời giữ 3 chức vụ: Bí thư tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh, và trưởng đoàn ĐBQH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra vấn đề trên khi cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chiều 15/7.
Trong khi đó, đề xuất giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 không nhận được sự tán thành của các đại biểu.
Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết cơ quan soạn thảo và thẩm tra thống nhất đề xuất giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính; giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Quốc hội. |
Về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cơ quan thẩm tra đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
“Hai cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiêng về phương án này”, ông Định cho biết.
Phương án 2 là giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cơ quan này cũng đồng tình với việc tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người (hiện có khoảng 5.500 cấp xã loại II).
Tại sao giảm lãnh đạo ở cơ quan dân cử?
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh chủ trương và định hướng hoạt động của cơ quan dân cử là ngày càng tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quốc hội. |
Theo bà Ngân, trước đây, cấp tỉnh có 1 phó chủ tịch và 1 ủy viên thường trực HĐND, sau đó đưa lên thành 2 phó chủ tịch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Vì thế bây giờ đề xuất giảm là không có cơ sở, nhiều ý kiến ở địa phương không đồng thuận với đề xuất này.
Bà Ngân cho rằng HĐND cấp huyện có thể giảm 1 phó chủ tịch nhưng ở cấp tỉnh phải cân nhắc.
“Chúng ta đang thực hiện bí thư tỉnh uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND. Theo quy định, một người không đồng thời giữ 3 chức vụ (vừa là Bí thư, Chủ tịch HĐND, vừa làm Trưởng đoàn ĐBQH), như vậy thì Quốc hội khoá tới không có bí thư nào làm đại biểu Quốc hội?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Bà không đồng tình với quan điểm giảm phó chủ tịch HĐND tỉnh và đề nghị có thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy cũng chia sẻ ông chưa nghe ý kiến nào nói vướng khi có 2 phó chủ tịch HĐND.
“Nếu tăng phó chủ tịch UBND xã thêm 5.500 người là hợp lý thì tại sao cần phải giảm 63 người ở HĐND cấp tỉnh? Xu thế chung Quốc hội đang tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, không nên đặt vấn đề giảm số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, nhất là phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh”, ông Túy nói.
Làm rõ các băn khoăn này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh cơ quan soạn thảo không đặt vấn đề giảm bên này, không giảm bên kia vì chủ trương giảm biên chế là thực hiện chung trong hệ thống chính trị.
Về những vấn đề liên quan nghị quyết Trung ương như giảm phó chủ tịch HĐND, đại biểu HĐND, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.