Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh luận việc đưa công an, kiểm toán vào khi làm đường vành đai 3, 4

Với những công trình như vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội, có ĐBQH cho rằng cần cơ chế giám sát để giảm sai sót, nhưng ý kiến khác nói việc đó không khắc phục được vi phạm.

Cơ chế triển khai hai tuyến đường vành đai quan trọng ở TP.HCM và Hà Nội sao cho “thuận” là vấn đề được đặt lên bàn nghị sự sáng 10/6.

Khi thảo luận về dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội, nhiều ý kiến trái chiều về cơ chế thực hiện cũng như giám sát dự án, được các đại biểu Quốc hội lần lượt đặt ra.

"Đừng kiểm tra, kiểm soát quá nhiều, để cho người ta làm”

Đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên - Huế) dẫn bài học kinh nghiệm ngay ở các nước phát triển, khi xây dựng các công trình đều nảy sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, ông kiến nghị cần có một cơ chế, ví dụ những nhóm đặc trách thành lập để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật liên quan đến dự án.

Bên cạnh đó, nên có một khóa đào tạo ngắn về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và địa phương, kể cả cơ quan, nhà đầu tư tham gia.

Quoc hoi tranh luan viec dua cong an,  kiem toan vao du an giao thong anh 1

Đại biểu Quốc hội Lê Hoài Trung (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hồng Phong.

Nhất trí với quan điểm nên có cơ chế kiểm tra, giám sát, ví dụ để kiểm toán, công an tham gia ngay từ đầu khi làm dự án, ông Trung cho rằng việc này có thể giảm bớt những sai sót không cần thiết.

Không đồng tình với góc nhìn này, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân giơ biển xin tranh luận về việc cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra, kiểm toán, khi triển khai hai dự án đường vành đai tại hai thành phố lớn.

Ông Vân phân tích Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan.

Việc tổ chức xây dựng các dự án đó là của cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó gồm cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ như thanh tra, điều tra.

Quoc hoi tranh luan viec dua cong an,  kiem toan vao du an giao thong anh 2

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân. Ảnh: Hồng Phong.

"Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật. Vì trên thực tế, khi đưa cả các cơ quan này vào thì vi phạm vẫn diễn ra”, ông Vân nhấn mạnh và cho rằng cần nhận thức đúng vấn đề này.

Cùng với kiến nghị giao cho các nhà đầu tư tư nhân thực hiện, triển khai, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa) nhấn mạnh: “Đừng kiểm tra, kiểm soát quá nhiều, để cho người ta làm”.

Theo ông, bên cạnh vấn đề lợi nhuận, các nhà đầu tư tư nhân cũng luôn muốn có một “công trình để đời” nên có thể mạnh dạn giao cho họ, kể cả làm đường sá hay các khu đô thị.

Thủ tướng nên "cầm trịch" hay ủy quyền cho chủ tịch tỉnh, thành phố?

Góp ý về cơ chế triển khai, đại biểu TP.HCM Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu liên quan các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thay vì báo cáo Quốc hội để rút ngắn thời gian.

Quoc hoi tranh luan viec dua cong an,  kiem toan vao du an giao thong anh 3

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân. Ảnh: Hồng Phong.

Tranh luận với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội là 2 công trình “để đời cho con cháu”, vì vậy, cần giao Thủ tướng “cầm trịch”. Ông lo ngại nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.

Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng thể hiện quan điểm không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Đặc biệt, ông Thân kiến nghị “không nên ham rẻ”, mà cần dành một khoản tiền thích đáng cho việc tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn hai dự án đường vành đai này.

Trao đổi lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) giải thích về mặt pháp lý, khi Thủ tướng ủy quyền thì quyền này vẫn của Thủ tướng và ủy quyền theo yêu cầu cụ thể, khi có việc phát sinh thì có chế độ báo cáo, xin ý kiến chứ không có nghĩa là giao cho chủ tịch cho UBND tỉnh, thành.

“Tôi đề xuất như vậy là mong muốn triển khai được nhanh vì mỗi lần bay ra và về từ Hà Nội mất nhiều tiếng đồng hồ, văn bản gửi đi hàng tháng chưa có phản hồi. Còn trong tình hình hiện nay, chưa chắc chủ tịch tỉnh, thành mặn mòi đâu, mà có xu hướng giao hết cho Thủ tướng”, ông Nghĩa nói.

Khai thác quỹ đất hành lang để thu chênh lệch địa tô

Ủng hộ quan điểm cần phải xây dựng các dự án đô thị, khu công nghiệp ở tuyến kết nối dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 ở 2 thành phố lớn, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh đã đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.

“Lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này cho nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án”, ông Vân nói.

Song hành với việc triển khai dự án, ông đề nghị Chính phủ xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê.

Việc này nhằm khai thác giá trị địa tô, thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường. “Đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí mà cần phải khai thác để thu về địa tô chênh lệch cho Nhà nước”, ông Vân nói.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng bên cạnh việc hình thành một tuyến hành lang giao thông, phải biến nó thành một hành lang kinh tế. Dựa vào đó, phải quy hoạch, phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên.

'Mới nghe Quốc hội thảo luận, giá đất vành đai 4 đã sôi lên'

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có cơ chế để phát huy quỹ đất dọc 2 bên đường sắp xây dựng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không thất thoát nguồn lực.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm