Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh luận về chính sách cách ly F1 của Hà Nội

Tranh luận ở Quốc hội, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng Hà Nội luôn chỉ đạo nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ về cách ly, điều tra, truy vết…

Là tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận được hàng loạt câu hỏi, vấn đề nóng được cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu việc một số địa phương, điển hình là Hà Nội vẫn áp dụng chính sách cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần (F1). Ông cho rằng việc này gây lãng phí nguồn lực, tổn hại về tinh thần cho người dân và gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, không phù hợp tình hình thực tiễn. Đại biểu Cường đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm vấn đề này.

Đề nghị phân cấp cơ chế cách ly rõ ràng

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long cho biết lãnh đạo Bộ đã trao đổi với TP Hà Nội và nêu quan điểm trong một số trường hợp không bắt buộc cách ly tập trung. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ có thể cách ly tại nhà 7 ngày.

Ông Long cũng đề nghị các địa phương áp dụng triệt để hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly theo phân cấp nguy cơ đối với người tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, F0 khỏi bệnh để phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Ông cho biết khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.

Ha Noi cach ly F1 tap trung anh 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hồng Phong.

Đối với người từ các địa phương đến Hà Nội, Bộ Y tế xác định là nhóm nguy cơ, nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị địa phương thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, cản trở việc đi lại.

"Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong", Bộ trưởng lý giải.

Giơ biển tranh luận, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà (đại biểu đoàn Hà Nội) cho rằng theo quy định tại Nghị quyết 128 và một số văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, việc cách ly phụ thuộc vào diễn biến dịch, năng lực y tế, khả năng cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, việc xem xét điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp công tác phòng, chống dịch. Bà Hà nhấn mạnh Hà Nội luôn chỉ đạo nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ về cách ly, điều tra, truy vết…

Bà Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Quốc hội.

Gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Đặc biệt ngày 9/11, TP ghi nhận 222 ca bệnh, với 105 ca cộng đồng và dự báo tình hình dịch rất phức tạp và khó lường. Bà Hà cho biết TP sẽ điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, các biện pháp cách ly phù hợp với Nghị định 128, vừa đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn.

Sau tranh luận của Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng thủ đô Hà Nội có đặc trưng riêng, là trung tâm chính trị của cả nước, nên mọi quyết định và chính sách chống dịch phải được đánh giá rất kỹ lưỡng.

Ông nhắc lại Nghị quyết 128 nêu rõ để đáp ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch, tùy vào tình hình, nguy cơ dịch bệnh, các địa phương có thể đưa ra giải pháp. Bộ trưởng Y tế hy vọng trên cơ sở đánh giá lại nguy cơ, địa phương sẽ có điều chỉnh dần biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp, đồng bộ chung cho tất cả tỉnh, thành phố.

“Chúng tôi lưu ý là ở cùng một cấp độ thì không nên khác nhau quá nhiều”, ông Long nói và mong Hà Nội sẽ phòng, chống dịch tốt.

Chuyên gia đồng tình cách ly F1 tại nhà

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết Chính phủ và Bộ Y tế thời gian qua đều đã khuyến khích địa phương cho phép người dân cách ly tại nhà. Thậm chí, F0 không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ cũng có thể tự theo dõi và cách ly tại nhà.

“Đây là một trong những giải pháp phù hợp khi chúng ta đã quyết định sống chung an toàn với SARS-CoV-2”, ông khẳng định.

Chuyên gia này cho rằng hiện nay, trừ một số trường hợp công nhân, người lao động quá khó khăn, đa số gia đình tại Việt Nam đủ điều kiện để tự cách ly như phòng riêng, có người chăm sóc. Do đó, chúng ta nên tạo điều kiện để người dân tự lựa chọn hình thức cách ly phù hợp.

Ông Hùng cho rằng Hà Nội cần phát huy vai trò của cả hệ thống y tế, thực hiện tập dượt, tránh để xảy ra quá tải như TP.HCM thời gian qua. Việc để quá tải rồi mới triển khai cách ly tại nhà là quá muộn

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có cùng quan điểm.

“Thời gian qua, dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0, từ đó nảy sinh lượng lớn F1. Do vậy, chúng ta cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà để thích ứng với điều kiện hiện nay, đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung”, ông Phu nói.

Ông Phu nhấn mạnh việc để người dân lựa chọn nơi cách ly cần có sự hài hòa. Trường hợp người dân chọn cách ly tại nhà vẫn phải đảm bảo điều kiện cần thiết mới được xem xét.

Không để ứng dụng chống Covid-19 'đầu voi, đuôi chuột'

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 cần đơn giản, dễ sử dụng và tích hợp được tất cả phần mềm đã, đang và sẽ triển khai.

Đề xuất ngày quốc tang cho những người tử vong vì Covid-19

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng con số hơn 22.000 người chết là rất lớn. Hầu hết họ ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và không được mai táng chu toàn.

.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm