Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong mới đây đăng tải thông tin về phiên đấu giá buổi tối “Nghệ thuật hiện đại và đương đại”. Theo đó, phiên đấu diễn ra lúc 5h chiều ngày 30/9 tại Hong Kong. Buổi đấu được giới thiệu là bán các “kiệt tác hiện đại từ phương Đông và phương Tây”.
Trong số 73 hiện vật mang ra đấu giá, có ba tác phẩm được đề tên họa sĩ Việt Nam: một của Lê Phổ, một của Nguyễn Gia Trí và một của Phạm Hậu.
Bức tranh đề tác giả Lê Phổ có số lô đấu giá là 1027, tên tranh là La Famille (Gia đình). Tranh được giới thiệu vẽ khoảng năm 1938 - 1940, chất liệu tranh lụa - thuộc dòng tranh đắt giá của Lê Phổ.
Bức Gia đình trên catalogue của Sotheby's. |
Nhà Sotheby’s Hong Kong đưa ra giá khởi điểm cho bức tranh từ 1.500.000-2.500.000 HKD (khoảng 4,3 – 7,1 tỷ đồng). Mức giá này thuộc nhóm tranh có giá khởi điểm cao nhất của Lê Phổ từng đấu giá.
Mới đây, giới hội họa trong nước đã phát hiện ra điểm bất thường trong bức tranh được đề tên Lê Phổ có trong catalogue của nhà Sotheby’s Hong Kong.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long viết trên trang cá nhân của mình: “Bức tranh Gia đình có một chi tiết quá kỳ lạ và đáng sợ, nó vẽ một người đàn bà có hai bàn tay trái”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật nghi ngờ, chẳng lẽ, danh họa Lê Phổ, một trong những học trò ưu tú nhất của trường Mỹ thuật Đông Dương, người được hiệu trưởng Victor Tardieu cưng chiều và đặt nhiều hy vọng nhất, lại mắc lỗi sai hình họa sơ đẳng như vậy.
Nhà sưu tầm và đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến cũng đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Phạm Long. Ông Tiến nói, Lê Phổ là danh họa nổi tiếng ở cả Việt Nam và Pháp, thì khó có thể mắc lỗi như vậy được.
Điểm bất thường thứ hai ông Đức Tiến chỉ ra, là cách vẽ cánh tay nhân vật trong bức tranh Gia đình. Là người từng được xem tận mắt một số tác phẩm của Lê Phổ, ông Tiến thấy những cánh tay trong các bức tranh kia không hề giống với cánh tay trong bức Gia đình.
Nhận xét về cánh tay người phụ nữ ôm con, và cánh tay đứa trẻ ôm mẹ trong bức Gia đình, nhà đầu tư nghệ thuật nói: “Nó thật khác, nó ngoằn ngoèo, không theo một lối hình họa nào cả. Những bức tranh từng đấu giá của Lê Phổ có cánh tay khác hoàn toàn, vẽ điêu luyện thoải mái, chứ không buông thõng như vậy”.
Điểm bất thường thứ ba mà ông Đức Tiến chỉ ra là nguồn gốc, xuất xứ của bức tranh không rõ ràng. Trên trang Sotheby’s chỉ viết bức tranh là một tài sản thừa kế của một tư nhân ở châu Á, rồi ủy thác cho một gallery, và gallery gửi tới đấu giá. “Nếu chỉ nói nguồn gốc chung chung như vậy, thì có đáng tin hay không?” - ông Đức Tiến đặt ra nghi vấn.
Ngoài mấy điểm bất thường đó, bức Gia đình có màu sắc và bố cục khá tương đồng với những bức vẽ về thiếu nữ, gia đình của Lê Phổ.
Với tư cách một người quan tâm tới hội họa, vì sự trong sạch của thị trường, ông Nguyễn Đức Tiến đã viết thư gửi nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong. Bức thư gửi tới hai nhân vật là: bà Vinci Chang – Giám đốc bộ phận Nghệ thuật Hiện đại châu Á của Sotheby’s Hong Kong, và Trưởng bộ phận Tư vấn và Phân tích của nhà đấu giá.
Nội dung thư chỉ ra điểm bất thường khó tin trong lô đấu giá 1027 - bức Gia đình - có đề tên Lê Phổ. Bức thư cũng đề nghị phía nhà đấu giá đưa ra lý giải cho việc tranh có hai bàn tay trái, và nguồn gốc xuất xứ của tranh.
Ông Nguyễn Đức Tiến từng tham gia các khóa học của Sotheby’s nên hiểu được việc viết thư như vậy là cần thiết, như một căn cứ, nghi vấn độ xác thực của tranh trước phiên đấu. Điểm thứ hai, ông Tiến cũng mong muốn góp phần cho thị trường tranh Việt được tốt hơn. “Nếu thị trường cứ để lọt những tranh như vậy thì sẽ phá hoại nền mỹ thuật của chúng ta” - ông Tiến nói.
Thư của ông Nguyễn Đức Tiến hiện chưa nhận được phản hồi. Ông cho biết sang tuần nếu không có hồi âm thì ông sẽ thực hiện các bước tiếp theo với mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Bức Đời sống gia đình của Lê Phổ đạt mức triệu USD. |
Vài năm trở lại đây có hiện tượng tranh đề tên họa sĩ Việt Nam được đưa ra đấu giá, và một số đã giao dịch thành công tại các nhà đấu giá hàng đầu thế giới như Christie’s và Sotheby’s. Gần đây nhất, một bức tranh đề tên họa sĩ Tô Ngọc Vân đã bán tại Christie’s Hong Kong ngày 28/5 được phát hiện giống hệt bức The Young Beggar của Bartolome Esteban Murillo - một họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17.
Họa sĩ Lê Phổ là một danh họa của Việt Nam, tranh của ông đắt giá nhất trong các tác phẩm của họa sĩ Việt từng đấu giá. Bức Đời sống gia đình của ông đạt ngưỡng một triệu USD hồi tháng 4 góp phần làm nóng thị trường nghệ thuật tranh Việt.