Phiên đấu giá ban ngày có tên “Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á” diễn ra vào lúc 10h ngày 1/10 tại Hong Kong. Phiên đấu cung cấp những tác phẩm tốt của các bậc thầy hội họa khu vực Đông Nam Á, với những tác phẩm phản ánh văn hóa phong phú, đa dạng ở khu vực. Ngoài ra, chương trình cũng giới thiệu những gương mặt đương đại hàng đầu của Đông Nam Á.
Tranh "Hái sen" của Lê Phổ. |
Trong số 203 tác phẩm đưa ra đấu giá, có hơn 50 hiện vật đến từ các họa sĩ Việt Nam. Trong đó, tác phẩm có giá khởi điểm cao nhất là bức La Cueillette des Lotus (Hái sen). Bức tranh được thực hiện vào khoảng năm 1940, với kích thước 95,5 x 59cm. Tranh có giá ước tính từ 780.000-1.600.000 HKD (2,2 tỷ đồng-4,6 tỷ đồng).
Một bức tranh của Nguyễn Gia Trí xuất hiện tại phiên này đang gây chú ý trong giới mỹ thuật Việt. Tác phẩm Provincial village (Bản làng) là bức sơn mài trên vóc gỗ sáu tấm, với tổng kích thước 93,5 x 201cm. Tranh được thực hiện khoảng năm 1940, được Sotheby’s đưa ra đấu với mức giá ước lượng từ 800.000-1.500.000 HKD (khoảng 2,3-4,3 tỷ đồng).
Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí được đấu giá tạo sự chú ý của giới mỹ thuật trong nước. |
Tác phẩm khiến nhiều người quan tâm không chỉ bởi sự đồ sộ của kích thước, mà còn bởi tạo hình khác lạ, mô típ sáng tác về đề tài miền núi khác với các cô gái thị thành quen thuộc thường thấy trong tranh Nguyễn Gia Trí.
Tại Việt Nam có những bức tranh của Nguyễn Gia Trí cùng chất liệu sơn mài, có cùng kích thước, được coi như bảo vật quốc gia, như bức Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ trong vườn.
Tác phẩm đắt giá không kém là bức Cinq petites filles (Năm thiếu nữ) của Mai Trung Thứ. Tranh có chất liệu mực và gali trên lụa, kích thước 34,5 x 92cm. Nhà Sotheby’s đưa ra giá ước tính cho tranh trong khoảng 380.000-550.000 HKD (khoảng 1,1-1,6 tỷ đồng).
Tại phiên đấu này, tranh của bộ tứ họa sĩ Việt Nam thành danh trên đất Pháp (Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu), cùng tranh của Joseph Inguim berty (họa sư trường Mỹ thuật Đông Dương) đều có mặt. Trong đó áp đảo là tranh Lê Phổ với những bức vẽ tĩnh vật.
Tranh của Đặng Xuân Hòa xuất hiện tại phiên đấu như một đại diện cho tiếng nói đương đại Việt Nam. |
Ngoài ra, một số họa sĩ thế hệ sau của mỹ thuật Đông Dương cũng có tranh tại phiên đấu này như Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Phạm An Hải…
Một số ít điêu khắc của nghệ sĩ Việt được mang ra đấu giá, trong đó, đáng kể nhất là điêu khắc Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của Vũ Cao Đàm. Điêu khắc có hình tròn đường kính 7cm, được hoàn thành vào năm 1946, chất liệu đồng. Bao quanh khuôn mặt Hồ Chí Minh có dòng chữ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.