“Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”, câu tục ngữ mà bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng ghi nhớ và cùng thực hiện trong phát triển sự nghiệp, nhất là với vợ chồng các doanh nhân cùng khởi nghiệp, xây dựng cơ nghiệp của mình. Tuy nhiên, không ít người sau khi thành công đã không còn "thuận vợ thuận chồng".
Những mâu thuẫn, ly hôn của các đại gia luôn gây không ít ồn ào bởi tranh chấp tài sản, quyền lực, giá trị thương hiệu do chính mình tạo dựng.
3 năm kiện tụng, tranh chấp chưa dừng của vợ chồng “vua" cà phê Trung Nguyên
Cùng nhau xây dựng Trung Nguyên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản phẩm cà phê cả trong và ngoài nước, nhưng giữa lúc doanh nghiệp đang phát triển hưng thịnh nhất thì bất ngờ những tranh chấp giữa hai vợ chồng người sáng lập Trung Nguyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của công ty.
Tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Vũ) tại Trung Nguyên. Đây là khởi điểm cho 3 năm sóng gió không chỉ vợ chồng ông Vũ bà Thảo phải trải qua, mà Trung Nguyên cũng gặp không ít khó khăn.
Cuộc tranh chấp quyền lực tại Trung Nguyên giữa 2 vợ chồng ông bà chủ doanh nghiệp diễn ra suốt 3 năm và vẫn chưa có hồi kết. |
Không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng “vua" cà phê sau đó liên tiếp kéo nhau ra tòa kiện tụng để tranh giành quyền điều hành tại Trung Nguyên. Bà Thảo kiện ông Vũ vì các quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty. Ông Vũ cũng phản pháo bằng gửi đơn kháng cáo việc TAND TP.HCM phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT), ký tháng 4/2015.
Phiên tòa xét xử vụ kiện này đến nay vẫn chưa thể diễn ra khiến sự việc ngày càng trở lên ồn ào. Riêng vụ ly hôn giữa hai vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên vẫn chưa được giải quyết.
Từng nổi lên với thương hiệu cà phê Trung Nguyên, G7 nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên dường như mờ nhạt. Người ta chỉ nhắc tới Trung Nguyên để nói về những ồn ào kiện tụng lẫn nhau giữa hai vợ chồng nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo, hơn là về một doanh nghiệp từng được coi là vua cà phê Việt.
Vụ tranh chấp thương hiệu Đức Phát của vợ chồng "vua" bánh họ Kao
Kịch bản tương tự vụ tranh chấp cà phê Trung Nguyên cũng từng xảy ra với Đức Phát Barkery, một trong những thương hiệu bánh đầu đời tại TP.HCM của ông Kao Siêu Lực.
Cùng khởi nghiệp từ những ngày đầu với nghề làm bánh, vợ chồng ông Kao Siêu Lực đã cùng nhau phát triển Đức Phát từ một tiệm bánh nhỏ vào năm 1983, trở thành thương hiệu nổi tiếng.
Nhưng đến năm 2007, khi Đức Phát Barkery đang ở đà phát triển mạnh thì mâu thuẫn gia đình xảy ra. Vợ chồng ông Kao Siêu Lực kéo nhau ra toà để phân giải tranh chấp thương hiệu bánh Đức Phát.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển thương hiệu Đức Phát, vợ ông Lực là người quản lý tài chính và kiểm soát toàn bộ 20 cửa hàng Đức Phát. Ông Lực chỉ sở hữu duy nhất là xưởng sản xuất.
Ông Kao Siêu Lực, người gây dựng thương hiệu bánh Đức Phát Barkery và ABC Barkery từ con số không. Ảnh: ABCBarkery. |
Ngày ly hôn, ông Lực được chia trả lại 10 cửa hàng, nhưng phải chấp nhận không được dùng thương hiệu Đức Phát nữa. Sau khi giao lại thương hiệu Đức Phát cho vợ cũ sở hữu, ông được trả 1 triệu USD theo thỏa thuận cùng 10 cửa hàng. Với số tiền này, ông chủ họ Kao đã mở hiệu bánh mới lấy tên ABC Bakery, với số vốn 30 tỷ đồng.
Hiện nay, trong khi ABC Bakery ngày càng phát triển tại thị trường TP.HCM và trở thành đối tác cung cấp bánh mì, bánh ngọt, hamburger cho hàng loạt ông lớn thức ăn nhanh như KFC, Lotteria , Burger King hay McDonald’s, thì Đức Phát Barkery ngày càng mờ nhạt trên thị trường.
Tranh chấp nửa tỷ USD của con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn
Cuộc ly hôn của ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, cũng từng gây xôn xao dư luận với khối tài sản tranh chấp lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Bà Thủy là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn.
Năm 2011, sau khi TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội giải quyết thủ tục ly hôn giữa ông Minh và bà Thủy thì ông Minh kháng cáo, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, vì cho rằng bản án không có quyết định phân chia tài sản chung. Số tài sản theo ước tính của ông Minh lên tới 500 triệu USD (xấp xỉ 10.000 tỷ).
Ông Bùi Đức Minh, con rể cũ của ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn. Ảnh: ANTT. |
Theo ông Minh, số tài sản này được xây dựng trong thời gian ông và bà Thủy là vợ chồng, nhưng phần lớn cổ phần đứng tên bà Thủy. Ông yêu cầu phải được chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn cùng 7 công ty khác.
Ngoài ra, toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh - Hoài Đức, do bà Thủy là Tổng giám đốc Công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn đứng tên chủ đầu tư, cũng phải được kê khai để phân chia.
Trong khi vụ việc chưa được giải quyết thì đến đầu năm 2012, ông Bùi Đức Minh đã bị bắt vì hành vi vu khống.
Sau vụ tranh chấp, hoạt động của Bảo Sơn khiêm tốn hơn trước. Tập đoàn này chỉ đầu tư xây dựng thêm một số dự án trong khuôn viên khu Thiên đường Bảo Sơn, như khu vui chơi Safari (vốn đầu tư 300 tỷ), chứ không đầu tư rầm rộ ra ngoài.
Hiện tại, theo công bố trên website, tập đoàn này có 3 công ty thành viên, gồm Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn; khu giải trí Thiên đường Bảo Sơn và Khách sạn Bảo Sơn.
Vụ ly hôn 2.000 tỷ đồng của ông chủ Tập đoàn Năm Sao
Vụ ly hôn nghìn tỷ kéo dài tới 4 năm giữa ông Trần Văn Mười, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao và vợ Phạm Thị Hương Giang, Phó giám đốc Công ty Cổ phần giám định Đại Tây Dương, đến nay cũng chưa có hồi kết, do chưa đạt thỏa thuận phân chia tài sản.
Theo bà Giang, vợ chồng bà có khối tài sản trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng với trên 10 biệt thự ở TP.HCM; Vũng Tàu, Hải Phòng... Ngoài ra, tài sản chung của 2 ông bà còn có vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỷ đồng); Công ty Cổ phần quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỷ đồng); Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Sam My (30 tỷ đồng); Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỷ đồng)… và bà phải được hưởng 50% số tài sản này.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao . Ảnh: NS. |
Nhưng ông Mười cho rằng số tài sản này hầu hết là đi vay. Do suy thoái kinh tế, giá nhà đất xuống thấp, vợ chồng lại lục đục ly hôn nên chưa thể bán nhà để trả nợ. Thời điểm đó, ông Mười kê khai còn nợ khoảng 109 tỷ đồng và 6.804 lượng vàng.
Ông Mười sau đó đã đề nghị đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng, phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, bà Giang không đồng ý.
Hiện tại, Tập đoàn Năm Sao có 11 công ty thành viên trong các lĩnh vực phân bón, nông nghiệp, bất động sản… Năm Sao cũng là một trong những chủ đầu tư có quỹ đất lớn tại Long An và sở hữu nhà máy sản xuất phân bón gần 1.000 tỷ đồng tại đây. Doanh nghiệp này còn đầu tư nhà máy phân bón 80 triệu USD tại Campuchia.
Hàng loạt dự án bất động sản như Thành phố sinh thái Năm Sao; Cao ốc văn phòng hạng A Five Star Tower (TP.HCM); Khu biệt thự nghỉ dưỡng Happy Valley Da Lat Villa (Đà Lạt); Trung tâm Thương mại Công nghiệp Five Star Garden (Nam Định)… cũng thuộc sở hữu của Năm Sao.