Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh chấp ở chung cư: Cuộc chiến không có hồi kết

Mua được một căn hộ là giấc mơ an cư của rất nhiều người. Tuy nhiên, đôi khi cuộc sống “trong mơ” bị biến thành những cuộc chiến không có hồi kết giữa cư dân và chủ đầu tư.

Chủ đầu tư coi thường người dân

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Lao Động, cộng đồng dân cư sinh sống tại chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM ) lên án cách hành xử thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng của chủ đầu tư (CĐT) là Công ty CP Đức Khải và BQL chung cư.

Liên tục thông báo “thu không đủ bù chi”, phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi tháng bù lỗ, nhưng CĐT luôn tìm cách né tránh tổ chức Hội nghị nhà chung cư (HNNCC) lần thứ nhất theo quy định pháp luật, với lý do chờ hoàn tất công tác sửa chữa bảo trì, thi công các hạng mục còn lại của dự án. 

Trong khi việc hoàn tất các hạng mục này là nghĩa vụ theo hợp đồng của CĐT, không phải là điều kiện tổ chức HNNCC. Việc CĐT tùy tiện áp đặt là vi phạm các quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân.

Tại buổi họp với đại diện dân cư sáng 8/5/2015, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Huỳnh Văn Hùng cho biết, UBND quận 7 có gửi văn bản cho Công ty CP Đức Khải, yêu cầu tổ chức HNNCC từ tháng 2/2015, thế nhưng đến thời điểm trên, UBND quận 7 vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

Nhiều người dân sống tại chung cư đang phải “sống mòn” với những tranh chấp.
Nhiều người dân sống tại chung cư đang phải “sống mòn” với những tranh chấp.

Trước đó, tại cuộc đối thoại với đại diện cư dân ngày 13/10/2014, khi bị truy vấn về quỹ bảo trì ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, thừa nhận đã trưng dụng khoản tiền phí bảo trì 2% (giá trị căn hộ) vào mục đích kinh doanh. Ông Lâm hứa sẽ bàn giao lại quỹ kèm lãi suất phát sinh sau khi tổ chức HNNCC lần 1 bầu ban quản trị (BQT).

Tuyên bố này khiến cư dân bất ngờ, bởi phí bảo trì 2% là tiền của cư dân đóng góp, dùng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục sau khi dự án hết thời hạn bảo hành 60 tháng.

Một luật sư không muốn nêu tên cho rằng, có những dấu hiệu CĐT đang “chiếm dụng vốn” và “sử dụng trái phép tài sản của người khác” theo Bộ luật Hình sự.

Đủ kiểu tranh chấp

Dọn về sống ở chung cư Khang Gia - Tân Hương (377 Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú) hơn một năm, nhưng các cư dân vẫn không hết hồi hộp do nhiều hạng mục tới nay chưa được nghiệm thu. Ông Nguyễn Thế Vinh, chủ căn hộ 2A, lầu 13, cho biết, mới ở chưa được bao lâu mà thang máy phải sửa chữa nhiều lần. Các đồng hồ điện chỉ được đấu nối tạm bợ, dây điện chằng chịt trước cửa cầu thang bộ. Camera quan sát chưa được lắp đặt như cam kết. Cư dân nhiều lần đề nghị CĐT là Công ty CP đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia khắc phục, nhưng họ vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Ngay với chung cư đã có BQT, mối quan hệ giữa CĐT với cư dân cũng chưa hẳn êm ấm. Đi vào sử dụng từ năm 2009, cư dân chung cư The Ruby Land, quận Tân Phú phải trầy trật đấu tranh suốt 5 năm mới thành lập được BQT. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài sau đó, CĐT nhất quyết không bàn giao công tác quản lý chung cư cho BQT.

Tháng 4/2015, Sở Xây dựng và UBND quận Tân Phú phải yêu cầu các bên ngồi lại, thống nhất việc bàn giao các hạng mục trong chung cư. Tuy nhiên, đã gần hai tháng trôi qua nhưng mọi việc vẫn y như cũ. 

Tương tự, BQT chung cư 4S Riverside (đường 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được công nhận từ năm 2011, nhưng mãi ba năm sau mới nhận bàn giao công tác quản lý. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Thắng, nguyên thành viên BQT nhiệm kỳ I, cho biết: “CĐT là Công ty Thành Trường Lộc không bàn giao bản vẽ kỹ thuật, hồ sơ pháp lý, tầng hầm, nhà sinh hoạt cộng đồng cùng hơn 3 tỷ đồng tiền phí bảo trì. Lãnh đạo quận Thủ Đức yêu cầu công ty bàn giao quỹ bảo trì cho BQT nhưng DN này vẫn ngó lơ. Đầu năm 2015, cư dân chung cư này khởi kiện CĐT đòi lại hơn 3 tỷ đồng phí bảo trì. Tới nay ba phiên hòa giải ở tòa đều không thành do CĐT vắng mặt”.

Đau đầu với sở hữu chung - riêng

Tầng hầm, tầng thượng và mặt bằng tầng trệt cũng là tranh chấp “nảy lửa” trong nhiều năm qua giữa Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (gọi tắt là Công ty 584) với cư dân chung cư 584 Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

CĐT luôn khẳng định các hạng mục trên là của họ, vì trước khi xây dựng, công ty đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình. Tuy nhiên, bà Võ Thị Hồng Nga, Phó BQT chung cư, cho biết các căn hộ CĐT bán cho khách hàng đều sau thời điểm Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực (từ 1/7/2006). 

Theo đó, tầng hầm đương nhiên là sở hữu chung khi trong hợp đồng không nhắc đến. “Giấy chứng nhận sở hữu công trình của CĐT được cấp trước khi họ xây dựng chung cư và bán cho khách hàng. Do đó khi đã bán cho cư dân, công trình này không còn là sở hữu riêng của CĐT nữa”, bà Nga nói.

“Cuộc chiến” giành sở hữu chung - riêng ở chung cư 584 đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Sở Xây dựng mới đây có quyết định thanh tra toàn diện chung cư này, để giải quyết các vướng mắc.

Nhiều dự án nhà ở xã hội có nguy cơ chết yểu

Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng quá xa trung tâm đang trong tình trạng đắp chiếu dài hạn.

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/tranh-chap-o-chung-cu-cuoc-chien-khong-co-hoi-ket-350141.bld

Theo Bảo Chương-Lê Tùng/Lao Động

Bạn có thể quan tâm