Để hoang đất đến bao giờ?
Nằm ngay khu trụ sở mới của huyện Mê Linh nhưng dự án đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư vẫn bỏ hoang đất nhiều năm qua.
Dự án có tổng diện tích trên 53 ha nằm trên hai xã Thanh Lâm và Đại Thịnh đã được giao đất gần chục năm. Tổng công ty HUD đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng. Khoảng 10 ha đất đã được đầu tư hạ tầng đường giao thông, trồng cây, san lấp cũng cùng chung số phận của cả dự án khi tại đây chưa có bất cứ căn nhà nào được xây dựng. Phần lớn diện tích đất của dự án vẫn là nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.
Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở khác trên địa bàn huyện Mê Linh tiến độ triển khai khá chậm như dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 diện tích 35 ha, dự án Mê Linh -Đại Thịnh 143 ha vẫn đang ì ạch ở khâu lập quy hoạch chi tiết 1/500…
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều văn phòng môi giới nhà đất trên địa bàn huyện Mê Linh cho biết, vào thời điểm sốt đất năm 2010 trở về trước còn có người hỏi nhưng khoảng 4 năm trở lại đây thì gần như không ai quan tâm. Lý do là quỹ đất thổ cư trong dân vẫn còn rất lớn và giá khá rẻ.
Anh Toàn trú tại thôn Hữu Phú xã Thanh Lâm cho biết, đang rao bán mảnh đất trên 300 m2 vị trí khá đẹp chỉ với giá trên 2 triệu đồng/m2. Tại vị trí đẹp của xã Thanh Lâm, Đại Thịnh giá đất thổ cư có sổ đỏ cao nhất cũng chỉ 3-5 triệu đồng/m2. “Giá đất thổ cư đang khá rẻ như vậy, ai dại gì đi mua nhà chung cư?”, anh Hùng, một người làm nghề môi giới nhà đất tại trung tâm huyện Mê Linh khẳng định.
Nhiều dự án nhà ở xã hội đắp chiếu. |
Không chỉ riêng gì trên địa bàn huyện Mê Linh, tại huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Đông Anh… sau nghi lễ khởi công hoành tráng, quảng bá rầm rộ, một số dự án nhà ở, bao gồm cả nhà xã hội cũng triển khai cầm chừng và không nhận được sự mặn mà của người mua. Nguyên nhân chủ yếu là do giá đất thổ cư tại các huyện này khá rẻ và các dự án này không đủ sức thu hút người dân trong nội thành ra ngoại thành mua nhà.
Sẽ phải điều chỉnh lại một số dự án
Trong một hội nghị giữa lãnh đạo UBND thành phố với các nhà đầu tư nhà ở xã hội gần đây, đại diện Tổng công ty HUD thừa nhận một số dự án nhà xã hội của doanh nghiệp này tại huyện Mê Linh không hấp dẫn người mua dẫn đến dự án gặp khó khăn.
Trao đổi với Tiền Phong về tình hình triển khai các dự án nhà ở (trong đó có cả nhà ở xã hội), đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, một số dự án nhà ở khu vực ngoại thành đang gặp khó khăn lớn do thiếu sức hấp dẫn với thị trường. Nguyên nhân là tại các khu vực như huyện Mê Linh, Quốc Oai, Đông Anh… hạ tầng còn thiếu, chưa thu hút được người mua nhà từ nội thành. Trong khi đó giá đất thổ cư lại khá dễ mua, nhu cầu và khả năng thanh toán của người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế.
Vị đại diện Sở Xây dựng cho rằng, sở dĩ có tình trạng một số dự án nhà ở triển khai ở quá xa trung tâm nằm tại huyện Mê Linh và một số huyện của tỉnh Hà Tây cũ vì đây là những dự án đã được cấp từ trước khi các địa phương này sáp nhập vào Hà Nội.
“UBND thành phố vừa chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn, phân loại tính khả thi của từng dự án. Trên cơ sở đó để thành phố lập kế hoạch phát triển cụ thể phù hợp với hạ tầng, nhu cầu của người mua”, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng nói.
Cũng theo ông Đạm, việc quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà xã hội là cần thiết kể cả ở các huyện ngoại thành nhưng xây dựng thời điểm nào phải được tính toán kỹ. Ngay sau đợt rà soát này, một số dự án sẽ phải điều chỉnh lại chức năng, quy mô, kế hoạch đầu tư cho phù hợp…
Một số dự án nhà ở khu vực ngoại thành đang gặp khó khăn lớn do thiếu sức hấp dẫn với thị trường. Nguyên nhân là tại các khu vực như huyện Mê Linh, Quốc Oai, Đông Anh… hạ tầng còn thiếu, chưa thu hút được người mua nhà từ nội thành.