Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh chấp mì gói: Vì sao đòi bồi thường hơn 810 triệu?

Mức yêu cầu bồi thường hơn 810 triệu đồng mà phía Hảo Hảo đưa ra cho Hảo Hạng vì hành vi xâm phạm bản quyền thương hiệu được đánh giá là chưa chắc khả thi.

817,5 triệu gồm những khoản nào?

Qua đơn kiện gửi lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương, Vina Acecook diễn giải chi tiết tổng mức đòi bồi thường 817,5 triệu đồng bao gồm 637,5 triệu lợi nhuận Asia Foods đã thu về từ hoạt động bán ra sản phẩm vi phạm, 100 triệu đồng chi phí Vina Acecook đã bỏ ra để khắc phục hậu quả từ vụ việc và 80 triệu đồng chi phí luật sư. 

Về phía Asia Foods, sau nhiều lần liên hệ tới công ty, đại diện hãng thực phẩm này hiện vẫn chỉ thống nhất đưa ra thông tin: "Lãnh đạo đang đi công tác nước ngoài nên không thể phản hồi". Mặt khác, đơn vị này khẳng định, ngoài thông tin một chiều từ phía Hảo Hảo, vẫn chưa nhận được yêu cầu nào từ phía cơ quan chức năng nên chưa có nghĩa vụ phải làm theo.

Trả lời Zing về các căn cứ để đưa ra mức bồi thường trong vấn đề vi phạm quyền sở hữu và bảo hộ thương hiệu, luật sư Nguyễn Phúc Đại (Văn phòng luật Tuệ Nguyễn, Hà Nội) cho biết, để đưa ra mức đòi bồi thường cụ thể, phía Hảo Hảo có thể căn cứ trên 3 yếu tố. Các yếu tố bao gồm lợi nhuận của công ty bị giảm sút như thế nào từ vụ việc, số lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm vi phạm đã - đang lưu hành trên thị trường và lượng sản phẩm vi phạm còn tồn kho. Cuối cùng là thiệt hại uy tín của thương hiệu.

Vi phạm bản quyền thương hiệu, Asia Foods đang phải đối mặt với khoản đòi bồi thường lên tới hơn 800 triệu đồng từ phía hãng sản xuất mì Hảo Hảo, Vina Acecook. Ảnh: Diệp Sa.

Để có mức bồi thường là con số cụ thể, theo luật sư Đại, đơn vị khởi kiện cần làm rõ bằng định lượng tất cả các yếu tố trên. Việc tính toán được mức lợi nhuận mà Hảo Hảo bị giảm sút qua vụ việc khá khó khăn bởi hoạt động này mang tính định tính. Tuy nhiên, trong trường hợp 2 bên không xác định được cụ thể mức bồi thường thì theo luật quy định, tổng số tiền cao nhất ở thể lên tới 500 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc truyền thông Vina Acecook nói thêm, trên thực tế, thiệt hại lớn nhất của Hảo Hảo không phải là vấn đề tài chính. Vụ việc đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số bán hàng, uy tín của thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.

Vì sao Hảo Hạng ngưng sản xuất, Hảo Hảo vẫn kiện tới cùng?

Bị tố vi phạm bản quyền thương hiệu mì gói tôm chua cay Hảo Hảo, Asia Foods đã cho ngưng sản xuất mì Hảo Hạng, mặt hàng gây tranh cãi. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó.

"Nhái thương hiệu, doanh nghiệp chọn đi đường lớn nhưng không dài"

 

Chuyên gia marketing Lê Tấn Đạt (CEO công ty truyền thông Neo) cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp hoặc nhãn hàng mới nổi lựa chọn copy thương hiệu của nhãn hàng dẫn đầu thị trường là cách lựa chọn "đi đường lớn chứ không đi đường dài".

Ông Đạt phân tích, đây là chiến lược của các công ty nhỏ khi tung ra sản phẩm mới để sớm được nhận diện trên thị trường. Tuy nhiên, theo quy luật, khi có càng nhiều nhãn hiệu copy "người tiên phong", thương hiệu ấy sẽ càng nổi. Những sản phẩm copy có thể gây ấn tượng với thị trường trong thời gian ngắn nhưng nếu không tập trung cải tiến chất lượng và tìm được lối đi riêng, các nhãn hiệu này sẽ sớm bị đào thải. 

Mở rộng vấn đề, ông cho biết, đây cũng là bài học để các doanh nghiệp trong nước đánh giá lại tầm quan trọng của bản quyền thương hiệu. Thực tế, vấn đề bảo hộ thương hiệu luôn được các thương hiệu lớn quốc tế coi là hoạt động mang tính luật pháp, đặt lên trước hoạt động marketing và kinh doanh. Để bảo vệ lợi ích của mình, doanh nghiệp quốc tế thường chấp nhận đầu tư ngân sách lớn cho chiến lược PR và bảo vệ thương hiệu đồng bộ.

Bước ra "sân chơi" quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tỏ ra chuyên nghiệp hơn và trân trọng hơn "cái tên" của mình. Một số thương hiệu của Việt Nam chỉ được bảo hộ tại thị trường nội địa thay vì trên toàn cầu. Điển hình như thương hiệu nước mắm Phú Quốc chỉ có thể lưu hành tại Việt Nam bởi ở Thái Lan, nhãn hiệu này đã được bảo hộ từ lâu. Hay tại Trung Quốc, rất nhiều thương hiệu tưởng như của người Việt nhưng hóa ra đều đã thuộc quyền sở hữu của những doanh nghiệp nước này.

"Muốn phát triển, hãy tập chơi theo cách của các ông lớn. Và trong những hoàn cảnh này, câu nói 'trâu chậm, uống nước đục' luôn đúng", ông Lê Tấn Đạt chia sẻ.

Mì Hảo Hạng bị siêu thị từ chối vì nghi nhái Hảo Hảo

Nhãn hiệu mì Hảo Hạng của Công ty Asia Foods đang bị nhiều siêu thị từ chối, vì nghi có dấu hiệu vi phạm bản quyền thương hiệu.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm