1. Cạnh tranh khốc liệt giữa Masan và Acecook
Năm 2011, "đại chiến mì tôm" trên bàn cân pháp lý giữa Masan và Acecook khiến người tiêu dùng hoang mang.
Ngày 23/5/2011, Công ty Acecook có đơn gửi cơ quan chức năng, khiếu nại mẫu quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Masan có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đó, đoạn quảng cáo đã đưa hình ảnh hai vắt mì, một vắt màu vàng nhạt là mì của Masan, một vắt màu vàng sậm của doanh nghiệp (DN) khác. Sau đó, tô mì được cho nước sôi. Thông điệp đưa ra trong quảng cáo là nếu cho nước vào vắt mì mà “nước chuyển sang vàng đục chứng tỏ sợi mì có nhuộm màu.
Đại chiến mì ăn liền giữa Masan và Acecook. Ảnh minh hoạ: Bizlive. |
Phần đầu đoạn quảng cáo có nhắc đến cụm từ “phẩm màu độc hại”, nên đã gây ấn tượng xấu cho người tiêu dùng với mì màu vàng sậm. Không lâu sau, phản ứng với hành động của Acecook, Masan lại gửi đơn khiếu nại Acecook về hành vi “gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”.
Thế nhưng thời điểm đó, Cục Quản lý cạnh tranh sau khi tiếp nhận vụ việc đã ra thông báo trả lại hồ sơ khiếu nại, đồng thời yêu cầu hãng này sửa đổi một số từ ngữ trong quảng cáo, tránh gây hiểu lầm…
Đây không phải là lần đầu tiên Acecook có xích mích, khiếu nại đối với Masan. Trước đó, năm 2009, trong đoạn quảng cáo mì Tiến Vua, Masan nhấn mạnh: “Mì màu vàng sậm là mì dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không tốt cho sức khỏe”.
Điều này được cho là vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh, nên Acecook khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Masan đã chủ động thay đổi nội dung quảng cáo trên.
2. Hảo Hảo kiện Hảo Hạng
Câu chuyện Hảo Hảo đưa Hảo Hạng ra tòa những ngày qua đã gây chú ý dư luận. Sản phẩm mì Hảo Hảo được Vina Acecook chính thức cho ra mắt trên thị trường Việt Nam vào năm 2000. Khi đó, nhãn hiệu này cũng đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360.
Cuối năm 2014, trên thị trường xuất hiện loại mì ăn liền với trọng lượng, bao bì, tên gần giống với Hảo Hảo, nhưng giá rẻ hơn. Đây là nhãn hiệu mì ăn liền “Hảo Hạng” của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia Foods).
Mì Hảo Hạng - Tôm chua cay của Asia Foods. Ảnh: Người Lao Động. |
Để bảo vệ nhãn hiệu chiếm 60% doanh số của Vina Acecook mỗi năm, công ty này đã có công văn khuyến cáo hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu gửi đến Asia Foods.
Ngày 5/2/2015, Asia Food phúc đáp, khẳng định không nhái nhãn hiệu. Tuy nhiên, đến ngày 4/2/2015, sản phẩm mì Hảo Hạng được chính đơn vị chủ quản cho biết, đã ngưng sản xuất.
Tưởng rằng cuộc chiến sẽ kết thúc tại đây, nhưng ngày 4/5/2015, Acecook Việt Nam cho biết đã gửi đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương, khởi kiện Công ty CP thực phẩm Á Châu. Nội dung đơn vị khởi kiện đưa ra là Asia Foods đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay & Hình”.
3. Masan, Asia Foods, Micoem... cùng tấn công Hảo Hảo
Đầu năm 2015, khi "ông lớn" Hảo Hảo gặp vấn đề khan hàng, các thương hiệu Asia Foods, Massan, Micoem... đều tranh nhau đăng ký quảng cáo vào các giờ vàng trên truyền hình.
Thời điểm này, khán giả dễ dàng thấy một loạt chương trình quảng cáo line (liên tục) trên sóng truyền hình quốc gia. Để giành được phần thắng trong chiến dịch truyền thông qua quảng cáo, các hãng đã không ngại bỏ ra khoản đầu tư vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo luôn nhấn mạnh "vị chua cay mới, giá rẻ" - đặc điểm làm nên thương hiệu của mì ăn liền Hảo Hảo.
Đến nay, nhãn mì nói trên đã xuất hiện phổ biến trở lại trên thị trường, nhưng cuộc chiến truyền thông của các hãng mì vẫn còn diễn ra khốc liệt.