Ảnh minh họa: reedsy. |
Chẳng có hại gì khi độc giả mong muốn điều tốt đẹp hay nghe những lời khuyên sống thiện, nhưng cây viết Thierry Boutte của tờ Libre cho rằng việc theo đuổi hạnh phúc một cách mù quáng không phải lúc nào cũng tốt.
Một khảo sát do chính Libre thực hiện cho thấy 75% số người tham gia tin rằng chúng ta nên cảnh giác với sách self-help. Dù vậy, điều này không ngăn cản được thị trường self-help phát triển. Theo Marketwatch, thị trường này sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2023-2028.
Sự phát triển của thị trường self-help
Trong một buổi podcast với Emmanuelle Bastide, Thierry Jobard, tác giả sách Contre le développement personnel, một chuyên gia về khoa học nhân văn, cho biết dòng sách self-help bắt đầu bùng nổ từ đầu thập niên 2000.
Marketwatch ghi nhận doanh thu sách self-help trong năm 2016 là 10 tỷ USD và năm 2023 dự kiến là 13 tỷ USD. Không chỉ sách, thậm chí các ứng dụng về hạnh phúc, về thiền định cũng được tải xuống nhiều hơn, các khóa học kiểu self-help cũng nở rộ. Dự kiến, 2023-2028 là giai đoạn bùng nổ của thị trường self-help.
Thierry Boutte của Libre cho rằng về mặt lịch sử, khái niệm self-help có thể bắt đầu từ dược sĩ người Bỉ Émile Coué (1857-1926), người phát minh ra phương pháp tự tạo sự tích cực, và Dale Carnegie (1888-1965), người đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất của nhân viên bán hàng và nhà quản lý.
Sau đó, tâm lý học tích cực và lập trình ngôn ngữ thần kinh (NLP) đã được du nhập vào phong trào Thời đại Mới (New Age). Tập trung nhiều hơn vào trị liệu tâm lý và tâm linh, phong trào này trở nên phổ biến từ Mỹ đến châu Âu, với các kỹ thuật như liệu pháp Gestalt, năng lượng gốc...
Tìm cách đạt đến sự lành mạnh trong lối sống thông qua những hệ thống dinh dưỡng, ca hát hoặc thậm chí dọn nhà, ai cũng có thể tìm thấy hạnh phúc, hoặc lạc lối trong ảo tưởng hạnh phúc.
Nhưng muốn hạnh phúc thì có gì sai?
Trong khi nhiều chuyên gia phát triển cá nhân nhấn mạnh vào lợi ích của việc phát triển sự hiểu biết về bản thân, thì nhà triết học Julia de Funès lại chỉ trích phong trào này. Bà cho rằng self-help đang trở thành một kiểu thuốc gây nghiện mới.
Bà đặt những câu hỏi như: Làm sao mà người ta phát triển được khi tư tưởng bạn luôn đúng, luôn tốt bao bọc? Làm sao bạn phát triển với tư cách là một cá nhân được khi các lời khuyên luôn dành cho mọi người?
Cũng trong buổi trò chuyện với Emmanuelle Bastide, tác giả Thierry Jobard đã chia sẻ quan điểm cho rằng sách self-help chỉ giúp độc giả cảm thấy dễ chịu nhất thời, nhưng không thực sự giúp họ vượt qua vấn đề cá nhân.
Với những người có vấn đề cá nhân thực sự, Jobard cho rằng họ nên tìm đến sự trợ giúp của một bác sĩ tâm lý có bằng cấp đàng hoàng.
Phần lớn tác giả sách self-help không dám tự nhận mình là một bác sĩ tâm lý mà chỉ nhận là một người "bạn đồng hành", một "huấn luyện viên cuộc sống". Đối với những người có nỗi đau tinh thần nghiêm trọng, sách self-help sẽ không có ích gì.
Thierry Jobard cho biết ban đầu, đa số độc giả của sách self-help là phụ nữ, sau, các chuyên gia tiếp thị tìm ra cách tiếp cận đến đối tượng nam giới bằng cách cho ra các cuốn sách nhấn mạnh vào khía cạnh thực dụng hơn như làm giàu, thành công thay vì nói quá nhiều về tâm lý.
Hơn thế, ông cho rằng sách self-help dễ nhắm đến đối tượng độc giả cô đơn, cần chỗ dựa tinh thần. Sách self-help cung cấp một lộ trình giả định cho độc giả học theo và "tiến lên phía trước". Cảm giác có người dẫn dắt giúp những người này an tâm, do vậy, họ tìm đến sách self-help.
Trong cuốn sách của mình, Jobard phân tích rằng đằng sau những bài phát biểu ngọt ngào và dễ chịu, tồn tại một hệ tư tưởng mới, hứa hẹn hạnh phúc đi từ một dạng tự bóc lột bản thân.
Trong thế giới tuyệt vời của self-help, mọi thứ đều xoay quanh tiên đề này: khi bạn muốn, bạn có thể làm được. Và nếu chúng ta không thể, đó là vì chúng ta không muốn đủ. Thierry Boutte cho rằng tư tưởng này hơi đậm tính "giáo phái".
Cần đọc có chọn lọc
David Laillier, tác giả sách Votre inconscient, đồng tình rằng phong trào này có thể trở nên ảo tưởng thái quá, dẫn đến nguy cơ đặt áp chế lên chính người thực hành theo self-help.
Dù vậy, ông cho rằng cần phân biệt giữa sách hay và sách dở. Laillier cho rằng phong trào này có từ thời Phục hưng và thời Khai sáng, đã giúp nhiều cá nhân phát triển năng lực trí tuệ, đạo đức và thể chất của chính họ.
Đến nay, phong trào này không chỉ còn phổ biến trong riêng giới quý tộc nhàn rỗi, các nhà lãnh đạo hoặc vận động viên cấp cao nữa, mà lan tỏa rộng rãi, cho cả người bình thường.
Ông cho rằng mọi phong trào đều có vấn đề riêng, vì vậy, không công bằng khi tập trung chỉ trích self-help.
Những phê bình sách self-help vướng phải trong những năm qua cũng đã tác động đến nội dung của sách self-help trong thời đại mới. Những cuốn sách self-help mới như Toxic Positivity của Whitney Goodman thậm chí còn phê bình ngược lại phong trào này. Độc giả cũng có nhận thức hơn về những cái bẫy có thể sa phải nếu không chọn lọc khi đọc.