Nepal kỷ niệm lần đầu tiên con người chinh phục đỉnh Everest trong bối cảnh mùa leo núi tại quốc gia này bị phủ bóng đen bởi số trường hợp tử vong đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Các cuộc tranh luận đã nổ ra về khả năng chính phủ Nepal cần giới hạn cấp phép để giải quyết tình trạng quá tải trên con đường dẫn tới đỉnh Everest, khiến nhiều du khách gặp nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.
Vùng tử thần
Trong lễ kỷ niệm ngày hai nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu đặt chân lên đỉnh Everest tại thủ đô Kathmandu hôm 29/5, các quan chức chính phủ Nepal khẳng định chưa có kế hoạch hạn chế cấp phép cho những người muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.
Việc không hạn chế cấp phép không phải là quyết định gây bất ngờ. Mỗi năm, Nepal thu được 300 triệu USD nhờ các hoạt động dịch vụ liên quan tới leo núi.
Tới tháng 5, Nepal đã cấp 381 giấy phép leo núi chỉ trong năm 2019. Đến nay, đã có 7 trường hợp tử vong được ghi nhận tại sườn phía nam của Everest, nằm trên lãnh thổ Nepal. Hầu hết ca tử vong được xác định là do các bệnh liên quan tới độ cao, gây ra bởi lượng oxy suy giảm dẫn tới chứng đau đầu, nôn mửa, khó thở và rối loạn tâm thần.
Do con đường chinh phục đỉnh Everest nằm ở độ cao lớn, không khí loãng, các nhà leo núi chỉ có vài giờ để leo tới đỉnh trước khi đối mặt với nguy cơ mắc chứng phù phổi - tình trạng phổi bị ngập trong chất lỏng gây ra suy hô hấp.
Nhà leo núi Ameesha Chauhan chịu nhiều tổn thương vật lý do thời tiết sau khi cố gắng chinh phục đỉnh Everest. Ảnh: AP. |
Những người leo núi miêu tả tình trạng "tắc nghẽn" xảy ra do những du khách kiệt sức khi ở "vùng tử thần", chặng leo núi cuối cùng từ Trại số 4 ở độ cao 8.000m tới đỉnh Everest ở độ cao 8.850m.
Những ca tử vong năm nay tại sườn núi phía Nepal gồm có Don Cash, giám đốc kinh doanh đến từ bang Utah, và Christopher Kulish, một luật sư từ bang Colorado, đều thuộc Mỹ. Hai người này thiệt mạng sau khi đã chinh phục thành công đỉnh Everest và đang trên đường xuống núi.
Luật sư Christopher Kulish, năm nay 62 tuổi, chinh phục thành công đỉnh núi cùng một nhóm nhỏ bạn đồng hành. Theo miêu tả của người em trai, ông Kulish quyết tâm chinh phục đỉnh Everest để hoàn thành điều kiện gia nhập Câu lạc bộ Bảy Nóc nhà, một tổ chức dành cho những nhà leo núi đã chinh phục những nơi cao nhất của tất cả các châu lục.
Người thiệt mạng khác là Don Cash cũng chinh phục đỉnh Everest với lý do tương tự. Ông Cash gục ngã tại đỉnh núi, trước khi được các bạn đồng hành sơ cứu và xoa bóp cơ thể. Ông sau đó có thể gượng dậy, nhưng tiếp tục quỵ ngã một lần nữa tại Hillary Step, vách đá đầu tiên trên đường từ đỉnh núi quay về.
Tại sườn phía bắc của ngọn núi thuộc lãnh thổ Trung Quốc, một du khách tử vong hôm 23/5 sau khi đã đặt chân lên đỉnh núi. Công ty du lịch Thụy Sỹ Kobler và Partner chỉ cho biết người xấu số có tên Ernst, ngoài ra không công bố nguyên nhân tử vong.
Du khách thiếu kinh nghiệm và kỹ năng
Hôm 29/5, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Nepal Gokul Baskota cho biết không thể đổ lỗi tình trạng quá tải hiện tại trên đường chinh phục đỉnh Everest cho việc quản lý về cấp phép của chính phủ Nepal. Ông Baskota cho rằng trình độ leo núi không phù hợp của các du khách là nguyên nhân gây ra các ca tử vong đáng tiếc.
Quan điểm của Bộ trưởng Baskota vấp phải không ít phản đối. Nhà leo núi kỳ cựu Hàn Quốc Um Hong Gil, người từng được chính phủ Nepal vinh danh trong lễ kỷ niệm chinh phục đỉnh Everest lần thứ 66, cho biết số du khách leo núi nên được giới hạn. Ông Um cho rằng chỉ những nhà leo núi được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm mới nên được cho phép chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.
Ông Um cho biết hành trình chinh phục đỉnh Everest, một thời chỉ dành cho dân leo núi lão luyện, đã thay đổi đáng kể so với năm 1988, khi ông lần đầu đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Một phần nguyên nhân xuất phát từ công nghệ dự báo thời tiết tiên tiến giúp du khách xác định được thời gian phù hợp để leo núi.
"Ngày nay, nhiều người leo lên đỉnh Everest như thể đây là một trò giải trí, với suy nghĩ là họ có thể làm được mà không cần phải tập luyện nhiều", ông Um nói.
Cảnh tắc nghẽn trên đường chinh phục đỉnh Everest hôm 22/5. Ảnh: AP. |
Hiệp hội Leo núi Nepal, tổ chức đại diện cho các công ty lữ hành, cho biết đang vận động chính phủ yêu cầu các nhà leo núi phải có sự chuẩn bị phù hợp để đối phó với điều mà những nhà leo núi kỳ cựu mô tả là "nhiệm vụ thể chất và tinh thần khốc liệt".
"Chính phủ cần có chính sách chặt chẽ để kiểm soát những người leo núi thiếu kinh nghiệm mong muốn chinh phục Everest", Chủ tịch Santa Bir Lama của hiệp hội cho biết.
Ông Lama cho rằng giấy phép leo núi, do chính phủ Nepal cấp chỉ vài ngày trước hành trình, nên được cấp sớm hơn vài tháng để các du khách có đủ thời gian chuẩn bị cho chặng đường chinh phục đỉnh Everest.
Ông Lama cũng đổ lỗi cho các công ty leo núi tư nhân do quá chú trọng mở rộng đối tượng khách hàng mà phớt lờ các yếu tố an toàn.
Trong khi đó, các công ty lữ hành khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ cho du khách cả về kinh nghiệm và kỹ năng trước khi điền tên du khách vào danh sách leo núi. Các công ty này cũng chỉ ra thậm chí những người leo núi dày dạn nhất đôi khi vẫn thiệt mạng trên đường chinh phục Everest.
"Luôn luôn có những yếu tố không thể đoán trước trên các ngọn núi", Mingma Sherpad, đại diện công ty thám hiểm Seven Summits Treks, tuyên bố.
Ông Sherpad cho rằng chính phủ Nepal không thể hạn chế số giấy phép cấp ra bởi luôn có danh sách dài du khách mong chờ cơ hội chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.
"Mọi người từ khắp nơi trên thế giới muốn đến thăm Everest, đây là nguyện vọng không thể bị ngăn trở", ông Sherpad nói.