Cách đây khoảng một năm, ông Francesco Visalli, nghệ sĩ người Italy, đã gửi bức thư đến bảo tàng ở thành phố Dusseldorf, Đức.
Bức tranh "New York City I" của Piet Mondrian được cho là bị treo ngược suốt 77 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Linh cảm của một nghệ sĩ
Nội dung của bức thư là sự chia sẻ của ông Visalli về bức tranh "New York City I" - một tác phẩm trừu tượng chưa hoàn thiện của danh họa Piet Mondrian, theo New York Times.
Cũng giống như các tác phẩm nổi tiếng khác của họa sĩ người Hà Lan, "New York City I" được cấu tạo bởi các đường thẳng bằng băng dính màu đỏ, xanh, vàng và đen. Chúng hoặc là song song, hoặc là vuông góc với nhau.
Ông Visalli khi đó đang nghiên cứu về cuộc đời và các tác phẩm của Mondrian.
"Mỗi khi tôi nhìn vào tác phẩm này, tôi luôn bị thôi thúc bởi một cảm giác rõ rệt rằng nó cần phải được xoay ngược 180 độ", ông Visalli viết trong bức thư, gửi tới lãnh đạo bảo tàng.
"Tôi biết rằng trong nhiều thập kỷ bức tranh đã được chiêm ngưỡng và xuất bản ở chiều này, nhưng cảm giác đó vẫn rất mạnh mẽ", nghệ sĩ người Italy nói thêm.
Ông Visalli cũng đưa ra một bằng chứng cho linh cảm của mình, đó là một bức ảnh từ tạp chí Town & Country xuất bản năm 1944 ở Mỹ, cho thấy bức họa này đang nằm trên giá trong xưởng vẽ của Mondrian ngay khi ông vừa qua đời. So với cách mà nó đang được trưng bày trong bảo tàng Kunstsammlung Nordrhein-Westfalen, bức tranh đã bị treo ngược.
Lá thư của ông Visalli đã khiến những người phụ trách nghệ thuật của bảo tàng phải kiểm tra lại, trong bối cảnh họ đang chuẩn bị mở triển lãm nhân dịp 150 năm ngày sinh của Mondrian.
"Tôi chắc chắn 100% là bức tranh đã bị treo ngược", bà Susanne Meyer-Buser, giám tuyển nghệ thuật tại bảo tàng Kunstsammlung, chia sẻ với tờ Guardian.
Bất chấp tuyên bố của bà Meyer-Buser, các chuyên gia về Mondrian tỏ ra hoài nghi về linh cảm của ông Visalli. Tác phẩm "New York City I" chưa được hoàn thiện, và nó cũng không có chữ ký của Mondrian.
Bà Caro Verbeek, một nhà sử học nghệ thuật từ Đại học Vrjie ở Hà Lan, cho biết bản thân danh họa Mondrian có thói quen lật ngược các tác phẩm của ông ngay trong quá trình sáng tác.
"Mặc dù bức tranh có thể được đặt trên giá đỡ theo hướng đó, không có nghĩa rằng đó là hướng cuối cùng. Có thể sẽ có một quyết định khác về hướng của bức tranh được (Mondrian) đưa ra", ông Harry Cooper, giám tuyển cấp cao tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, nhận định.
Giám tuyển nghệ thuật Susanne Meyer-Buser bên cạnh bức tranh của Mondrian. Ảnh: Sky News. |
Bà Susanne Gaensheimer, giám đốc bảo tàng bên phía Đức, cho biết hướng của bức tranh Mondrian chỉ là một thông tin bên lề thú vị được nhắc đến trong họp báo trước triển lãm, cho đến khi việc này thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
"Chúng ta không thể biết hướng nào là đúng hoặc sai", bà Gaensheimer thừa nhận.
Ở trang 198 của cuốn catalog kèm theo triển lãm, bà Meyer-Buser đã trích dẫn một tác phẩm khác của Mondrian - "New York City". Đây là tác phẩm duy nhất trong một loạt các tác phẩm tương tự mà các đường thẳng được vẽ chứ không phải được tạo ra bằng băng dính.
Sau khi chuyển đến New York từ một châu Âu bị chiến tranh tàn phá, Piet Mondrian bắt đầu thử nghiệm với băng dính màu.
Không có hướng nào đúng hay sai
Bức "New York City" hiện được trưng bày ở Trung tâm Pompidou tại Paris. Trong bức tranh này, các đường kẻ ngang gần nhau nằm phía trên bức tranh, giống với bức ảnh chụp trên tạp chí năm 1944 mà ông Visalli cung cấp. Trong khi đó với bức "New York City I" trưng bày ở Đức, những đường kẻ ngang gần nhau lại nằm phía dưới.
Một bằng chứng khác được bà Meyer-Buser nhắc tới là hướng mà các cuốn băng được dán. Đối với tác phẩm đang được treo ở Đức, việc các đầu của băng dính không đồng đều ở phía trên của bức tranh cho thấy Mondrian đã bắt đầu dán băng dính ở hướng đối diện.
"Giả sử Mondrian bắt đầu dán băng dính (vào tranh) từ phía trên, và theo hướng của trọng lực, kéo chúng xuống phía dưới của bức tranh, thì thực sự bức tranh đã bị treo ngược kể từ khi nó được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1945", bà Meyer-Buser viết.
Các chuyên gia khác chỉ ra rằng Mondrian có xu hướng sáng tác với các bức tranh được đặt trên sàn, đi xung quanh chúng và tiếp cận chúng từ các góc độ khác nhau.
"Nếu ông ấy (Mondrian) vẽ tranh từ những hướng khác nhau, sẽ không có hướng nào đúng hay sai", bà Meyer-Buser thừa nhận điều này trong bài luận của mình.
Bà Meyer-Buser cũng trích dẫn bức ảnh do ông Visalli gửi, được chụp ngay sau khi Mondrian qua đời vào năm 1944. Khi đó, Harry Holtzman - người bạn và cũng là người thừa kế của Mondrian, đã chụp một bộ ảnh thời trang trong xưởng vẽ của nghệ sĩ người Hà Lan.
Trong bức ảnh này, một người mẫu tạo dáng trong xưởng vẽ và phía sau vai của cô ấy, chúng ta có thể nhìn thấy một phần bức tranh "New York City I".
Mặc dù vậy, chuyên gia Cooper từ Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia nói rằng cùng thời điểm này, cũng xuất hiện một bức tranh khác của Mondrian - "Victory Boogie Woogie" được chụp ở cùng vị trí trong xưởng vẽ. Điều này gợi ý rằng một ai đó không phải Mondrian đã đặt bức "New York City I" ở vị trí như vậy sau khi họa sĩ qua đời.
Bất chấp quan điểm của giám tuyển nghệ thuật, bảo tàng Kunstsammlung cho biết họ không có kế hoạch lật ngược tác phẩm lại, vì nó đã cũ và rất mỏng manh.
Piet Mondrian trong xưởng vẽ của mình tại Amsterdam, thời gian từ 1908-1911. Ảnh: Guardian. |
"Những miếng băng dính vốn đã rất lỏng và chỉ trực bong ra. Nếu bạn lật ngược nó bây giờ, lực hấp dẫn sẽ kéo nó về hướng khác", bà Meyer-Buser nói.
Ông Visalli cũng đồng tình với quyết định này, cho rằng nếu bức tranh không có chữ ký hay dòng chữ nào đó của Mondrian, thì thật sự là không có cách nào để biết chắc chắn.
"Trên hết, ai mà biết được Mondrian thực sự muốn gì chứ?", ông Visalli nói.
Cuốn sách về quyền lực mềm ở châu Âu
“Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.