Khoảng 45 phút sau giờ giới nghiêm ngày 4/6, một nhóm biểu tình ôn hoà tiến đến Cadman Plaza, khu Brooklyn, và hô vang các khẩu hiệu chống nạn phân biệt chủng tộc. Sau 10 phút, đám đông quyết định giải tán và rời khỏi khu vực.
Đến lúc này, họ mới nhận ra lực lượng cảnh sát New York đã chặn đứng mọi lối thoát và áp sát đám đông từ 4 phía, theo New York Times. Đây là chiến thuật quây kín thường được cảnh sát Mỹ sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình, bạo loạn.
Chiến thuật quây kín đang trở thành một ví dụ điển hình cho tình trạng cảnh sát Mỹ lạm dụng vũ lực. Ảnh: New York Times. |
Sau khi lùa người biểu tình vào không gian kín, cảnh sát có thể xông vào bắt giữ hoặc từ từ giải tán đám đông.
Song chiến thuật quây kín cũng có thể khiến tình hình trở nên hỗn loạn hơn nếu cảnh sát lạm dụng vũ lực và không chừa lối thoát cho người biểu tình.
Xu hướng bạo lực gia tăng
Chiến thuật quây kín đang trở thành ví dụ điển hình cho tình trạng cảnh sát Mỹ lạm dụng vũ lực. Nhiều phóng viên, người biểu tình và nhân chứng đều khẳng định các cuộc biểu tình không hề hỗn loạn cho đến khi cảnh sát dồn tới.
Thị trưởng thành phố Bill de Blasio và Cảnh sát trưởng Dermot Shea đang hứng chịu làn sóng phẫn nộ vì cảnh sát liên tục bắt giữ người biểu tình với sai phạm nhỏ, mạnh tay đánh đập họ bằng dùi cui và áp dụng nhiều chiến thuật thô bạo khác.
Xu hướng bạo lực gia tăng tại New York cũng xuất hiện tương tự ở nhiều khu vực khác của Mỹ.
Tại thành phố Dallas, hơn 600 người biểu tình bị bắt giữ hôm 1/6 sau khi cảnh sát quây kín họ trên cầu Margaret Hunt Hill. Tại Washington DC, một nhóm người biểu tình cũng bị cảnh sát bao vây giữa phố hôm 1/6.
Là chiến thuật khá quen thuộc trong ngành cảnh sát, quây kín từng được sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 hay các cuộc biểu tình trong phong trào “Chiếm đóng phố Wall”.
Cái bẫy lớn
Sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd, phong trào biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc đã kéo dài hơn 2 tuần tại Mỹ. Dư luận đang lên án gay gắt chiến thuật quây kín được cảnh sát Mỹ sử dụng rộng rãi.
“Đây không phải là một cuộc đụng độ, đây là một cái bẫy”, phóng viên Jake Offenhartz của tờ Gothamist bình luận.
Mục đích của việc quây kín là lùa đám đông vào một không gian cụ thể, ví dụ trên một cây cầu hay trong một toà nhà. Bằng việc chặn mọi lối thoát, cách giải tán người biểu tình sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lực lượng thực thi pháp luật.
Xu hướng bạo lực gia tăng tại thành phố New York cũng phản ánh tình trạng tương tự ở nhiều khu vực khác của Mỹ. Ảnh: The New York Times. |
Điều này đồng nghĩa với việc cảnh sát có thể bắt giam hàng loạt hoặc từ từ thả người biểu tình thành nhiều nhóm nhỏ. Khi đám đông đang hỗn loạn, chiến thuật quây kín giúp cảnh sát nhanh chóng kiểm soát tình hình và bắt giam những phần tử bạo lực.
Để giải thích cho việc sử dụng chiến thuật quây kín, Thị trưởng Bill de Blasio và Sở cảnh sát New York cũng nhắc đến những thông tin trên.
“Tôi không muốn người biểu tình bị bao vây khi tình hình không đáng để làm như vậy. Song đôi khi, người biểu tình không hiểu hết được những nguy cơ tiềm tàng”, ông Blasio cho biết.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Dù vậy, chiến thuật quây kín có thể làm gia tăng sự hỗn loạn và căng thẳng của đám đông. Khi áp dụng chiến thuật này ở các khu phố hay địa điểm công cộng, dân thường cũng có khả năng bị lọt vào vòng bao vây.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ mối lo ngại vì chiến thuật quây kín tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt hiến pháp và sức khoẻ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, hiến pháp Mỹ quy định rõ các trường hợp mà cảnh sát có thể bắt giữ. Song chiến thuật quây kín lại khiến nhiều người không liên quan bị giam giữ theo.
Nhiều người cho biết việc cảnh sát quây kín đám đông thường khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: The New York Times. |
Bên cạnh đó, việc hạn chế đám đông trong không gian hẹp còn đi ngược lại quy định giãn cách xã hội thời dịch, gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Bà Malika Fair, Giám đốc sáng kiến y tế công cộng thuộc Hiệp hội Đại học Y khoa Mỹ, nhận định: “Nhiều chiến thuật của cảnh sát, bao gồm quây kín, bắt giữ hàng loạt hay phun hoá chất, thường đi ngược lại khuyến nghị từ giới y khoa”.
Các chuyên gia y tế yêu cầu người biểu tình phải giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang. Song việc dồn chặt đám đông hoặc xịt hơi cay sẽ khiến nhiều người không thể tránh khỏi rủi ro lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Khiến tình hình tồi tệ hơn
Nhiều người cho biết việc cảnh sát quây kín đám đông thường khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Axel Hernandez, 30 tuổi, cũng tham gia vào cuộc biểu tình tại Cadman Plaza, khu Brooklyn, tối ngày 4/6.
Hernandez cho rằng đó là cuộc biểu tình ôn hoà nhất mà anh từng tham dự: “Người biểu tình không ném chai lọ hay đập phá đồ đạc, họ không hề làm gì trái phép. Cảnh sát bất ngờ ùa tới, bắt mọi người phải di chuyển và đánh đập họ bằng dùi cui”.
Giáo sư môn tư pháp hình sự của Đại học Tư pháp John Jay, ông Dennis Kenney nhận xét: “Không gian kín là địa điểm lý tưởng để gia tăng khả năng xung đột của một đám đông”.