Bộ trưởng Nội vụ Pháp Kouthe Castaner hôm 8/6 tuyên bố "sẽ từ bỏ" biện pháp làm nghẹt thở để bắt giữ nghi phạm.
"Các trường đào tạo cảnh sát và hiến binh sẽ không còn giảng dạy biện pháp này. Đây là biện pháp nguy hiểm", Bộ trưởng Castaner nói trong cuộc họp báo và cho biết thêm sẽ "không khoan nhượng" với việc lực lượng hành pháp phân biệt chủng tộc. Theo đó, các sĩ quan bị tình nghi phân biệt chủng tộc sẽ bị đình chỉ công tác.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết có quá nhiều sĩ quan cảnh sát "không hoàn thành nhiệm vụ" trong những tuần gần đây, trong đó có một số trường hợp phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.
"Điều này vẫn chưa đủ để buộc tội. Chúng tôi phải theo dõi và chiến đấu với tình trạng này", ông Castaner nói.
Người biểu tình ở Paris hưởng ứng phong trào phản đối cái chết của George Floyd ở Mỹ. Ảnh: AP. |
Trước đó, hôm 7/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc giục chính phủ "tăng tốc" việc cải thiện đạo đức của lực lượng hành pháp.
Cái chết của Floyd, người Mỹ gốc Phi 46 tuổi bị cảnh sát da trắng ghì cổ chết hôm 25/5, gợi nhắc công chúng Pháp về sự ra đi của Adama Traoré. Traoré là người đàn ông da đen 24 tuổi bị cảnh sát bắt giữ năm 2016 dẫn đến tử vong. Làn sóng biểu tình ở Mỹ cũng dấy lên tranh cãi về nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của lực lượng hành pháp ở Pháp, theo Guardian.
Cảnh sát nước này cho biết đã nhận được gần 1.500 đơn khiếu nại chống lại các sĩ quan vào năm 2019, một nửa trong số đó là cáo buộc sử dụng bạo lực.
Hôm 2/6, khoảng 20.000 người dân đã đổ xuống đường ở Paris để đòi công lý cho Traoré và Floyd, bất chấp lệnh cách ly xã hội vì Covid-19.
Trong khi đó, tại Mỹ, nơi khởi phát làn sóng biểu tình từ vụ việc của Floyd, người dân vẫn xuống đường ở hơn 150 thành phố và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giới quan sát nhận định phong trào này sẽ không dễ dập tắt chỉ bằng việc kết án những sĩ quan liên quan đến cái chết của Floyd.