Những diễn biến xảy ra sau khi Đức gần đây đề nghị cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khan hiếm và đắt đỏ cho Ba Lan đã tô đậm vết rạn nứt giữa hai nước.
Đức đưa ra đề nghị trên sau vụ tên lửa Ukraine rơi ở làng Przewodow (Ba Lan), khiến 2 người thiệt mạng. Ba Lan ban đầu chấp nhận lời đề nghị nhưng sau đó đã từ chối và yêu cầu Đức đặt các hệ thống này ở Ukraine.
Phản ứng trước màn “quay xe” bất ngờ của đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết: "Patriot là một phần hệ thống phòng không tích hợp của NATO, có nghĩa rằng chúng chỉ được triển khai trong lãnh thổ các nước NATO”.
Trước quan ngại của đồng minh và sự chỉ trích của công chúng, Ba Lan dường như đã chấp nhận hệ thống này một lần nữa.
Mối quan hệ không mấy nồng ấm
“Toàn bộ câu chuyện này giống như bức ảnh chụp X-quang về mối quan hệ tồi tệ giữa Ba Lan và Đức. Nó tệ hơn tôi nghĩ, và tôi đã theo dõi điều đó rất lâu rồi”, Michal Baranowski, Giám đốc điều hành khu vực Quỹ Marshall của Đức ở Warsaw, cho biết.
Theo New York Times, Ba Lan từ lâu đã dè chừng Đức do vấn đề lịch sử trong Thế chiến II. Ba Lan cũng chỉ trích chính sách Ostpolitik của Đức - một nỗ lực trong Chiến tranh Lạnh nhằm nối lại quan hệ với Moscow, cũng như các quốc gia Đông và Trung Âu khác.
Bên cạnh đó, Ba Lan liên tục chỉ trích việc Đức phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Họ cũng lên án hai đường ống Nord Stream được thiết kế để đưa khí đốt Nga trực tiếp đến Đức, bỏ qua Ba Lan và Ukraine.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: New York Times. |
Jana Puglierin, Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu tại Berlin, cho biết cả hai bên đều mắc sai lầm trong mâu thuẫn hiện nay. “Mối quan hệ đã xấu đi trong nhiều năm, nhưng nó đang lên đến đỉnh điểm. Có một khoảng cách đang nổi lên giữa Đông và Tây Âu, châu Âu cũ và châu Âu mới”, bà nhận định.
Đức nghĩ rằng đề nghị hỗ trợ hệ thống Patriot sẽ là "lời đề nghị quá tốt và Ba Lan không thể từ chối", từ đó giúp thuyết phục Warsaw rằng Berlin là đồng minh đáng tin cậy, một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của Đức cho biết.
Nhưng chỉ 2 ngày sau khi bộ trưởng Quốc phòng và tổng thống Ba Lan đã chấp nhận lời đề nghị, Jaroslaw Kaczynski, nhà lãnh đạo 73 tuổi đầy quyền lực của đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, đã lên tiếng bác bỏ. Ông yêu cầu Đức đưa các hệ thống Patriot cho Ukraine.
Ông Kaczynski không có vai trò chính thức trong chính phủ Ba Lan, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak đã ủng hộ quan điểm của ông Kaczynski chỉ sau vài giờ.
Nơi hậu trường, các đồng minh NATO cảm thấy tức giận, chính vì hệ thống Patriot sẽ được vận hành bởi binh lính Đức. Ngoài ra, khối này đã khẳng định rõ họ sẽ không triển khai quân tới Ukraine và để xảy ra nguy cơ xung đột với Nga.
Ngoài ra, Đức cũng cho biết quyết định gửi hệ thống Patriot đến Ukraine phải là quyết định của NATO, không phải quyết định song phương.
Theo Politico, đây là một phần nỗ lực của đảng cầm quyền Ba Lan nhằm khơi dậy tâm lý chỉ trích Đức trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2023.
Còn ông Baranowski nhận định lời giải thích duy nhất cho phản ứng của ông Kaczynski là yếu tố chính trị, vì Ba Lan đang trong chiến dịch bầu cử và sự ủng hộ của đảng cầm quyền đã giảm sút.
Với các cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào mùa thu tới, đảng Luật pháp và Công lý đang củng cố sự ủng hộ cho mình. Chỉ trích Đức là cách họ thường xuyên áp dụng, vị chuyên gia nhận định.
Châu Âu chia rẽ
Một số nhà phân tích chỉ ra Đức cũng có thể có dụng ý. Lời đề nghị của Berlin, được đưa ra ngay sau vụ tên lửa rơi ở Ba Lan, có thể ảnh hưởng tới chiến lược bầu cử của ông Kaczynski, theo ông Wojciech Przybylski, Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu Res Publica Foundation.
Mặc dù vậy, “việc chính trị gia hàng đầu của Ba Lan kiêm người đứng đầu liên minh cầm quyền khẳng định ông không tin tưởng vào nước Đức đồng minh cũng là điều gây sốc”, ông Baranowski nói.
Theo ông Baranowski, nếu mối quan hệ Ba Lan - Đức được quản lý sai cách, điều này có thể làm tổn hại đến sự thống nhất của liên minh.
Bất chấp quan điểm của ông Kaczynski, phía Đức sau đó cho biết Berlin vẫn để ngỏ lời đề nghị. Và ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một tỷ lệ lớn người Ba Lan nghĩ rằng việc đặt hệ thống phòng không Patriot ở Ba Lan là ý kiến hay.
Chính phủ Ba Lan tiếp tục lại thay đổi lập trường. Bộ trưởng Quốc phòng Blaszczak thông báo rằng sau các cuộc đàm phán với Berlin, ông “thất vọng” chấp nhận rằng các tên lửa sẽ không đến Ukraine.
Ba Lan đang chuẩn bị triển khai hệ thống phòng không Patriot của Đức trên lãnh thổ mình, sau khi Berlin từ chối đặt hệ thống này ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak cho biết trên Twitter, Reuters đưa tin.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, ít người cho rằng ông Kaczynski và đảng của ông sẽ ngừng đặt câu hỏi về sự chân thành của Đức. Chẳng hạn, chỉ trong tháng 10, Warsaw bất ngờ yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD liên quan đến Thế chiến II.
Những lời chỉ trích Đức do dự khi giúp đỡ Ukraine không chỉ giới hạn ở Ba Lan, mà còn phổ biến ở Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu.
“Có rất nhiều cuộc thảo luận về sự đoàn kết và hợp tác của phương Tây cũng như EU đối với Ukraine. Tuy nhiên, cuộc xung đột này đồng thời đã gây ra làn sóng chỉ trích đáng kể đối với Tây Âu ở Ba Lan và vùng Baltic”, Piotr Buras, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết.
New York Times nhận định quan hệ hợp tác giữa Đức và Ba Lan hiện vẫn còn một điểm lạc quan. Hồi đầu tháng 12, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác để đảm bảo tương lai của nhà máy lọc dầu khổng lồ Schwedt, một cơ sở của Đức xử lý dầu Nga. Nhà máy này hiện phải chịu lệnh trừng phạt.
Sophia Besch, một nhà phân tích người Đức của Carnegie Endowment, nhấn mạnh rằng Berlin đã thay đổi kể từ sau xung đột ở Ukraine.
Bà chỉ ra sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hướng tới quân đội mạnh hơn và khả năng phục hồi kinh tế cao hơn như “Zeitenwende” - bước ngoặt lịch sử - mà Thủ tướng Olaf Scholz từng công bố.
“Ông Scholz đã cam kết lắng nghe các nước Trung Âu nhiều hơn”, bà nhận định.
Bản sắc Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.