Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi nổi lên vì Singapore treo cổ tội phạm ma túy nước ngoài

Số lượng bản án tử hình do buôn bán ma túy ở Singapore tăng đáng kể trong năm nay, kéo theo sự phản đối từ các nhà hoạt động và sự đau khổ từ thân nhân tử tù.

Ông Kalwant Singh nhận án tử hình qua một cuộc gọi Zoom.

Tháng trước, từ sau song sắt, ông theo dõi diễn biến phiên tòa trong lúc 3 thẩm phán Singapore xem xét đơn kháng cáo.

Đối với ông Singh, đó là cơ hội xin ân giảm cuối cùng sau hơn 6 năm chờ ngày thi hành án tử hình vì tội buôn lậu 120 g heroin. Trong lúc phiên dịch viên dịch lại cuộc thảo luận của các thẩm phán, ông chỉ biết im lặng lắng nghe.

Mặc dù ông đồng ý cung cấp bằng chứng cho cảnh sát, đơn kháng cáo của ông Singh cuối cùng bị bác bỏ.

Ngày hôm sau, ông bị treo cổ y án ban đầu.

Sự tăng lên "bất thường"

Sau 2 năm không thi hành án tử hình, Singapore đã thực hiện 6 vụ trong năm nay, con số cao nhất kể từ năm 2018, theo Financial Times.

Trong số những phạm nhân này, có một người đàn ông thiểu năng bị treo cổ vào tháng 4. Ngoài ra, ít nhất 7 tù nhân khác đã nhận được thông báo hành quyết, theo các nhà hoạt động phản đối hình phạt tử hình ở quốc gia này.

Singapore tu hinh toi pham ma tuy anh 1

Số phạm nhân nhận án tử hình ở Singapore tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Đồ họa: Singapore Prison Service, Transformative Justice Collective.

“Singapore không cho chúng tôi thời gian. Chúng tôi chưa kịp chấp nhận phán quyết trước thì phán quyết sau bất ngờ ập đến”, Sangkari Pranthaman, anh trai phạm nhân Pannir Selvam, người đang chờ nhận án tử hình, cho biết. “Pannir đang ở trong vùng nguy hiểm. Trái tim tôi đang than khóc".

Các nhà phê bình cho rằng việc Singapore kiên quyết duy trì hình phạt tử hình đã nêu bật các chính sách thụt lùi ở một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới.

Việc tìm kiếm luật sư sẵn sàng bào chữa cho bị cáo đối mặt án tử hình là rất khó khăn. Dù vậy, các nhà vận động cho biết năm nay đã có 4 vụ xử tử được hoãn lại do các lá đơn kháng cáo.

Nhiều người bị kết án có xuất thân nghèo khó. Họ thường sống ở vùng biên giới Malaysia và phải cóp nhặt để thanh toán các khoản phí pháp lý.

“Không có luật sư nào muốn xử lý vụ này nữa”, cô Nazera Lajim nói, vài ngày trước khi anh trai Nazeri của cô bị xử tử hồi tháng 7 vì tội buôn bán ma túy. Anh trai cô Lajim chỉ được học tiểu học và trở thành con nghiện vào năm 14 tuổi.

Singapore tu hinh toi pham ma tuy anh 2

Nagaenthran Dharmalingam bị bắt vào năm 2009 vì cố buôn lậu 43 g heroin vào Singapore. Ảnh: AFP.

Cô Pranthaman thường bắt chuyến xe buýt đêm từ Malaysia đến Singapore để thăm tù anh trai vào các ngày thứ bảy. Cô nói mình đã bị cảnh sát tạm giữ và lấy lời khai sau khi đăng Facebook bức tranh vẽ căn phòng thăm nuôi anh.

“Tôi không muốn đặt chân đến đất nước này nữa, ngoại trừ để thăm anh trai tôi”, cô nói.

Singapore vẫn tấp nập

Trong nhiều thập kỷ qua, Singapore đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài giàu có bằng tiếng tăm của một quốc gia có đường phố an toàn, nghiêm minh và có các biện pháp bảo đảm pháp lý mạnh mẽ cho các giao dịch thương mại.

Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, việc kết án nặng tay với những người nước ngoài buôn bán dù chỉ một lượng nhỏ ma túy cho thấy mặt tối của pháp luật Singapore.

Số bản án tử hình tăng nhanh trở lại có thể khiến Singapore gặp căng thẳng trong quan hệ ngoại giao và kinh doanh với các đối tác. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Singapore lập tức đình chỉ các vụ treo cổ vì cho rằng đây là hình phạt "tàn nhẫn và vô nhân đạo".

Nhà tài phiệt người Anh Richard Branson đã kêu gọi Singapore không xử tử Nagaenthran Dharmalingam, người buôn ma túy quốc tịch Malaysia bị thiểu năng.

Singapore tu hinh toi pham ma tuy anh 3

Người thân của phạm nhân Nagaenthran Dharmalingam rời Tòa án Tối cao Singapore. Ảnh: Reuters.

Trước những lời chỉ trích vừa qua, Singapore cho biết án tử hình là nhằm bảo vệ tính mạng của người dân. Nước này cho rằng nó có “tác dụng răn đe rõ ràng đối với tội phạm buôn bán ma túy”.

Bộ Nội vụ Singapore cũng nói thêm rằng hình phạt được thực thi thông qua "quy trình pháp lý nghiêm ngặt với các biện pháp bảo đảm tư pháp nghiêm ngặt". Đồng thời, tòa án nhận thấy phạm nhân Dharmalingam không bị thiểu năng.

Chính phủ Singapore không tiết lộ thông tin chi tiết về những người đang phải đối diện án tử. Nhưng Transformative Justice Collective, tổ chức hỗ trợ những người bị kết án, cho biết có ít nhất 59 người đã bị kết án tử hình.

Gia đình các tử tù cho biết những người này phải ngủ trên sàn nhà trong phòng biệt giam và họ có thể nghe thấy tiếng bạn tù bị treo cổ.

Dù vậy, số vụ xử tử tăng lên cũng không ngăn cản những người nước ngoài từ các quốc gia giàu có đến đảo quốc sư tử. Xa khỏi nhà tù Changi, người nước ngoài vẫn tập trung đông đúc ở khu trung tâm thương mại.

Khi được hỏi về các vụ xử tử, một người khách nước ngoài cho biết: “Tôi không có quyền yêu cầu (Singapore) thay đổi cách xử lý của họ. Nếu có người bị xét xử trước tòa án theo đúng thẩm quyền, điều đó là thường tình thôi”, người này nói.

“Nếu bạn không thích nơi này, bạn có thể đến những nơi khác để bạn được tự nhiên hơn”.

Trong khi đó, một khảo sát năm 2016 của Đại học Quốc gia Singapore cho thấy 87% người dân nước này ủng hộ tử hình tội phạm buôn ma túy.

Singapore tuyên án tử hình đầu tiên qua Zoom

Người đàn ông Malaysia nhận bản án tử hình trực tuyến vì tham gia vào một giao dịch ma túy năm 2011. Sự việc hi hữu này xảy ra khi Singapore đang áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Singapore treo cổ công dân Malaysia

Singapore ngày 7/7 đã thi hành án treo cổ hai tội phạm buôn ma túy, bao gồm một công dân Malaysia, bất chấp các nhà hoạt động lên án đây là "hình phạt đáng xấu hổ và vô nhân đạo".

Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm