Thời gian qua, không ít tàu cá của ngư dân miền Trung khi đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình đã bị phía Trung Quốc tịch thu hải sản, ngư lưới cụ, thậm chí đâm va làm hư hỏng. Để có được những con tàu lành lặn, những con tàu mới nhanh chóng ra khơi đánh bắt, hàng trăm công nhân các công ty đóng tàu cá ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phải ngày đêm miệt mài chạy đua với thời gian…
Đội nắng làm việc hết công suất
Thời tiết Đà Nẵng trong những ngày qua nắng nóng dữ dội và luôn thường trực ở nhiệt độ từ 35 - 39 độ C, có lúc lên đến 40 độ C. Dưới cái nắng như thiêu như đốt nhưng các công nhân HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An vẫn miệt mài sửa chữa hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung để họ kịp ra khơi đánh bắt.
Công nhân HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An cần mẫn sửa chữa tàu của ngư dân. |
Theo ghi nhận của phóng viên, không khí làm việc tại xưởng sửa chữa tàu cá của HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Hàng trăm công nhân cần mẫn với công việc, nhiệm vụ đã được phân công. Những tiếng đục đẽo vang lên liên hồi. Từng tốp công nhân cặm cụi trám lại những lỗ hổng dưới thân tàu vừa được đưa vào sửa chữa.
Bên cạnh, 4 công nhân cũng đang khẩn trương sơn lại con tàu ĐNa 51944 của ông Lê Nở (Đà Nẵng) để ngư dân này kịp ra khơi đánh bắt. Phía dưới mặt nước, hàng chục công nhân đang tất bật với việc dìu dắt, lai kéo các con tàu bị hư hỏng lên bờ để sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Sự, quản lý bộ phận sửa chữa tàu thuyền của HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An, cho biết gần một tháng qua, nhiều ngư dân yêu cầu sửa chữa tàu khẩn trương để họ nhanh chóng trở lại ngư trường Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền biển đảo nên toàn thể công nhân làm việc cật lực. Hầu hết các công nhân phải làm việc tăng thêm thời gian từ 1 - 2 giờ, thậm chí cả ban đêm để sửa chữa tàu cho ngư dân nhanh chóng ra khơi. “Hiện hơn 300 công nhân của đơn vị đều làm việc hết công suất” - ông Sự nói.
Trong khi đó, giữa cái nắng nóng hừng hực, những người thợ đóng, sửa tàu thuyền tại Công ty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy cũng cần mẫn làm thêm giờ, tăng ca để bàn giao tàu theo đơn đặt hàng cho ngư dân. Tiếng cưa xẻ gỗ, đục đẽo vang lên khắp công xưởng. Theo ông Phan Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy, nhiều chủ tàu yêu cầu đơn vị bàn giao sớm hơn hợp đồng một tháng để họ nhanh chóng ra khơi.
Vất vả mà vui
Ông Trần Thu, người có thâm niên hơn 10 năm trong ngành sửa chữa tàu, cho biết việc mài sơn cho mỗi chiếc tàu phải mất 3 ngày/3 công nhân làm việc cật lực, còn dán keo chống thấm cũng phải mất 10 - 15 ngày. Theo ông Thu, hơn nửa tháng qua, nhiều công nhân quên cả ăn trưa để kịp tiến độ. “Dù công việc vất vả, nặng nhọc nhưng mỗi khi hoàn thành một con tàu để ngư dân ra khơi bám biển là mình thấy rất hạnh phúc” - anh Lê Xuân Hà, thợ dán keo, làm kín nước, tâm sự.
Tàu mới của ông Đồng Ân đang được khẩn trương hoàn thành để kịp ra khơi vào đầu tháng 7 tới. |
Nghe tin tại Đà Nẵng có rất nhiều tàu của ngư dân bị hư hỏng, cần sửa gấp để ra khơi, anh Lê Văn Tuấn (Bình Định, thợ cơ khí) bàn với vợ ra TP này làm việc tại HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An. “Mặc dù tiền công cũng được gần 300.000 đồng/ngày nhưng do đi xa, phải thuê chỗ ở nên chẳng dư dả là bao để gửi về cho vợ con. Nhưng khi thấy ngư dân nhanh chóng ra khơi bám biển là tôi hạnh phúc lắm rồi” - anh Tuấn bộc bạch.
Lúc trước, ông Võ Duy Thành (Quảng Ngãi) - có 20 năm làm thợ xảm, chuyên đục trám những lỗ hổng của thân tàu - hay từ chối ra Đà Nẵng bởi xa nhà nên chi phí ăn ở rất tốn kém. Lần này, khi được chủ tàu yêu cầu ra Đà Nẵng sửa chữa cho họ thì ông Thành không do dự mà lập tức mang dụng cụ, tư trang đi ngay. “Tình yêu nước, yêu chủ quyền biển đảo đã thôi thúc tôi phải có trách nhiệm góp một phần nhỏ sửa chữa tàu cho ngư dân kịp ra khơi bám biển” - ông Thành nói.
Theo các công nhân sửa chữa tàu, vất vả nhất là những người làm bên bộ phận kéo thuyền lên bờ bởi không chỉ nguồn nước tại đây bị ô nhiễm nặng do các tàu chở cá về neo đậu thường xuyên để sửa chữa, mà công việc bên bộ phận này đòi hỏi phải có sức khỏe và biết bơi, lặn giỏi mới kham nổi. Quả đúng như lời các công nhân nhận định, khi chiếc tàu ĐNa 90029 bị hư hỏng, đưa vào khu neo đậu dưới khu vực nước ở âu thuyền Thọ Quang, các công nhân bên bộ phận kéo lập tức bơi ra ngâm mình trong dòng nước ô nhiễm rồi lặn ngụp để đưa tàu lên bờ. “Tàu vào sửa chữa nhiều nên công việc vất vả nhưng ai cũng làm việc chăm chỉ, thể hiện tinh thân đoàn kết, gắn bó của dân tộc trong việc chống lại những kẻ hăm he lấn chiếm chủ quyền Tổ quốc” - công nhân Trần Nhật nhấn mạnh.
Không sợ tốn kém
Ông Lê Nở cho biết mặc dù tốn ít nhất 20 triệu đồng nhưng gia đình vẫn yêu cầu cơ sở sửa chữa khẩn trương để tàu kịp trở lại ngư trường Hoàng Sa đánh bắt, ngay trong lúc Trung Quốc vẫn còn ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tương tự, đang khó khăn về tài chính nhưng ông Đặng Cư (Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 98267, vẫn vay 40 triệu đồng để đưa tàu vào HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An sửa chữa. “Mục đích của tôi là nhanh chóng trở lại Hoàng Sa đánh bắt, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Cư nói.
Đặc biệt, sự quyết tâm của ông Đồng Ân (Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90249, càng khiến nhiều người khâm phục. Năm 2003, khi tàu của ông Ân cùng 10 ngư dân đang đánh bắt ở khu vực vùng biển Bạch Long Vỹ thì bất ngờ bị một tàu Trung Quốc lao đến uy hiếp, tịch thu hết hải sản và bắt giữ đưa về đảo Hải Nam gần một tháng. Sau đó, bọn chúng yêu cầu nộp tiền chuộc gần 90 triệu đồng. Khi được thả về, tàu của ông lại tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt mà không hề nao núng.
Hơn 10 năm qua, tàu của ông Ân đã thực hiện gần 100 chuyến đi biển ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay, trước sự lấn chiếm của Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa, ông Ân quyết định đóng thêm một tàu mới, công suất trên 400 CV để vươn khơi đánh bắt. “Có thêm một chiếc tàu đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa sẽ góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, gia đình tôi quyết định vay mượn, thế chấp để đóng thêm con tàu mới” - ông Ân quả quyết.
Con tàu mới của gia đình ông Ân đang được đóng tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật biển S.Tech với giá gần 5 tỉ đồng. Dự kiến, đầu tháng 7 sẽ hoàn thành và vươn khơi đánh bắt. Công ty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy cũng sắp hoàn thành việc đóng mới tàu cá ĐNa 90612, công suất gần 1.000 CV, của ngư dân Đồng Minh Vương ở Đà Nẵng. Các công nhân đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để con tàu kịp hạ thủy trong tháng 6 này.
Ông Phan Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy, cho biết từ giữa tháng 5 đến nay, đơn vị đã hạ thủy 4 tàu cá công suất trên 600 CV của ngư dân Đà Nẵng, trong đó có 3 tàu đánh bắt và một tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. “Công ty đang triển khai đóng mới tàu vỏ sắt đầu tiên, công suất hơn 1.100 CV và sắp tới sẽ chuyển hướng đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân bám biển” - ông Hùng nói.
Hàng trăm tàu cá sẽ trở lại ngư trường
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, tại các xưởng sửa chữa ở Đà Nẵng có khoảng 350 chiếc tàu đang được gấp rút sửa chữa. Dự kiến, giữa tháng 6 này, hơn 150 chiếc sẽ được sửa chữa xong để kịp thời ra khơi đánh bắt. Ông Nguyễn Văn Cư, chủ xưởng sửa chữa tàu thuyền Lý Cư (Đà Nẵng), cho biết trung bình một năm, nơi đây sửa chữa gần 500 chiếc tàu, thuyền cho ngư dân. Hiện nay, 12 chiếc tàu công suất trên 250 CV của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi đang được sửa chữa tại đây. Dự kiến đầu tuần tới, những tàu này sẽ hoàn thành và trở lại ngư trường Hoàng Sa. Theo ông Ngô Văn Sỹ, Phó Chủ nhiệm HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An, ngay trong đầu tuần này, tại đây cũng có trên 20 tàu được sửa chữa xong và nhanh chóng ra khơi.