Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Nữ Yên Khê: 'Giản đơn là tinh tế tuyệt đối'

Không chỉ là một diễn viên, “nàng thơ” của đạo diễn Trần Anh Hùng còn là một nhà thiết kế hướng tới tinh thần đơn giản, tinh tế.

Nhân dịp sản phẩm thiết kế độc bản của Trần Nữ Yên Khê được đấu giá bởi Christie’s London, nghệ sĩ có phần trả lời riêng với Zing.vn về công việc thiết kế của mình. Bài phỏng vấn được dịch từ tiếng Pháp bởi Phan Hồng Hạnh.

Tran Nu Yen Khe,  Tran Anh Hung anh 1
Diễn viên Trần Nữ Yên Khê đồng thời là một nhà thiết kế. Ảnh: Kỳ Anh.

- Yên Khê được biết tới như một diễn viên, một nàng thơ của Trần Anh Hùng. Chị đã đến với nghề thiết kế như thế nào?

- Song song với việc diễn xuất trong các bộ phim của Trần Anh Hùng, tôi đã theo học chuyên ngành thiết kế và kiến trúc nội thất tại trường Ecole Camondo. Tôi luôn đóng vai trò cố vấn nghệ thuật cho anh Hùng. Trong hai bộ phim gần đây nhất, tôi là người thiết kế bối cảnh và trang phục.

Mọi thứ đều xảy ra một cách rất tự nhiên.

- Các sản phẩm thiết kế của chị thường hướng tới tinh thần gì? Mang đặc trưng gì riêng?

- Tôi luôn muốn hướng tới sự giản đơn nhưng lại không được bỏ đi sự tinh tế.

Như Léonard de Vinci từng nói “Sự giản đơn là sự tinh tế tuyệt đối”.

- Tác phẩm “Ranh giới” mà nhà Christie's đấu giá đợt này được chị thai nghén ý tưởng như thế nào? Quá trình sáng tạo diễn ra ra sao?

- Những ý tưởng nảy ra khi tôi nghe nhạc Bill Evans với một tách trà xanh Nhật… và rất nhiều mơ mộng.

- Tên tác phẩm “Ranh giới” mang ý nghĩa gì? Những ý đồ được thể hiện thế nào thông qua các chi tiết, hoa văn, hình dáng, màu sắc của tác phẩm?

- Với Ranh giới (Borderline), tôi tự vấn về khái niệm “sự thuộc về” và bản sắc. Bản sắc của tôi…

Tôi tự vấn về các vấn đề liên quan đến lãnh thổ, di dân và các giới hạn địa lý và tinh thần. Đó đang là vấn đề mang tính thời sự trên thế giới.

Khi mới nhìn tác phẩm, ta nhận thấy những họa tiết hoa văn với những đường cong uốn lượn.

Nhưng rất nhanh, ta phát hiện ra những đường nét hài hòa ấy bao phủ lên một họa tiết mang tính đối lập cao, ngoằn ngoèo và gai góc, cùng với những gì mang tính biểu trưng nhất của những sợi dây thép gai. Dây thép gai luôn luôn bảo vệ một số người và đồng thời chối bỏ một số khác.

Màu đỏ đối với tôi là màu sắc mang tính đối lập cao nhất trong các màu sắc. Nó diễn đạt cả tình yêu lẫn sự giận dữ, cả hạnh phúc và mối hiểm nguy, cả sức sống mãnh liệt và sự hủy diệt.

Màu đen biểu hiện một bề mặt trống rỗng nơi các họa tiết uốn lượn đem lại hình dáng và ánh phản chiếu.

Hiệu ứng phản chiếu này của tác phẩm giúp chúng ta đi sâu hơn vào chủ đề về ranh giới giữa ảo ảnh và hiện thực.

Ranh giới tổng hợp các sự đối lập này và như là một phép ẩn dụ cho những vấn đề ngày nay xã hội hiện đại gặp phải.

Tran Nu Yen Khe,  Tran Anh Hung anh 2
Ranh giới - tác phẩm sơn mài do Yên Khê thiết kế.

- Tác phẩm sử dụng phương pháp chế tác sơn mài thủ công của Việt Nam, nhưng hình dáng, hoa văn của tác phẩm lại mang thẩm mỹ phương Tây. Chị có ý đồ gì khi kết hợp hai tinh thần văn hóa trong một sản phẩm?

- Việc kết hợp đan xen những yếu tố văn hóa, những đường nét và những hình dạng khác nhau luôn rất thú vị. Tôi luôn hy vọng "sự xung đột" trong việc kết hợp này có thể đem lại những vật thể khác thường, không nằm gọn trong một quốc gia hay không bị giới hạn trong một biên giới nào đó.

- Là người lớn lên ở phương Tây, chị đã phải tìm hiểu thế nào về chất liệu sơn mài và đồ thủ công để làm nên tác phẩm “Ranh giới”?

- Khi còn là sinh viên, tôi đã có những buổi học tại bảo tàng Guimet, viện bảo tàng quốc gia Pháp về nghệ thuật châu Á, nơi tôi được tìm hiểu về các kỹ thuật sơn mài Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong các đợt về thăm Việt Nam, tôi chưa thật sự quan tâm lắm đến sơn mài Việt cho đến khi tôi nhìn thấy các sản phẩm sơn mài do Hanoia sản xuất. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự chỉn chu và tỉ mỉ trong một sản phẩm và lúc đó tôi đã rất vui mừng khi thấy sự hồi sinh của ngành nghề thủ công này tại Việt Nam.

Tran Nu Yen Khe,  Tran Anh Hung anh 3
Yên Khê là người thiết kế bối cảnh, trang phục trong hai phim gần đây của Trần Anh Hùng. Ảnh: Kỳ Anh.

- Theo chị, đâu là ranh giới giữa một món đồ dùng, trưng bày với một tác phẩm nghệ thuật?

- Một tác phẩm nghệ thuật có thể đem lại vô số cách diễn giải và nhiều lớp ý nghĩa biểu đạt khác nhau. Điều này tạo ra ở phía người xem những cảm xúc phức hợp khác nhau.

Một đồ vật trang trí hoàn toàn không có chức năng quan trọng này.

- Lâu nay khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch thường chọn mua những món đồ lưu niệm làm thủ công với chất liệu sơn mài, như bát đĩa, hộp nữ trang, bình, lọ… Yên Khê đánh giá như thế nào về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ này? Theo chị làm thế nào để đồ thủ công mỹ nghệ Việt có thể đi xa hơn, trở thành những tác phẩm nghệ thuật?

- Thông thường, khách du lịch mang về từ những chuyến đi các đồ vật không mang tính nghệ thuật nhưng lại mang đặc trưng của đất nước mà họ đã tới thăm. Tóm lại, đó là một vật mang tính tượng trưng, giúp họ nhớ về một kỷ niệm hạnh phúc khi du lịch.

Có rất nhiều nghề thủ công Việt Nam cần được tinh luyên cao hơn, như một số đơn vị làm sơn mài cao cấp hiện nay đã làm.

Đưa ra những sản phẩm với hình khối và đường nét  hiện đại đồng thời hoàn thiện kỹ thuật thủ công truyền thống sẽ là một hướng đi khó tránh khỏi.

Nhà Christie’s đấu giá thiết kế của Trần Nữ Yên Khê

Tác phẩm “Ranh giới” do vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng thiết kế sẽ được nhà Christie’s đấu giá vào ngày 18/10 tới.

Xuân Thu

Bạn có thể quan tâm