Bộ sử chính thống của nhà Nguyễn là Đại Nam liệt truyện, chép về nhà Tây Sơn trong phần Truyện Ngụy Tây, tuy có rất nhiều bài bác, nhưng với chiến thắng vẻ vang này của dân tộc, cũng mô tả rất hào hùng:
"Mờ sáng mồng 5, (quân Tây Sơn) tiến sát đến lũy Ngọc Hồi, trên lũy đạn bắn xuống như mưa, Huệ sai chiến sĩ đội ván gỗ để xông vào trận, mà tự thúc voi đốc đằng sau. Khi đã phá được cửa lũy, đều ném ván gỗ xuống đất, đem dao ngắn chém bừa đi, quân nước Thanh chống chọi không được, tan vỡ chạy ra bốn mặt gặp máy chôn ngầm, lại bị chấn địa lôi nổ ra, chết và bị thương rất nhiều. Quân Tây Sơn đánh trống reo hò tiến đi liền phá được các đồn Văn Điển, Yên Quyết. Đô đốc nước Thanh là Hứa Thế Hanh, Tổng binh là Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đều chết cả".
Về viên chủ tướng của quân Thanh là Tôn Sĩ Nghị, Liệt truyện viết về cách rút lui hèn nhát của hắn:
"Nghị ở bãi cát nghe tin báo, một mình cưỡi ngựa chạy về Bắc, tướng sĩ tranh cầu để sang sông, cầu gãy ôm lấy nhau xô nhau lặn xuống sông chết đuối kể đến hàng vạn, nước sông Nhị Hà vì thế chảy không được".
Sử nhà Nguyễn viết về "kẻ thù" Quang Trung cũng với hình ảnh rất hào hùng: "Ngày hôm ấy, Huệ dong quân vào thành, áo chiến của Huệ mặc đều bị hơi thuốc súng làm cho biến thành sắc đen sạm. Chiêu Thống đế cũng vội vàng sang sông, theo Sĩ Nghị lên phía Bắc, từ đấy nhà Lê mất. Huệ bèn có cả đất nước An Nam".
Năm nay là tròn 230 năm diễn ra chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung. |
Sử nhà Nguyễn cũng viết thêm về diễn biến sau trận đánh nổi tiếng này: "Sĩ Nghị đã thua, Huệ sai quân đuổi theo đến cửa ải Lạng Sơn, nói phao lên rằng quân qua cửa ải đánh giết không sót người nào, cốt tìm cho được chỗ Chiêu Thống đế ở. Người nước Thanh cả sợ từ cửa quan trở về mạn Bắc, người già, trẻ con bồng bế nhau chạy, vài trăm dặm tuyệt không có người ở".
Trong khi đó, trong bộ sử của nhà Thanh là Thanh sử cảo, diễn biến về trận đánh này có nhiều chi tiết khác biệt, nhưng nói chung vẫn thể hiện sự thần tốc và hiệu quả trong tác chiến của vua Quang Trung.
Các ghi chép liên quan đến nước ta đã được nhà nghiên cứu Châu Hải Đường (Lê Tiến Đạt) dịch và xuất bản thành cuốn An Nam truyện (NXB Hội nhà văn, 2018), trong đó phần viết về trận Ngọc Hồi - Đống Đa như sau:
"Mồng một tháng giêng năm Càn Long thứ 24 (1789), trong quân (của Tôn Sĩ Nghị) bày rượu tấu nhạc, đang đêm bỗng có tin báo quân Nguyễn (Huệ) đã vào đến nơi, mới hốt hoảng chống cự. Quân địch dùng voi chở đại pháo xung phá quân ta, quân ít không địch nổi số đông, trong đêm đen tự dẫm đạp lên nhau mà chạy. Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống) đã đem theo gia quyến chạy trước, quân Điền (Vân Nam) nghe tiếng pháo cũng rút chạy".
"Tôn Sĩ Nghị đoạt đường vượt sông Phú Lương (tức sông Hồng), rồi lập tức chặt cầu phao để đoạn hậu", Thanh sử cảo viết về cách rút chạy của Tổng đốc họ Tôn. "Vì vậy những quân còn lại trên bờ, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triệu Long, cùng quan quân phu dịch hơn vạn người, đều chen nhau chết đuối cả".
Diễn biến sau trận Ngọc Hồi - Đống Đa được sử Trung Quốc mô tả như sau: "Bấy giờ Sĩ Nghị chạy về Trấn Nam quan, đốt bỏ hết những lương thảo khí giới ở ngoài ải đên mấy chục vạn, quân mã quay về được không tới một nửa".
Rất nhiều sử, sách Việt Nam và Trung Quốc ghi lại chiến thắng vẻ vang mùa Xuân năm Kỷ Dậu của vua Quang Trung. |
Một viên tướng lĩnh cấp nhỏ của quân nhà Thanh là Du kích đề tiêu Trần Nguyên Nhiếp, người tham dự trực tiếp trận đánh, đã kể lại chi tiết diễn biến trận đánh trong cuốn Quân doanh kỷ lược tam quyển, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã trích dịch trong cuốn Việt - Thanh chiến dịch (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016) như sau:
"Sáng sớm ngày mồng 5, voi từ phía sau núi kéo ra. Ta vội vàng dùng đại pháo oanh kích tượng trận. Voi liền chia thành hai cánh vòng ra đằng trước xông thẳng vào đại doanh. Khi đó, thế địch đông, ta phải phân ra chống giữ. Quân giặc tập trung như kiến, mạnh như sóng biển ập vào. Nghe nói đại doanh đã bị trận voi xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng có đủ chỗ cho ba bốn tên giặc (tức quân Tây Sơn) đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hỏa cầu vào mọi nơi để đốt người".
Cuốn Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, mô tả cũng khá chi tiết về trận đánh này. Tuy nhiên, đây là một tiểu thuyết lịch sử, văn phong đã được phóng tác, nên có thể độ xác tín không cao bằng các sử liệu khác. Sách viết:
"Canh tư đêm ấy (mùng 5 Tết Kỷ Dậu), chợt nghe ở phía tây bắc thành tiếng súng nổ đùng đùng không ngớt. Tôn Sĩ Nghị vội sai người cưỡi ngựa ra xem, thì nghe báo tin đồn quân Điền Châu (đồn Khương Thượng - Đống Đa) tan vỡ, quân Tây Sơn đã vào cửa ô, đốt giết lung tung khói lửa bốc lên đầy trời rồi.
Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa".
Một tài liệu độc đáo khác là lời khai và tấu chương của Tôn Sĩ Nghị lên vua Càn Long sau thất bại này, lưu giữ trong kho tài liệu nhà Thanh (Quân cơ xứ) và được nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính trích dịch, cho biết: "Thấy tình hình nguy cấp, quân Nam đã vây bốn bề nên thần đã ra lệnh cho tướng sĩ phải tử chiến một trận để báo hoàng ân. Bọn Hứa Thế Hanh đáp lời xông lên trước, sau khi bắn hết đạn rồi dùng đoản binh (tức gươm giáo) đánh cận chiến".
Biện minh cho việc bỏ chạy thoát thân của mình, Tôn Sĩ Nghị khai rằng: "Nếu như thần chẳng may trúng phải hòn tên mũi đạn e rằng nhục đến quốc thể nên phải cùng bọn phó tướng dẫn hơn ba trăm quân phá vòng vây mà chạy".
Đây là trận đánh kinh hoàng nhất trong toàn bộ chiến dịch đánh quân Thanh của vua Quang Trung. Theo tài liệu của các giáo sĩ nước ngoài có mặt tại Thăng Long lúc đó, thì quân Tây Sơn cũng thiệt hại rất nhiều, tới khoảng 8.000 người, trong đó có cả một tướng lĩnh cao cấp hi sinh là Đô đốc Lân.
Còn tổn thất của phía quân Thanh, thì theo Cao Tông thực lục, tổng kết số binh sĩ tử trận được hưởng tiền tử tuất có gần 12.000 người, trong đó có 186 võ quan các cấp, gồm 1 đề đốc, 2 tổng binh, 2 phó tướng, 3 tham tướng...