Ngày 23/11, trang 163 đưa tin sau những tranh cãi gay gắt và nhận sự chỉ trích của khán giả, nhiếp ảnh gia Trần Mạn đã đưa ra lời xin lỗi vì chụp bộ ảnh quảng bá cho thương hiệu Dior.
"Những ngày qua tôi đã suy ngẫm cẩn thận và tự trách vì sự thiếu hiểu biết của mình trong quá khứ. Trước đó hơn 10 năm, khái niệm nghệ thuật của tôi chưa chín chắn, khiến các tác phẩm của tôi thiếu tư duy, còn nhiều sai sót. Tôi đã xóa hết nội dung liên quan tới tác phẩm này trên mọi nền tảng", Trần Mạn viết.
Trần Mạn phải xin lỗi vì bộ ảnh phụ nữ truyền thống Trung Quốc cầm túi Dior. Ảnh: 163. |
Trần Mạn khẳng định đã hiểu được trách nhiệm công việc của cô là truyền tải nét đẹp văn hóa quê hương. Cô cũng hứa nghiên cứu kỹ hơn về lịch sử và không được bỏ qua tính toàn diện trong quan điểm bất cứ lúc nào.
Trước đó, theo China Daily, tấm hình mang tên Ngạo mạn và rụt rè do nữ nhiếp ảnh gia Trần Mạn chụp cho thương hiệu Dior nhận được sự chú ý từ công chúng, nhưng theo hướng tiêu cực. Làn sóng tranh cãi lên cao khi tác phẩm được thực hiện cho chiến dịch quảng bá của nhà mốt nước Pháp ở thị trường Âu Mỹ.
Dior bị cáo buộc bôi nhọ phụ nữ Trung Quốc. Trong khi Trần Mạn bị phê phán gu thẩm mỹ méo mó, làm xấu hình ảnh người châu Á để phục vụ cho định kiến của người phương Tây.
Theo 163, trên mạng xã hội, khán giả Trung Quốc cho biết họ không thoải mái trước bức ảnh của Trần Mạn. So sánh với bộ ảnh chụp 12 phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc khác nhau của Trung Quốc được cô thực hiện cách đây 9 năm, bức ảnh người phụ nữ cầm túi Lady Dior không được đánh giá cao vì trông đáng sợ khi có gương mặt u ám, ánh mắt ma quái.
Loạt ảnh Đội viên thiếu tiên và đập Tam Hiệp (2008) hay bộ 12 bức ảnh Trung Quốc thập nhị sắc (2012) bị cho là bôi nhọ phụ nữ Trung Quốc.
Ngày 23/11, cả Trần Mạn và Dior đều phải lên tiếng xin lỗi vì đã khiến khán giả Trung Quốc khó chịu.
Sinh năm 1980, Trần Mạn vẫn được mệnh danh là ngôi sao của làng nhiếp ảnh thời trang Trung Quốc. Những tác phẩm của Trần Mạn đặc trưng đến nỗi người ta xếp hẳn chúng thành một phong cách riêng - "phong cách Trần Mạn".
Cô hợp tác với nhiều nghệ sĩ hạng A, các tạp chí hàng đầu và có triển lãm ảnh tại nhiều nơi trên thế giới. Tờ New York Times từng gọi Trần Mạn là "người tiên phong của nhiếp ảnh Trung Quốc".