Theo China Daily, tuần qua, tấm hình mang tên Ngạo mạn và rụt rè do nữ nhiếp ảnh gia Trần Mạn chụp cho thương hiệu Dior nhận được sự chú ý từ công chúng, nhưng theo hướng tiêu cực. Làn sóng tranh cãi lên cao khi tác phẩm được thực hiện cho chiến dịch quảng bá của nhà mốt nước Pháp ở thị trường Âu Mỹ.
Dior bị cáo buộc bôi nhọ phụ nữ Trung Quốc. Trong khi Trần Mạn bị phê phán gu thẩm mỹ méo mó, làm xấu hình ảnh người châu Á để phục vụ cho định kiến của người phương Tây.
Bức ảnh gây phẫn nộ
Theo 163, bức ảnh gây tranh cãi của Trần Mạn thuộc dự án Proud of Dignity 2012, được giới thiệu lần đầu trong triển lãm Lady Dior tại Paris năm 2013. Ngày 15/11, tác phẩm được trưng bày tại Art 'N Dior tại Thượng Hải, và vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ công chúng.
Trong ảnh, người mẫu có đôi mắt một mí trợn ngược, làn da ngăm, mặt tàn nhang, mặc trang phục truyền thống Trung Quốc, kiểu tóc cùng giáp móng tay lấy cảm hứng từ thời nhà Thanh, và cầm chiếc túi Dior.
Trần Mạn đối mặt với sự phẫn nộ của dư luận vì bức ảnh bị cho là xúc phạm phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Tờ Beijing Daily, Thanh Niên nhật báo và hàng loạt tờ báo lớn ở xứ tỷ dân có bài viết chỉ trích thương hiệu thời trang mang tiêu đề như: "Đây có phải phụ nữ châu Á trong mắt Dior?", "Phải phỉ báng phụ nữ châu Á mới khiến Dior thỏa mãn?".
Theo 163, trên mạng xã hội, khán giả Trung Quốc cho biết họ không thoải mái trước bức ảnh của Trần Mạn. So sánh với bộ ảnh chụp 12 phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc khác nhau của Trung Quốc được cô thực hiện cách đây 9 năm, bức ảnh người phụ nữ cầm túi Lady Dior không được đánh giá cao vì trông đáng sợ khi có gương mặt u ám, ánh mắt ma quái.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Dior vướng vào lùm xùm bóp méo và làm xấu con người, văn hóa Trung Quốc. Dư luận từng chỉ trích dữ dội nhà mốt nước Pháp vì có tạo hình mang tính châm biếm, đụng chạm đến cấm kỵ trong văn hóa truyền thống Trung Hoa ở một show thời trang vào năm 2000.
Tạo hình của người mẫu Trung Quốc trong show thời trang do Dior tổ chức vào năm 2000. Ảnh: Sohu. |
Theo tư liệu ghi lại năm đó, một người mẫu Trung Quốc mặc trang phục cổ, gương mặt trắng bệch, tóc dài xõa rũ rượi, miệng bị dán kín, cơ thể bị xiềng xích, sải bước trên nền nhạc truyền thống. Màn trình diễn này sau khi được đăng tải trở lại vào năm 2019, đã tạo nên làn sóng phẫn nộ.
Theo giới phê bình văn hóa, việc trang điểm cho người mẫu với gương mặt trắng bệch như thây ma là ngụ ý về sự xấu xí. Trong khi đó, miệng bị bịt kín, tay đeo gông cuồng gợi lên suy nghĩ về một nền văn hóa "độc hại", còn việc dùng âm nhạc Kinh kịch để làm nhạc nền cho người mẫu trình diễn chính là hành vi phỉ báng di sản văn hóa nước này.
Sau 2 năm bị lên án, Dior tiếp tục có hành động được đánh giá là làm méo mó văn hóa Trung Quốc trên thị trường Âu Mỹ. Trên China Times, Khâu Chính Dũng, giáo sư Học viện Nghệ thuật của trường Đại học quốc lập Thanh Hoa, cho rằng bức ảnh của Trần Mạn bị chê do tạo hình người mẫu mang hơi hướm âm phủ, đụng chạm kiêng kỵ về cái chết trong văn hóa Trung Hoa. Vì vậy, tấm hình tạo ra cảm giác rùng rợn, không tốt lành cho người xem.
Chưa kể, nhiếp ảnh gia thực hiện tác phẩm Trần Mạn còn là người Trung Quốc, được biết đến với tôn chỉ đưa văn hóa Trung Hoa vào thẩm mỹ hiện đại. Do đó, việc Trần Mạn truyền tải hình ảnh phụ nữ Trung Quốc một cách "xấu xí" khiến công chúng không thể chấp nhận, theo Khâu Chính Dũng.
Hiện tại, cả Dior lẫn Trần Mạn từ chối bình luận về sự việc, nhưng nhà mốt xác nhận tấm hình đã bị loại khỏi triển lãm, theo Dwnews.
Tẩy chay vì thẩm mỹ méo mó
Theo Toutiao, thực tế cho thấy trong những năm qua, hình ảnh người châu Á luôn bị thể hiện một cách phiến diện. Điển hình là họ luôn xoáy sâu vào đặc trưng ngoại hình là đôi mắt híp, một mí của người gốc Á.
Trên phim ảnh hay chương trình giải trí, hình ảnh người phụ nữ Trung Quốc luôn xuất hiện nhan sắc xinh đẹp. Ảnh: Sohu, Sina. |
Trước Dior, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng bị tẩy chay vì xúc phạm văn hóa Trung Quốc. Ví dụ, hãng thời trang Dolce & Gabbana bị chỉ trích sau khi đăng tải video có cảnh người mẫu Trung Quốc ăn mì spaghetti bằng đũa. Ba năm sau vụ việc, nhà mốt Italy không thể tổ chức show hay có đại sứ thương hiệu ở đất nước tỷ dân.
Trên Sina, nhà sản xuất Vu Lôi chia sẻ làm sản phẩm nghệ thuật có liên quan đến con người, văn hóa và lịch sử, điều quan trọng hàng đầu là phải tìm hiểu gốc rễ của vấn đề muốn làm. Thực trạng làm ẩu, qua loa hoặc thiếu hiểu biết tường tận sẽ dẫn đến phản cảm.
Vu Lôi hiện là giám chế của chương trình khám phá di sản văn hóa Trung Quốc mang tên Bảo vật quốc gia. Show giải trí này được đài trung ương CCTV sản xuất từ năm 2017.
"Chương trình có thời lượng 90 phút, nhưng ê-kíp chúng tôi phải mất nhiều tháng mới hoàn thiện công tác 'tam chứng' để chuẩn bị cho một tập phim. Sáng tạo trong nghệ thuật là điều cần thiết, nhưng cần biết đâu là điểm dừng. Đừng biến sáng tạo trở thành cái cớ để hướng văn hóa vào sự lệch lạc, kém văn minh", Vu Lôi nói.
Theo 163, vụ việc của Trần Mạn và Dior cho thấy không thể xem nhẹ và đánh giá thấp hệ quả của việc sai lệch giá trị văn hóa. Trang tin cho rằng mọi sản phẩm nghệ thuật đều cần tôn trọng giá trị con người, lịch sử - văn hóa và mang lại ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống.
Vì vậy, tấm ảnh của Trần Mạn cho dù người sáng tạo sử dụng thủ pháp khoa trương trong nghệ thuật để truyền tải thông điệp, song việc không cẩn trọng và thiếu hiểu biết đã làm xấu hình ảnh của phụ nữ Trung Quốc, cổ xúy quan điểm thẩm mỹ lệch lạc về người châu Á.
Hơn nữa, người làm nghệ thuật một khi thực hiện đề tài về phụ nữ luôn phải sử dụng phong cách, yếu tố văn hóa tốt đẹp nhất để thể hiện, không phải trưng ra diện mạo xấu xí rồi vin vào nghệ thuật để bao biện, theo Sina. Cách đây vài năm, Trần Mạn từng chỉ trích vì bộ ảnh lấy chủ đề đội thiếu tiền phong Trung Quốc chụp theo phong cách Lolita.