Theo SCMP, Trần Mạn - người phụ nữ đứng sau bức ảnh gây tranh cãi của Dior gần đây - là nhiếp ảnh gia đương đại, nghệ sĩ thị giác và giám đốc sáng tạo cho nhiều nhãn hàng lớn. Cô gây ấn tượng mạnh với những tác phẩm có phong cách đặc biệt và siêu thực.
Tuy nhiên, sự táo bạo của Trần Mạn đôi lúc bị phản ứng. Bức ảnh mô tả phụ nữ châu Á mắt một mí, làn da ngăm đen, nhiều tàn nhang nằm trong bộ ảnh Ngạo mạn và rụt rè của Dior gần đây bị người dân Trung Quốc chỉ trích.
Ban đầu, bức ảnh được trưng bày tại triển lãm Lady Dior ở trung tâm nghệ thuật West Bund, Thượng Hải. Hiện tại, tác phẩm bị loại bỏ sau làn sóng chỉ trích.
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới
Trước khi gây tranh cãi với tác phẩm về người châu Á, người phụ nữ 41 tuổi có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Trần Mạn tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Trung ương - một trong những trường nghệ thuật danh giá nhất Trung Quốc.
Ở tuổi 23, cô bắt đầu phụ trách trang bìa cho tạp chí nghệ thuật Vision của Trung Quốc. Từ tác phẩm đầu tay, phong cách khác biệt của Trần Mạn “làm mưa làm gió” trong giới thời trang.
Sau khi nổi tiếng, Trần Mạn được các tạp chí lớn mời làm giám đốc sáng tạo, thực hiện trang bìa cho Vogue, Harper's Bazaar và Elle. Nhiếp ảnh gia đồng thời làm việc với các thương hiệu cao cấp, gần đây là Dior.
Những tác phẩm nghệ thuật của Trần Mạn được trưng bày ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, từ Paris, London, Los Angeles đến Tokyo.
Theo SCMP, cô đồng thời là nhiếp ảnh gia nổi tiếng, chụp ảnh cho người nổi tiếng từ Âu sang Á, trong đó có David Beckham, Tom Holland và Phạm Băng Băng...
Sau 18 năm hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, Trần Mạn hiện làm chủ studio chụp ảnh và quay phim cao cấp ở Bắc Kinh. Studio 6 là lựa chọn của nhiều người nổi tiếng.
Ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh, Trần Mạn mở rộng tài năng và trở thành người đứng sau những chiến dịch lớn của Dior, Guess, Mercedes-Benz, Volkswagen, Adidas, Converse, Puma, Budweiser, Maybelline...
Theo Celebsagewiki, Trầm Mạn có khối tài sản ròng ước tính khoảng 5 triệu USD. Số tiền trên đến từ việc thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh và giám đốc sáng tạo.
Trần Mạn đã kết hôn và có hai con. Chồng cô là Raphael Ming Cooper - doanh nhân người Mỹ, đồng sáng lập thương hiệu Society Skateboards. Theo SCMP, vợ chồng Trần Mạn là người thường xuyên làm từ thiện, nhiều lần ủng hộ tổ chức Game Rangers International.
Nhiếp ảnh đương đại pha trộn photoshop và hiệu ứng 3D Max
Nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật nhưng không ít lần Trần Mạn vướng vào tranh cãi.
Nghệ sĩ 41 tuổi theo đuổi phong cách nhiếp ảnh đương đại pha trộn photoshop và hiệu ứng 3D Max. Điều đó làm dấy lên làn sóng tranh cãi, chủ yếu đến từ người theo đuổi nghệ thuật truyền thống.
Theo SCMP, bức ảnh được trưng bày tại triển lãm Lady Dior thể hiện rõ triết lý nghệ thuật của Trần Mạn. Nhiếp ảnh gia 41 tuổi thường nhờ sự trợ giúp của công nghệ, trí tuệ nhân tạo để thể hiện trong tác phẩm.
Trong cuộc phỏng vấn của CNN, nhiếp ảnh gia nói: “Mối quan hệ giữa công nghệ và thẩm mỹ giống sự tương quan giữa khoa học và triết học. Chúng gắn liền trong thế giới lý tưởng. Để đạt được sự cân bằng, nghệ sĩ phải thành thạo cả hai, kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ năng trong quá trình sáng tạo”.
Theo lời Trần Mạn, định nghĩa về cái đẹp thay đổi theo thời gian. Xã hội phát triển, sự phổ biến của Internet và mạng xã hội làm thời trang trở nên toàn cầu hóa và dễ tiếp cận hơn. Vì vậy, Trần Mạn cho rằng không có tiêu chuẩn cụ thể cho sắc đẹp.
“Tôi hy vọng mọi người trở nên tốt hơn khi giao tiếp bằng trái tim. Chúng tôi tập trung nhiều vào nội dung, không phải hình dạng bên ngoài. Tôi muốn mọi người tiếp thu văn hóa truyền thống của Trung Quốc để giữ cuộc sống và thiên nhiên hài hòa. Chúng ta cần tìm cân bằng trong sự đa dạng, giống bản giao hưởng vậy”, Trần Mạn nói thêm.
Với những người ủng hộ, họ ca ngợi Trần Mạn phá vỡ định kiến tiêu chuẩn sắc đẹp điển hình ở Trung Quốc thông qua bộ ảnh Ngạo mạn và rụt rè. Cô không chọn những cô gái có nước da trắng sứ, đôi mắt to tròn, thay vào đó là người phụ nữ da ngăm đen và tàn nhang.
Với phe phản đối, tác phẩm trưng bày tại triển lãm Lady Dior của Trần Mạn bị đánh giá là bôi nhọ hình ảnh phụ nữ châu Á, tô đậm định kiến kỳ thị phương Đông trong mắt các quốc gia phương Tây.
Bài báo đăng trên China Women’s News cho rằng cô gái trong bức ảnh có đôi mắt ma quái, khuôn mặt u ám và hộ giáp nhà Thanh, không đề cao tính nghệ thuật.
Cuối cùng, Dior chọn cách loại bỏ bức ảnh khỏi triển lãm sau những chỉ trích.
Trước bức ảnh gây tranh cãi tại triển lãm Lady Dior, Trần Mạn là một phần của chiến dịch Phụ nữ phi thường của thương hiệu Piaget. Chiến dịch có sự tham gia của Constance Wu (sao Con nhà siêu giàu châu Á) và Gong Hyo Jin (Khi hoa trà nở) và nhiều phụ nữ đa dạng màu da, ngành nghề.
Theo Harper's Bazaar, chiến dịch do Trần Mạn thực hiện nhằm mục đích tôn vinh, trao quyền cho những phụ nữ có thành tích cao trong lĩnh vực của họ.
12 nghi phạm cướp trang sức của Kim Kardashian hầu tòa
Năm 2016, trong lúc dự tuần lễ thời trang ở Pháp, khách sạn Kim Kardashian thuê bị kẻ gian đột nhập. 12 nghi phạm cướp trang sức giá 10 triệu USD của ngôi sao truyền hình thực tế.
Người bị gọi là 'quái vật' ở Hollywood
Trong bài điều tra của Rolling Stone, những người bị Marilyn Manson tấn công tình dục gọi nam ca sĩ là quái vật. Họ mắc bệnh tâm lý, hoảng sợ sau nhiều năm sống trong lạm dụng.
Travis Scott và ê-kíp bị kiện 2 tỷ USD sau đêm nhạc thảm kịch
Sau đêm nhạc khiến 10 người chết, hơn 300 người bị thương, Travis Scott, Drake và đơn vị tổ chức liên tục bị kiện.