Hầu hết đảng ở Đức nhận định biến đổi khí hậu là thủ phạm gây nên trận lụt khiến ít nhất 140 người thiệt mạng, cũng như tàn phá nhiều thị trấn và làng mạc miền Tây nước Đức.
Đảng Xanh dường như là những người hưởng lợi nhiều nhất. Ngay từ trước khi lũ lụt xảy ra, kết quả thăm dò dư luận cho thấy đảng này sẽ có thêm nhiều ghế trong Quốc hội Đức sau cuộc bầu cử hôm 26/9.
Sau trận lũ, chính sách tập trung vào chống biến đổi khí hậu qua huy động mọi nguồn lực của nhà nước của đảng Xanh dường như trở nên cấp thiết.
Cho đến nay, đảng Xanh dường như chưa tìm cách tận dụng lợi thế này. Đồng chủ tịch đảng Robert Habeck không đến thăm những vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt. “Việc vận động bầu cử trong những ngày thế này là điều cấm kỵ”, ông nói hôm 15/7.
Khí hậu, đảng Xanh và liên minh trung hữu
Tuy vậy, mối liên hệ giữa lũ lụt và biến đổi khí hậu chắc chắn đem lại lợi thế cho bà Annalena Baerbock, ứng cử viên thủ tướng của đảng Xanh. Đảng này có cơ hội để hướng sự chú ý ra khỏi những sai lầm của họ trong chiến dịch tranh cử.
Sự tín nhiệm dành cho bà Baerbock sụt giảm trong khoảng thời gian gần đây do những sai sót trong lý lịch, nghi án đạo văn và việc đảng Xanh chậm trễ trong báo cáo thu nhập lên quốc hội.
Trận lụt có thể giúp ứng viên Annalena Baerbock của Đảng Xanh có cơ hội sửa sai. Ảnh: Financial Times. |
“Bà Baerbock chắc chắn sẽ ghi điểm nhờ năng lực của đảng Xanh trong các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu”, nhà khoa học chính trị Karl-Rudolf Korte nói với German TV. “Sự kiện này cho bà cách thức mới để vận động cử tri”.
Người phát ngôn chính phủ Đức Martina Fietz cho biết chính phủ coi biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây lũ lụt. “Về nguyên tắc, sự nóng lên toàn cầu khiến số sự kiện thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn và bão gia tăng”, bà nói.”Nhiệt độ trung bình tại Đức đã tăng 2 độ C kể từ khi bắt đầu ghi chép”.
Sự quan tâm của dư luận với vấn đề khí hậu có thể mang lại tác động tiêu cực cho ông Armin Laschet, ứng viên thủ tướng của liên minh trung hữu CDU/CSU.
Với tư cách thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, nơi nhiều công ty hàng đầu nước Đức đặt trụ sở, ông Laschet phản đối mạnh mẽ một số chính sách của Đảng Xanh. Theo ông, những chính sách này có thể tác động đến vị thế của ngành công nghiệp nước Đức.
“Bạn không thay đổi chính sách chỉ vì một ngày như hôm nay”, ông Laschet nói hôm 15/7 khi được hỏi về quan điểm đối với nhận định “nước Đức cần hành động quyết liệt hơn để đối phó với khủng hoảng khí hậu”.
Điều trớ trêu là bang North Rhine-Westphalia của ông Laschet là một trong những bang chịu tác động nặng nề nhất của đợt lũ lụt đang xảy ra.
Tuy không đồng tình với đảng Xanh trong nhiều mặt, ông Laschet thừa nhận nước Đức cần hành động. “Chúng ta cần tiến nhanh hơn tới mục tiêu không phát thải carbon”, ông khẳng định.
Ứng viên Laschet của liên minh CDU/CSU có một số khác biệt với Đảng Xanh trong quan điểm về khí hậu. Ảnh: Politico. |
Lợi thế quan trọng
Tuy vậy, so với các ứng cử viên khác như bà Baerbock hay ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội, ông Laschet có một lợi thế quan trọng. Thay vì đang trong kỳ nghỉ như các đối thủ, ông Laschet nhanh chóng đến thăm những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt.
Tại đây, ông hứa hẹn bồi thường cho những người mất nhà cửa, thể hiện sự thông cảm với gia đình các nạn nhân, cũng như cảm ơn lực lượng cứu hộ. Ông muốn thể hiện mình như một nhà lãnh đạo hiệu quả trong xử lý khủng hoảng.
Theo giáo sư Korte, ông Laschet hưởng lợi từ cảm giác thiếu an toàn do trận lũ mang tới. “Chúng ta sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng mới”, ông nói, “và đặt niềm tin nhiều hơn cả vào những cá nhân hay đảng phái có khả năng bảo vệ chúng ta”.
Điều này cũng có lợi cho liên minh CDU/CSU. Trong 70 năm qua, liên minh này cầm quyền ở Đức 50 năm. Trái lại, người không có kinh nghiệm chính trị như bà Baerbock sẽ chịu thiệt.
Đây không phải lần đầu lũ lụt tác động tới kết quả bầu cử ở Đức. Trận lụt ở sông Elbe năm 2002 từng giúp cựu Thủ tướng Gerhard Schröder đảm bảo chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó.
Ngay khi trận lũ xảy ra, ông Schröder đến thăm khu vực bị ảnh hưởng. Với hình ảnh đi bốt cao su lội bùn, cũng như lời hứa chuyển tiền cứu trợ đến những nơi lũ quét qua, ông tạo ra hình ảnh đối lập với ứng cử viên Edmund Stoiber của CDU/CSU - người đang trong kỳ nghỉ bên bờ Biển Bắc.
Đây không phải lần đầu tiên lũ lụt tác động đến bầu cử tại Đức. Ảnh: NPR. |
“Tôi không muốn vận động tranh cử nhờ vào thảm họa tự nhiên”, ông Stoiber nói sau đó. Tuy vậy, trên thực tế, ông vẫn đến thăm những vùng này.
Khí hậu cũng tác động đến chính trị trong những năm gần đây. Đợt hạn hán dài mà nước Đức phải trải qua năm 2018 giúp uy tín đảng Xanh lên cao như diều gặp gió. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, đảng Xanh chỉ giành 8,49% số phiếu. Chưa đầy hai năm sau, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, con số này tăng lên 20,5%.
Tuy không ai muốn giành lợi thế chính trị nhờ khủng hoảng, nhiều đảng viên đảng Xanh kỳ vọng tác động của đợt nắng nóng năm 2018 sẽ tái xuất hiện sau trận lũ năm 2021.