Tôi đã kể lúc đầu rồi đó, từ nhỏ hiếm khi nào điểm văn của tôi vượt qua con số 6 ấy có lẽ cũng đã được cộng khuyến khích cho nỗ lực giữ giấy sạch và chữ viết ngay ngắn. Thật may khi thời nay viết sách, phần chữ đã được "số hóa" bằng máy tính sạch đẹp sẵn rồi. May là vấn đề cốt yếu của cuốn sách cũng đã được nhìn nhận theo một kiểu khác. Chắc văn vẻ cũng chỉ tầm điểm trung bình như xưa mà thôi, thế nhưng nội dung thì nay phải khác rồi. Không thể nghĩ, không thể tìm hay cố gắng hư cấu chuyện gì đó để cuốn sách phải cực hay khi về kết. Cái kết luôn là phần hậu mà theo lỗi thông thường, ai cũng muốn đẹp để tạo ra các dấu ấn đọng lại. Sao lại không nhỉ? Thấm thía câu "dao sắc không gọt được chuôi". Nghe nhìn, cảm nhận, đánh giá gì đó ngoài kia sao dễ thế mà khi tự đúc kết cho mình lại bí rì đến vậy. Thôi thì còn nỗi lòng chân thật còn nhiều áy náy, mang ra tự thú nốt vậy.
Cuốn sách Bên kia Bức Tường. |
Thú nhận ấy vẫn là với âm nhạc mà thôi. Tôi vẫn còn quá dốt nát trong lĩnh vực này dù đã cho ra đời trên dưới năm mươi ca khúc. Dù đã bước lên đỉnh cao của một dòng nhạc ở đất nước bé nhỏ so với thế giới này, chẳng phải cần một sự khiêm tốn hão huyền hay một tính cách tự cao khư khư cái danh đã dựng được. Kiến thức âm nhạc và kỹ thuật của nó là một biển trời không gian vô định tính. Cảm xúc và bến bờ của nó vô tận mà ta biết đến đâu cũng không thể khẳng định thể tích còn lại lớn chừng nào. Những người nhạc công chuyên nghiệp chơi bất kỳ bản nhạc nào cũng dựa trên phối âm có tổ chức chặt chẽ. Họ đọc và chơi nhạc theo những bản cứng và đánh chính xác từng nốt li ti. Những nghệ sĩ rock ở Việt Nam như chúng tôi lại là một dạng khác. Khả năng phối khí viết ra rất kém trên giấy tờ văn bản, khả năng đọc và chơi với nó cũng quá chậm. Thế nhưng cảm nhận tai nghe, đầu nghĩ, tay chơi thì lại nhanh. Không lệ thuộc giấy tờ bản phối khiến chúng tôi hiểu nhau hơn, nhanh hơn, quên hơn nhưng ngày một lười đi. Kỹ năng căn bản chuyên nghiệp không tôi luyện thì sẽ kém đi và khó kết hợp với những nghệ sĩ chỉ quen chơi theo phối cứng. Nhìn một bản phổ phức tạp, giờ đây tôi đọc dò dẫm như một người mắt kém trên con đường mạch lạc mà một nửa thế giới âm nhạc vẫn đi lại dễ dàng. Còn chơi, chắc giới của tôi dần dần rồi sẽ đúng chuẩn mực, nhưng cái bản năng dù còn nhiều tính không chuyên ấy lại là một đặc thù. Thậm chí còn là một đặc sản của rock khiến nó nhạy bén, cảm xúc và mê muội đối với ai đã dính vào. Một điều lạ lùng mà khiến cho đôi khi bên ly cafe sáng, mỗi lần gặp một khó khăn trong công việc, câu hỏi ấy lại chợt đến. "Giả sử mình không làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, mình sẽ làm gì, là ai?" Không rõ tôi có bước nhầm chân, mơ nhầm giấc vào một khắc nào đó thuở xưa? Biết đâu tôi đã trở thành người lính hay gì đó tương tự trên con đường binh nghiệp? Như đã từng được tiên đoán qua tử vi và những lần xem bói của những người thân trong nhà. Tôi đã không đi theo cảnh báo ấy mà dấn sâu vào sự nghiệp âm nhạc. Những bước chân trên nhưng chặng đường dài nhọc nhằn nhưng cũng thấm đẫm những giá trị để mà tự hào. Dù không ít lần hoang mang và bế tắc chứ không hoàn toàn cao vời và luôn biết mình ở đâu như hình ảnh bên này của Bức Tường. Sao mà biết được sau cuốn tự truyện này, vài chục năm cuộc đời phía sau, liệu tôi có làm một nghề khác nữa? Biết đâu lại đúng như ca sĩ Phương Thanh đã "coi tướng" mà phán rằng: "Sau này anh sẽ làm một việc khác. Việc mà anh chưa từng nghĩ bao giờ. Anh chỉ cần đi thuyết giảng, sẽ có nhiều người lắng nghe và làm theo, số anh là thế rồi..."
Những sóng gió đã trải qua trong cuộc đời càng giúp Trần Lập thêm vững vàng bản lĩnh. Ảnh: FBNV |
Dù đã tự mình mơ ước và tự mình bước đi, thế nhưng tôi bắt đầu tin vào sự sắp đặt của số phận không hoàn toàn ngẫu nhiên. Đó là lý do để không ai có thể giống ai dù sinh cùng giờ cùng tuổi, cùng học cùng chơi. Không thể lý giải hết nhưng cái gì cũng có lý của nó ở một nơi nào đó. Cái lý của nó dù còn mơ hồ thì cũng đủ để cảm nhận ra và tôi đã chia sẻ nơi này. Dù đứng bên này hay bên kia Bức Tường ấy, không phải việc nào muốn tôi cũng có thể tự mình làm được hết. Đã có gia đình, bè bạn và thậm chí là cả những người không quen từng giúp đỡ mình. Có những người chỉ đến bên một lần rồi bước đi không biết đâu mà gặp lại. Chắc chắn ngoài những ước mơ và cố gắng dấn thân, số phận đã được sắp đặt sẵn sau mỗi cánh cửa mà tôi sẽ bước tới.
Có bạn biết tôi hở ra ý định viết tự truyện, ngạc nhiên hỏi: "Có sớm quá không?" Tôi bật cười vì câu hỏi đó nhưng tôi hiểu đó cũng là một phản ứng tự nhiên rất phổ biến. Có những đứa trẻ đã viết tự truyện cả trăm trang có những người viết đến vài cuốn chỉ về những chuyện vặt đời mình, nhưng dù sao nó vẫn là những trường hợp cá biệt. Người ta vẫn thường cho rằng chắc phải là những người đi hết cuộc đời mới hay viết lách gì đó để lại. Những người đã qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp mới hay hoài niệm và níu kéo hào quang.
"Bên kia đỉnh dốc, người ta đồn thế thôi - Ở nơi kia chỉ là ẩn số
Nhưng tôi tìm thấy vầng dương vẫn chói chang và tôi vươn đôi bàn tay"
(Ca khúc Rung chuông vàng)
Tôi thích giải phóng năng lượng bằng bất kỳ cách gì mà tiếng nói bên trong mách bảo. Con người sống không thể chỉ đơn thuần duy lý khi đến tuổi trưởng thành hay đang toan về già. Cũng cần phiêu linh và lắng nghe cảm xúc dẫn lối thì cuộc sống mới có những thú vị. Suy tưởng, miên man với những mảnh ghép của những câu chuyện đã qua, tôi khá ngạc nhiên về mình khi đã kì cạch gõ ra được hàng trăm trang giấy thế này.
Bên kia Bức Tường không phải là những lát cắt giật gân với những chuyện động trời gây sốc cho công chúng. Không phải là những thâm cung bí sử khiến những người có liên quan bị phơi bày. Một con người duy mỹ và đi nhiều như tôi không dành chương nào để nói về vợ con hay những người đẹp. Những bóng hồng thấp thoáng sau mỗi ca khúc lãng mạng và đầy xúc cảm. Tôi cũng chưa từng kể về thời đeo túi xách sang Bangkok buôn thời trang hay những chuyến xuất ngoại cùng ban nhạc Bức Tường. Tôi cũng chưa từng kể về chuyện từng làm đại sứ cho AFC (Liên đoàng Bóng đá châu Á) vận động cho bóng đá Việt Nam. Chưa thể kể về những khó khăn khi làm Đại sứ Green Talk vì môi trường. Còn nhiều hoạt động khác mà mỗi sự kiện còn quá nhiều điều phía bên kia bất cập của nó. Một ngày có đến tận 24 giờ, mỗi giờ là bao nhiêu khoảnh khắc mà ta có thể tung hoành nhiều việc. Có nhiều người có thể bật một lúc nhiều "cửa sổ" máy tính. Vừa làm việc vừa chat vừa lướt web, vừa chăm bẵm chỉ số chứng khoán, vừa xem youtube trong cùng một khoảng thời gian. Với hai mươi năm âm nhạc trôi qua. Viết sao cho hết mọi điều hay và giấu sao cho hết được những điều muốn giấu? Dù là một nghệ sĩ, một người kinh doanh, làm việc này việc nọ. Dù gặp gỡ với những người đẹp, người xinh. Người yêu kẻ ghét hay những ám hại chìm nổi. Tất cả đều có sự sắp đặt vô hình mà ta không thể biết. Đó chỉ là những hành động để đi đến tận cùng của những khả năng thực tế. Nó khiến ta chuyển động không ngừng và có giá trị thay vì thụ động và nhợt nhạt sống mà thôi.
Chẳng biết vì lý do mình đã trèo lên, vì mặt đất tự dâng hay vì những mơ mộng ấy đã chủ động sà xuống. Dù là thế nào thì tôi không còn mơ ước kiểu như thuở bé, không bay cao quá như ban đầu. Tôi không còn mơ vu vơ và những giấc mơ mới nó ngắn ngủi, dễ đạt hơn. Ngoài kia vẫn luôn có người cùng trang lứa nghĩ rằng những mơ ước đã chết theo tuổi thơ hoặc những tham vọng bất thành. Họ không còn đủ dũng khí để ước mơ cao xa nữa mà chỉ biết thèm khát những thứ rất gần tầm với. Chẳng sao hết, đó là hiện thực cuộc sống của mỗi người, mỗi con đường mà họ đã đặt dấu chân đầu tiên để bước vào. Thế nhưng bản thân ta không không chỉ sống vì mỗi bản thân và những mơ ước bé nhỏ mãi được. Hãy để cho thế hệ sau nhìn thấy những gì để họ có động lực mà mơ ước theo cách riêng. Bên này Bức Tường của mỗi người là hình ảnh nhân vật danh tiếng và đẹp đẽ với nhiều chiến tích sáng láng. Dễ dàng quá chăng và thuận lợi quá chăng thì bạn cũng phải tự có một vế bên kia của mình để soi rọi. Không hẳn xưa kia tôi luôn được làm hoặc dám làm tất cả những gì mình thích. Bố mẹ không cho hay bản thân không đủ tố chất để gia đình đặt niềm tin? Tất cả thì cuộc sống đã trả lời gần đủ. Còn bây giờ tôi đang nhìn thấy hình bóng mình thuở xưa trong mỗi ngày của những đứa con. Chúng sẽ đi tiếp nhưng có thể bằng con đường khác, một giấc mơ khác mà số phận của riêng chúng đang sắp đặt. Nhiều điều còn chưa thể biết nhưng có một điều chắc chắn là chúng cũng có câu chuyện của cha mình làm mạch ẩn cho bên này bên kia.
Còn với bản thân tôi, chắc chắn chẳng có lối nào bằng phẳng trải dưới chân khi mình còn phải đi tiếp. Gặp sóng gió, chắc tôi lại nhủ thầm:
"Bình tĩnh, không sao đâu, chỉ là mơ thôi, sáng mai thức dậy, mọi chuyện sẽ khác."