* Bài viết gửi Zing.vn của nhạc sĩ/ca sĩ Trần Lập:
Cùng đoàn anh em cứu trợ từ Hà Nội, tôi có mặt ở Bản Sen (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) ngày 2/8 khi cơn lũ lịch sử vừa biến xã đảo xinh đẹp thành tan hoang. Có chứng kiến tận mắt mới thấy sự kinh khủng của thiên tai và mức độ của những thiệt hại mà bà con phải hứng chịu. Và cũng phải có mặt ở những điểm nóng thiên tai mới càng cảm động với tấm lòng và sự chia sẻ của người Việt với nhau.
Rocker Trần Lập tại điểm nóng thiên tai là huyện đảo Bản Sen, Quảng Ninh |
Vừa đặt chân tới cảng Cái Rồng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng dài những chiếc xe chở gạo, mỳ tôm thậm chí lợn gà rồi quần áo, nhu yếu phẩm… đang chờ để chuyển lên thuyền và đưa ra Bản Sen. Nhưng cho tới khi lên được thuyền cùng nhu yếu phẩm và những khoản hỗ trợ, lênh đênh nửa tiếng nữa tới nơi cần tới, tiếp xúc với người dân, trao tận tay từng món đồ và khoản tiền cứu trợ, chúng tôi mới thấy rằng câu chuyện cứu trợ không hề đơn giản là… cho nhận.
Ở thời điểm chúng tôi tới đây, hàng cứu trợ đã đầy ứ trong những nơi có thể làm kho chứa trên xã đảo. Trong khi đó từng đoàn từng đoàn thuyền chở hàng vẫn ùn ùn kéo về. Điều đáng nói là nếu tiếp tục tình trạng mưa lớn kéo dài, hàng hoá chắc chắn sẽ không còn chỗ chứa và phải để ngoài trời.
Trong điều kiện mưa lớn kéo dài, hàng cứu trợ chắc chắn sẽ không thể giữ ở tình trạng tốt. Gạo hay mỳ không kịp dùng tới sẽ bị mốc, hỏng, các nhu yếu phẩm như quần áo hẳn sẽ khó giữ cho sạch sẽ… Chưa kể tới công sức, khối lượng xăng dầu để thuyền, xe đưa hàng cứu trợ tới điểm nóng. Nhìn trên phương diện hiệu quả, ở đây có một sự lãng phí không hề nhỏ!
Những hình ảnh gây xúc động mà Trần Lập ghi lại trong chuyến đi cứu trợ. |
Những ngày đầu tiên khi lũ cuốn hết tài sản, nhà cửa, ruộng vườn của người dân, một gói mỳ tôm, một miếng lương khô là rất quý giá để giải quyết nhu cầu tức thời cho bà con. Nhưng đó là ngày đầu tiên, ngày thứ hai, thứ ba hay những ngày sau đó hẳn bà con sẽ không thể mãi chỉ ăn… mỳ tôm hay gạo sống. Thiên tai tới nhưng thiên tai sẽ đi qua. Vấn đề dài hơn là tái thiết lại đời sống.
Chắc chắn nguy cơ về dịch bệnh sẽ phát sinh sau khi cơn lũ đi qua. Thử hình dung thứ mà bà con thực sự cần khi đó là thuốc men và các công cụ hỗ trợ công tác làm vệ sinh, tiệt trùng… Nhưng cái mà họ có lại chỉ là những kho gạo và thùng quần áo. Chưa kể chính những kho chứa hàng cứu trợ kia cũng có thể trở thành mầm bệnh sau một khoảng thời gian ngâm trong tâm điểm thiên tai.
Nói như vậy, tôi không muốn phủ nhận tấm lòng của những cá nhân và đơn vị hảo tâm trên khắp cả nước. Bởi tấm lòng hảo tâm luôn là điều đáng quý nhưng phải chăng nếu chúng ta có sự cứu trợ một cách chuyên nghiệp, sự san sẻ sẽ thực sự đến được với đúng người, đúng thời điểm và đúng nhu cầu.
Vậy thế nào là sự cứu trợ chuyên nghiệp?
Theo tôi, trước hết là sự tiếp cận đầy đủ và chính xác về thông tin. Trước khi quyết định triển khai cứu trợ đồng bào ở các vùng thiên tai, dù là cá nhân hay một tổ chức, chúng ta đều nên tìm hiểu chính xác về tình trạng của điểm nóng. Bởi mỗi nơi sẽ có những đặc thù khác nhau và mỗi thời điểm bà con sẽ cần những sự hỗ trợ khác nhau. Nhưng quan trọng hơn là thiên tai thì có thể thay đổi tác động hàng giờ chứ chưa nói là hàng ngày.
Chính đây là lúc các địa phương cần phát huy các kênh thông tin chính thống và chính xác để sự cứu trợ được hiệu quả nhất. Những kênh thông tin như mạng xã hội không phải vô ích nhưng thường sau khi trở về từ điểm nóng chúng ta mới có thể chia sẻ thông tin trên trang cá nhân. Từ thời điểm đó tới khi bạn thực sự tới được điểm nóng, tình hình đã thay đổi rất nhiều.
Chỉ còn hơn một tháng nữa tới ngày khai giảng nhưng trường PTCS Bản Sen đã bị huỷ hoại nghiêm trọng |
Tôi rất ấn tượng với hình ảnh mình gặp trong chuyến đi Bản Sen. Đó là rất nhiều nhóm các bạn thanh niên áo xanh tay cuốc tay xẻng đang cùng bà con và quân đội mở đường, dọn đất đá… Đó là cứu trợ bằng sức lao động, một hình thức hiệu quả và phù hợp với các bạn trẻ. Hãy tới góp sức chung tay cùng bà con khắc phục hậu quả thiên tai để thấy tuổi trẻ của bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều!
Người dân sẽ cần những sự hỗ trợ để tái thiết cuộc sống sau khi thiên tai đi qua |
Có thể có bạn sẽ hỏi chuyến đi này tôi đi cùng nhóm anh chị em nghệ sĩ nào? Xin chia sẻ ngay là tôi không đi cùng nghệ sĩ nào và cũng không quan niệm rằng mình đi làm công việc này với tư cách một người nghệ sĩ.
Các bạn cũng đừng bất ngờ về quan điểm đó của tôi. Mỗi người mỗi cách mà thôi. Có những anh chị em nghệ sĩ tạo hiệu ứng truyền thông nhất định khi thực hiện các công việc này. Nhưng cũng có nhiều người, trong đó có tôi lại chọn cách khác, có thể là lặng lẽ hơn. Hình thức nào không quan trọng bằng việc cuối cùng người nghệ sĩ thực sự góp sức cho xã hội khi cần thiết.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Những gì chia sẻ với các bạn cũng là “bài học” mà tôi đã học được sau những chuyến đi cứu trợ. Mong rằng góp thêm chút giá trị nhỏ chia sẻ với bà con vẫn đang oằn mình chống chọi với thiên tai trên mảnh đất hình chữ S yêu dấu của chúng ta.