Miền Bắc đang trải qua những ngày mưa lũ kinh hoàng gây ngập lụt nhiều tỉnh, thành phố khiến 27 người thiệt mạng, 6 người mất tích, 40 người bị thương, thiệt hại vật chất hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra đợt mưa lũ lớn nhất trong 40 năm, gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ bùn làm 17 người thiệt mạng, ngành than tê liệt. Chỉ trong 9 ngày, ở Cửa Ông ghi nhận lượng mưa kỷ lục - khoảng 1.500 mm.
GS TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, đánh giá, đợt mưa kỷ lục tại Quảng Ninh không trái quy luật vì xảy ra vào mùa mưa nhưng nó lại bất thường vì đang khô hạn đột ngột chuyển sang mưa lớn.
Về nguyên nhân, GS Ngữ cho biết biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên. Ở trên biển, lượng hơi nước bốc lên nhiều hơn, độ ẩm không khí cũng cao hơn. Mặt đất nóng hơn nên các hoạt động đối lưu mạnh hơn, hình thành các khối mây khổng lồ, đặc biệt là xoáy.
Trong điều kiện thời tiết nhiễu động như rãnh áp thấp, xoáy thuận nhiệt đới, vùng nhiễu động khí quyển có sự hội tụ rất lớn của các luồng không khí, tạo ra lượng mưa rất lớn. Rãnh thấp gây mưa lớn ở khắp Bắc Bộ, trọng điểm là Quảng Ninh, đã tồn tại trước đó ở vùng phía nam Trung Quốc. Khi di chuyển về miền núi, trung du phía Bắc nó tiếp tục gây mưa lớn.
"Như vậy có thể thấy, khối lượng nước hội tụ trong rãnh thấp ấy rất lớn. Đây quy luật của biến đổi khí hậu đã được cảnh báo nhiều", giáo sư Ngữ nói.
Ông Ngữ cũng cho biết, quy luật của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tạo ra những cực đoan của thời tiết như mưa lớn, hạn hán, rét đậm, rét hại và hậu quả sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Lũ bùn từ bãi xỉ than tràn xuống khiến hàng chục hộ dân ở Mông Dương (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) mất nhà. Ảnh: Hoàng Anh - Mạnh Thắng. |
Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Đức Ngữ cũng cho hay, để xảy ra hậu quả nặng nề như ở Quảng Ninh thì không chỉ do thiên tai mà chủ yếu do con người tạo nên. Đặc biệt, việc phá rừng đã làm giảm khả năng giữ nước, gia tăng trượt lở đất.
Quảng Ninh là vùng khai thác than lớn nhất nước với rất nhiều bãi xỉ thải giống như những quả đồi. Kết cấu của các bãi thải này không vững chắc nên khi mưa xuống dễ tạo thành các dòng bùn thải chảy xuống. Địa hình ở đây lại phức tạp với đồi dốc và vũng trũng, nhà cửa thường được xây ở ven núi, ven sườn nên mưa lớn đổ xuống, nhà dễ bị cuốn đi còn ở dưới thấp thì lụt.
Giáo sư Ngữ cảnh báo, không chỉ đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan đơn lẻ, trong tương lai, Việt Nam có thể phải đối phó với hình thái thời tiết nguy hiểm kép như mưa lớn kết hợp với bão, mưa lớn kết hợp với triều cường, nước biển dâng do bão, gió mạnh. Khi ấy mức độ nguy hiểm còn tăng lên nhiều lần.Vì thế việc xây dựng các phương án phải cụ thể, chi tiết, nhiều tình huống vì BĐKH sẽ còn gây ra những cực đoan thời tiết trên khắp cả nước. Trong đó, cần nâng cao năng lực, sức chống chịu của cộng đồng, trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.
Bản Đề Chia C, xã Pú Nhung, Tuần Giáo (Điện Biên) nước ngập tới nóc nhà chiều 3/8. Ảnh: Hoàng Anh. |
Đồng quan điểm, trả lời Tuổi Trẻ, GS.TS Phan Văn Tân - Chủ nhiệm bộ môn Khí tượng, khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mưa lớn gây lũ lụt trầm trọng ở Quảng Ninh là bất thường. Theo số liệu quan trắc, lượng mưa của cả đợt (ngày 26/7-3/8) tại Cửa Ông khoảng 1.500mm, lớn nhất từ trước đến nay.
Sẽ cảnh báo thời tiết nguy hiểm qua tin nhắn
Về công tác dự báo để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, chúng ta mới chủ yếu chủ động dự báo, cảnh báo được các hiện tượng thời tiết thông thường và các cơn bão - áp thấp nhiệt đới, chính xác trong vòng 3 - 10 ngày và dự báo theo mùa, theo tháng.
Tuy nhiên, đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất, mưa kỷ lục… thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác, kể cả Mỹ, Nhật Bản… cũng chưa thể chủ động dự báo sớm được.
Ông Hải cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới áp dụng phương pháp truyền tin qua điện thoại khi có cảnh báo thiên tai cực ngắn như dông, lốc xoáy. Nhà mạng sử dụng dịch vụ định vị xác định các thuê bao đang trong vùng thiên tai nguy hiểm để gửi tin nhắn. Tuy nhiên, vấn đề này phải cần phải có sự chỉ đạo của Chính phủ và sự tham gia của liên bộ, ngành.
Từ đầu năm 2015 đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục tiếp diễn. Tháng 5 nóng kỷ lục 44 năm ở Bắc bộ. Ngày 13/6 xảy ra cơn dông mạnh nhất 30 năm ở Hà Nội. Ngày 6/7, Sapa trở lạnh giữa mùa hè, nhiệt độ xuống còn 12,7 độ C.
Mưa trái mùa như ở Quảng Ngãi vào giữa mùa khô (tháng 3-2015), suốt nhiều tháng qua hạn hán đã hoành hành ở các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh ở Tây Nguyên… Hiện, mưa lũ lớn ở Quảng Ninh và nhiều tỉnh phía Bắc vẫn chưa kết thúc.