Các chiến sĩ Sư đoàn 395 (Quân khu 3) trực tiếp đi đến từng hộ dân hỗ trợ di dời. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Tại huyện Hoành Bồ, mưa lớn khu 1, khu 2, khu 6, khu 8, khu 8, thị trấn Trới ngập cục bộ, các phương tiện di chuyển khó khăn. Nước ngập sâu khiến 2 xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn; thôn Đá Trắng (xã Thống Nhất), thôn Khe Mực, Khe Lèn (xã Đồng Lâm) bị cô lập hoàn toàn. 16 hộ dân xã Sơn Dương được di dời khẩn cấp.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Hoành Bồ đã huy động toàn bộ lực lượng bộ đội, công an, dân quân địa phương cùng các tổ chức đoàn thể tổ chức nạo vét kênh mương, khơi tông dòng chạy tại chợ Trới; đặt biển cảnh báo tại những nút giao thông ngập úng cục bộ, các ngầm tràn đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, đến sáng 3/8, trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc do Tổng Công ty quản lý có mưa lớn, ngập lụt, sạt lở và gây ảnh hưởng cung cấp điện đến hơn 12.000 khách hàng.
UBND TP Hải Phòng phải điều 4 xe thiết giáp tới xã đảo Việt Hải, Cát Hải, để ứng cứu, khi xã này bị chìm sâu đến 7 m. Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư xã Việt Hải cho biết, toàn bộ xã vẫn chìm trong biển nước. Nước rút rất chậm vì mưa lớn, liên tục dài ngày.
Từ 2/8 đến sáng 3/8, Việt Hải tiếp tực hứng chịu những đợt mưa lớn. Toàn bộ người dân trong xã đã được di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.
Tại TP Hải Dương, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường trục chính ở TP chìm trong biển nước như đường Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Hoàng Diệu... Nhiều xe máy của người dân bị chết máy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, cuộc sống của nhiều người dân.
Nước sông Mã dâng cao khiến khiến hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ đê sông (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) phải di dời. Ảnh: D.N. |
Tại Thanh Hóa, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ đê sông Mã (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) phải di dời. Hàng chục ha hoa màu và một chiếc cầu treo bị cuốn trôi.
Trưa 3/8, ông Đỗ Minh Việt, Chánh văn phòng ủy ban huyện Quan Hóa cho biết, từ ngày 2/8, nước từ thượng nguồn sông Mã đổ về khiến nhiều xã ngập lụt, chủ yếu là các địa phương dọc theo quốc lộ 15A. Thống kê ban đầu, hàng trăm nhà dân sống hai bên bờ sông Mã ngập. Số hộ dân này đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Tại xã Thanh Xuân, một chiếc cầu treo bị cuốn trôi khiến 2 bản bị cô lập. Dòng nước lũ dâng cao cũng đang đe dọa đến bờ đê công trình thủy điện Hồi Xuân (thuộc hai xã Thanh Xuân và Hồi Xuân) đang thi công.
Người dân miền núi huyện Quan Hóa di chuyển đồ đạc. Ảnh: D. N. |
“Sáng nay, Ban Chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão của huyện đã tiếp tục cử thêm cán bộ xuống hiện trường để nắm bắt tình và chỉ đạo công tác phòng chống lụt. Đầu giờ chiều, huyện sẽ tổ chức họp để nắm con số thống kê thiệt hại cụ thể và có hướng trực tiếp chỉ đạo khắc phục”, Chánh văn phòng huyện Quan Hóa cho hay.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục hướng Tây Bắc - Đông Nam và vùng xoáy thấp trên cao. Trong cả ngày 3/8, mưa lớn tiếp tục dội xuống các tỉnh, thành miền Bắc. Riêng khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, Bắc Giang và Tây Bắc sẽ có tổng lượng mưa 50-100 mm. Có nơi tới 200 mm.
Từ ngày 2 đến 4/8, trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 5 mét, ở hạ lưu 2-3 mét.
Theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ ngày 27/7 đến 2/8, mưa lớn diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, một số nơi mưa lớn như Quảng Ninh, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang.
Tại Quảng Ninh, đây là đợt mưa lớn nhất trong 50 năm, gây ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng. Chỉ trong một tuần, 22 người chết (Quảng Ninh 17 người, Lạng Sơn 2, Lai Châu 2 và Sơn La 1 người); mưa, lũ, sạt lở đất cũng đã khiến 36 người bị thương (Quảng Ninh 32, Điện Biên 4).