Ngày 3/1/1954, báo chí Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu loan tin về trận tỷ thí giữa 2 võ sư địa phương là Ngô Công Nghi và Trần Khắc Phu.
Ngô Công Nghi, khi đó 53 tuổi, là người đứng đầu Phân hội Thái cực quyền Ngô gia do cha ông, người gốc Hà Bắc, lập ra.
Trần Khắc Phu, 35 tuổi, là người sáng lập và đứng đầu Học viện Kiện thân Đài Sơn ở Macau (Trung Quốc). Ông được biết đến là người truyền bá Bạch Hạc quyền nhưng cũng từng học qua quyền Anh và judo của Nhật Bản.
Việc diễn ra trận tỷ thí giữa 2 võ sư gần như đã được dự đoán trước. Nửa năm trước đó, Ngô Công Nghi đã gửi thư ngỏ tuyên bố sẵn sàng gặp võ sư của bất kỳ môn phái nào khác “bất cứ lúc nào, bất cứ địa điểm nào” để “học hỏi lẫn nhau” về võ thuật. Trần Khắc Phu đã đáp lại lời đề nghị này, dẫn đến một cuộc khẩu chiến giữa 2 bên.
Hong Kong và Macau đổ dồn về cuộc tỷ thí
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi có tin đồn môn đồ của 2 phái suýt chút nữa thì đánh lộn trong bữa tiệc đêm giao thừa ở khách sạn Hong Kong. Ngày hôm sau, các trưởng môn đã ký thỏa thuận tổ chức một cuộc tỷ thí.
Nhà tài trợ trận đấu giới thiệu đây là một sự kiện có mục đích từ thiện. Một phần số tiền thu được sẽ trao cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn xảy ra một tuần trước đó ở Cửu Long, Hong Kong và cho một bệnh viện ở Macau.
Để thu hút khán giả, trận đấu đã được tổ chức như một sự kiện lớn bao gồm võ thuật và nhạc kịch với sự tham gia của các ngôi sao địa phương.
Các chuyến phà từ Hong Kong đến Macau được tăng cường để phục vụ du khách tới theo dõi. Sàn đấu được dựng lên giữa hồ bơi bên ngoài một hộp đêm với số chỗ ngồi đủ cho khoảng 10.000 người và thiết kế khá giống với sàn đấu quyền Anh ở phương Tây.
Vé nhanh chóng được bán ra ở các địa điểm khác nhau tại Cửu Long và đảo Hong Kong với mức giá dao động từ 5 tới 100 đô la Hong Kong cho các ghế ngồi hạng cao cấp.
Sàn đấu trong cuộc tỷ thí giữa Ngô Công Kinh và Trần Khắc Phu ở Macau, Trung Quốc, tháng 1/1954. Ảnh: chinese-shortstories. |
Bao quanh sàn đấu là vị trí cho phụ tá của các võ sĩ, tổ trọng tài gồm 7 người, một số quan chức, phóng viên và 2 vệ sĩ.
Trận đấu này áp dụng một số luật lệ theo môn quyền Anh với 6 vòng đấu, mỗi vòng kéo dài 3 phút, giữa các vòng là 2 phút giải lao. Hai võ sĩ không được đeo găng. Các đòn đánh vào mắt và chỗ hiểm bị nghiêm cấm.
Càng gần đến ngày tỷ thí, công chúng càng sôi nổi bàn luận và không ngừng đồn đoán về trận đấu. Sự quan tâm dành cho trận đấu này thậm chí còn lớn hơn trận đấu đầu tiên được tổ chức sau khi chính phủ Quốc dân đảng dỡ bỏ lệnh cấm đấu võ.
Các nhà tổ chức đã phủ nhận những tin đồn như trận đấu đã được dàn xếp hay người tham gia sẽ chiến đấu một mất một còn. Tỷ lệ cá cược ở Macau ban đầu nghiêng về kết quả hòa, trong khi các con bạc ở Hong Kong có xu hướng ủng hộ Ngô Công Nghi.
Vài ngày trước trận đấu, các chưởng môn và tùy tùng của họ tới ở trong các khách sạn tại Macau. Ngô Công Nghi đi cùng một nhà sư để giúp ông trấn tĩnh và lên tinh thần trước trận đấu. Trong khi đó, Trần Khắc Phu dành thời gian chạy bộ và luyện khí công vào buổi sáng.
Du khách đổ về theo dõi trận đấu lấp đầy các khách sạn và nhà hàng ở Macau. Vì hết phòng nghỉ nên những người đến sau đành giết thì giờ trong các sòng bạc.
Ngày 17/1, 2 võ sĩ chính thức so tài. Sau màn trình diễn của các ca sĩ và môn sinh 2 phái, 2 võ sư bước lên trung tâm võ đài để chuẩn bị giao đấu.
Trần Khắc Phu là người ra đòn trước tiên khiến Ngô Công Kinh bị chảy máu mũi. Ông Ngô nhanh chóng phản đòn gây ra thương tích tương tự cho đối thủ. Giờ giải lao đầu tiên đã phải kéo dài thêm vài giây để Trần cầm máu.
Đến vòng 2, chiếc áo trắng mà Trần Khắc Phu mặc bị nhuộm đỏ thẫm. Không khí tại sàn đấu vô cùng căng thẳng khi 2 đấu sĩ liên tiếp ra đòn gây thương tích cho đối thủ.
Cuối cùng, các trọng tài đã ngừng trận đấu. Sau khi hội ý nhanh và bỏ phiếu kín, họ tuyên bố trận đấu đã kết thúc mà không có người thắng cuộc.
Cảm hứng của tiểu thuyết kiếm hiệp
Trong bữa tiệc được tổ chức 10 ngày sau sự kiện, chưởng ban tổ chức bày tỏ sự hài lòng với kết quả. Hơn 100.000 đô la Hong Kong đã được gây quỹ từ thiện.
Trong các cuộc phỏng vấn sau đó, cả Ngô và Trần đều khen ngợi màn thể hiện của đối thủ, bác bỏ thông tin về hiềm khích giữa 2 môn phái và thương tích sau trận đấu.
Trần phủ nhận việc mình bị đánh vỡ mũi và nói rằng chảy máu mũi chẳng là gì nếu so với các trận đấu quyền Anh ở phương Tây. Trong khi đó, Ngô khoe hàm răng giả không sứt mẻ của mình để dẹp bỏ tin đồn ông bị rụng mất một chiếc răng trong lúc phân tài cao thấp.
Trận đấu trở thành đề tài bàn luận hàng tuần sau đó ở Hong Kong và Macau. Nhiều người bày tỏ thất vọng về kết quả bất phân thắng bại. Tờ Hong Kong Standard gọi đây là “thất bại còn dang dở”.
Các môn đồ của Ngô thức thái cực quyền ở Hong Kong và Macau tới mộ của sư tổ Ngô Công Nghi trong dịp kỷ niệm 60 năm trận đấu Ngô - Trần ở Macau. Ảnh: wustyle.com. |
Dù trận đấu kết thúc sau chưa đầy nửa giờ, ảnh hưởng của nó được cho là còn kéo dài nhiều năm.
Hai ngày sau trận đấu, Tân văn báo công bố xuất bản tiểu thuyết võ hiệp “Hoàng thành Long hổ đấu” của Lương Vũ Sinh. Tiểu thuyết nói về cuộc đấu tranh của một võ sư thái cực quyền chống lại các môn phái đối thủ, đan xen với câu chuyện về tình yêu và sự báo thù.
Rõ ràng tiểu thuyết này đã lấy cảm hứng từ cuộc tỷ thí gây tranh cãi trước đó không lâu dù trọng tâm không phải là bản thân trận đấu mà là võ thuật cổ truyền Trung Hoa, một khía cạnh biểu tượng của xã hội Hong Kong thời đó.
“Hoàng thành Long hổ đấu” cũng tiêu biểu cho loại tiểu thuyết kiếm hiệp lấy ý tưởng từ các sự kiện thực tế rồi thêm thắt các chi tiết thần thoại hoặc tưởng tượng mà nhà văn Kim Dung rất thành công sau này.