Cuộc đối đầu công khai giữa 2 bên ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 27/4 đã kết thúc trong 10 giây theo đoạn video được đăng trên mạng.
Nhiều người sử dụng mạng Trung Quốc mô tả thất bại của Ngụy là “nhục nhã”, đồng thời đặt câu hỏi về tính thực dụng của võ thuật Trung Quốc. Võ cổ truyền liệu có thực sự hữu ích trong chiến đấu hay chỉ là một hình thức tập thể dục?
Mai một qua biến động lịch sử
Võ thuật Trung Quốc đã trải qua lịch sử hơn 2.000 năm, đóng góp vào nền văn hoá của nước này, trong đó có lĩnh vực văn học với những tiểu thuyết mô tả kỹ năng chiến đấu của các bậc anh hùng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, võ thuật Trung Quốc, còn được gọi là Kungfu, đã được thực hành với nhiều mục đích khác ngoài chiến đấu.
Lịch sử võ thuật Trung Quốc bắt đầu từ hàng trăm năm trước triều đại Tần Thủy Hoàng (221-207 trước Công nguyên), khi các gia đình dòng dõi thuê các sát thủ chuyên nghiệp bảo vệ tài sản và lãnh thổ của họ trước kẻ thù. Một số gia đình giàu có còn đào tạo các đấu sĩ để biểu diễn giải trí.
Các nhà sư tập luyện Kungfu ở Chùa Thiếu Lâm, Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Theo South China Morning Post, trong 750 năm giữa triều đại nhà Đường (618-907) và nhà Nguyên (1279-1368), những võ đường mọc lên khắp các thành thị ở Trung Quốc với mục đích thương mại. Nhiều võ sinh xuống đường biểu diễn kiếm tiền và thách đấu với khán giả tới xem.
Trong thời gian này, một số vương triều đã thúc đẩy việc dạy võ nhằm chống lại mối đe dọa ngoại xâm, đồng thời phát triển các loại binh khí phục vụ chiến đấu.
Dưới triều nhà Nguyên, việc sử dụng binh khí trong đấu võ bị cấm. Điều này đã khiến hình thức đấu võ tay không phổ biến khắp đất nước, đặc biệt dưới thời nhà Thanh (1644-1911).
Đầu thế kỷ 20, nhà Thanh bị lật đổ, võ thuật Trung Quốc đạt vị thế mới như một môn thể thao hiện đại. Năm 1936, đội võ thuật của Trung Quốc đã biểu diễn tại Thế vận hội Berlin.
Môn thể thao này tiếp tục phát triển sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, khi mọi người bắt đầu tập võ như một hình thức rèn luyện sức khỏe.
Qua thời gian, kungfu truyền thống của Trung Quốc bị mai một dần, một phần do các võ sư bảo vệ nghiêm ngặt bí kíp của môn phái mình và hạn chế truyền ra ngoài. Kungfu mất dần tầm ảnh hưởng vì mất quá nhiều thời gian và quá khó để học được thuần thục, từ đó chịu thua kém trước sự cạnh tranh của các bộ môn khác.
Xem trọng trình diễn hơn đối kháng
Các cuộc thi võ thuật bắt đầu chấm điểm thí sinh dựa trên màn trình diễn của họ hơn là sức mạnh tấn công. Trong thời gian này, nhiều cuộc thi võ thuật địa phương và quốc tế đã được tổ chức.
Một nhà sư tập thiền, một hình thức luyện Kungfu ở Chùa Thiếu Lâm. Ảnh: SCMP. |
Theo Ma Yongzhi, giảng viên kiêm huấn luyện viên võ thuật tại khoa thể thao và giáo dục thể chất của Đại học Thanh Hoa, với sự phát triển kinh tế và dịch chuyển xã hội nhanh chóng ở Trung Quốc, thời của võ thuật cổ truyền đã qua. Ngày nay, môn võ này được đối xử như nghệ thuật trình diễn hơn là kỹ năng chiến đấu.
Năm 1979, một loạt cuộc khảo sát của Ủy ban thể thao quốc gia cho thấy tán thủ (sanshou) đã trở thành hình thức võ thuật đối kháng mới. Tán thủ kết hợp Kungfu truyền thống và kỹ năng chiến đấu hiện đại nhưng cấm bất kỳ hành động gây chết người nào.
“Các cơ quan thể thao Trung Quốc từ lâu đã cố gắng để võ thuật trở thành một môn thể thao tại Thế vận hội nhưng điều kiện tiên quyết cho điều này là nó phải có tính đối kháng hơn là trình diễn.
Cuộc tranh luận nổ ra từ trận đấu giữa một võ sư thái cực quyền và một võ sĩ MMA (võ tổng hợp) là cơ hội tốt để suy nghĩ về tính thực chiến của võ thuật Trung Quốc. Phong cách chiến đấu từng tồn tại trong võ thuật cổ truyền cần được hồi sinh”, Yongzhi nhận định trên China News.