Thời còn đá bóng, Công Minh là một trong số hiếm hoi những cầu thủ vẹn cả đức tài. Anh mặc nhiên được thừa nhận là cánh chim không mỏi của thế hệ vàng với những hy sinh âm thầm cũng có giá trị không kém gì sự tỏa sáng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức...
ĐTVN vượt qua vòng bảng vào bán kết SEA Games 18 (1995) với bàn thắng của Hữu Đang trong trận cầu sinh tử với Indonesia, nhưng không phải ai cũng nhớ, người chuyền quả quyết định chính là Công Minh. Vừa chuyền xong đường bóng ấy, hậu vệ quê Sa Đéc đã lĩnh trọn cú đạp vào đùi non và phải khiêng ra sân.
Đó là dấu ấn đầu tiên của Công Minh, tại giải đấu mà ĐTVN lần đầu tiên có được một tấm huy chương khu vực, kể từ khi hội nhập. Sau đó là chuỗi ngày cống hiến đầy mồ hôi và cả máu cho các kỳ SEA Games, Tiger Cup… Danh hiệu Quả bóng Vàng 1999 được trao cho Công Minh như một sự tri ân trước lúc treo giày.
HLV Trần Công Minh trong lần gần nhất lên tuyển làm trợ lý cho Miura. Ảnh: Quốc Bảo |
Công Minh có tiếng là người chỉn chu, biết lo xa. Là cầu thủ, anh đã chuẩn bị sẵn hành trang để hành nghề huấn luyện viên. Cuốn sổ tay lúc nào cũng được Công Minh gối đầu giường, trong đó ghi chép tỉ mỉ từng trận đấu mà anh đã trải qua.
Nhưng nghiệp cầm sa bàn lại chẳng hanh thông như nghiệp quần đùi áo số, dù anh có điều kiện đi nhiều và cũng học được rất nhiều. Công Minh là trợ lý cho cả Riedl lẫn Calisto, và sau này, anh cũng là phụ tá đắc lực của Miura. Dù đi với ai, Công Minh đều chí thú “năng nhặt chặt bị”.
Chuyên môn và lý thuyết của Công Minh vì thế chẳng kém cạnh ai, nhưng khi bắt tay vào việc thật, người thật thì anh lại “mắc” ở nhiều khâu mấu chốt.
Tính cách của Công Minh hiền lành, điềm đạm đến mẫu mực, nhưng lại nhu mì, đôi khi cấn cá không dám tự đưa ra quyết định… Người ta bảo, nghề đá bóng cần quyết liệt, cần thổi lửa, thậm chí cần một cái gì đó từa tựa như tàn nhẫn. Công Minh thiếu cái độc đoán, mạnh mẽ, cũng là thứ làm cho tiếng nói của anh cứ khe khẽ, nhạt nhòa...
Công Minh treo giày lần chót năm 2002 (năm 2000 anh cũng đã giải nghệ, nhưng do Đồng Tháp thiếu người nên trở lại), thì năm 2003 đã làm HLV đội U21 tỉnh nhà. Đó là thời điểm lò đào tạo xứ bưng biền đang hiệu quả, trình làng một dàn cầu thủ sau này cũng có danh có phận như Đoàn Việt Cường, Văn Ngân, Phước Thạnh, Minh Triết…
Nhưng đó cũng lại là thời điểm bóng đá trẻ nặng về chuyện quan hệ, xin cho. U21 Đồng Tháp đã diễn một vở kịch vụng về với SLNA khi những người lớn “chốt” tỷ số từ trên bàn nhậu. Và nạn nhân của vở kịch ấy, không ai khác, chính là Công Minh vừa khởi nghiệp.
Không ai có thể quên hình ảnh Công Minh bất lực và tủi cực đến trào nước mắt. Anh không thể chỉ đạo quân nhà, và chỉ còn biết đứng ra một góc ôm mặt như một đứa trẻ con.
Dĩ nhiên, không ai nỡ “đánh giá” Công Minh sau sự kiện lùm xùm ấy. Và gạt qua nỗi buồn U21, anh được đôn lên đội 1 Đồng Tháp như một sự thay thế cấp thời.
Tấm ảnh này chụp ở V.League 2005, thời khắc Công Minh bất lực nhìn Đồng Tháp thua ngược HP.HN 1-2 trên sân Hàng Đẫy và rớt hạng. Ảnh: Quốc Bảo |
Năm 2005, Công Minh khi ấy đã “lớn” hơn nhiều, là thuyền trưởng Đồng Tháp chơi V.League. Nhưng trận đấu then chốt trên sân Hàng Đẫy với Hoà Phát HN, nhà cầm quân trẻ phải nhận thất bại 1-2 cùng tấm vé rớt hạng. Hôm ấy, người ta lại thấy Công Minh đứng một mình, lau nước mắt…
Con người tình cảm như Công Minh có thể được nhiều anh em, bạn bè, thậm chí đối thủ quý mến. Nhưng nó không đủ để giúp anh bứt phá như Huỳnh Đức hay Hữu Thắng… Chưa có một CLB lớn hay giàu có nào nghĩ đến chuyện mời mọc Công Minh, điệp khúc của anh là “đóng thế” theo dạng thời vụ ở những nơi cần cấp cứu.
Cứ thế, sự nghiệp của thầy giáo cầm sa bàn trồi sụt, quanh co theo những cung đường nhàn nhạt, những đội bóng khi tỏ khi mờ. Công Minh “nhảy việc” rất nhiều, ngoài những lúc lên đội tuyển là Long An, Cà Mau, hoặc đi rồi lại về, về rồi lại đi với Đồng Tháp quê hương.
Lần trở lại Đồng Tháp hôm nay, Công Minh vẫn thế: nhẫn nại, cam chịu, có chăng là thêm nhiều hơn những nếp nhăn và cặp kính. Sứ mệnh của Công Minh cũng như bao lần khác: tìm đường trụ hạng. Nhưng với lực lượng mỏng manh, tài chính hạn chế, ai dám chắc anh có thể làm được gì chỉ với sức mạnh tinh thần?
Trần Công Minh sinh ngày 1/9/1970, là cầu thủ của CLB Đồng Tháp. Ông là một trong những hậu vệ phải xuất sắc nhất Việt Nam, từng giành Quả bóng Vàng 1999 và đoạt 2 chức vô địch quốc gia 1989, 1996. Công Minh thi đấu cho ĐTVN từ SEA Games 1995 đến Tiger Cup 2000. Năm 2002, ông giải nghệ và trở thành HLV. Ông từng dẫn dắt các đội Đồng Tháp, Đồng Tâm Long An, Cà Mau và mới đây, ông trở lại Đồng Tháp nhằm giúp đội tránh xuống hạng ở V.League 2016.