'TRẬN CẦU' tỷ USD quanh dự luật rượu bia
Việc thông qua Dự Luật Phòng chống rượu bia sẽ còn gặp rất nhiều thách thức, bởi ngành công nghiệp rượu bia sẽ không dễ dàng chấp nhận từ bỏ lợi ích của mình.
Không có cơ sở khoa học hình thành. Các biện pháp không thực tiễn. Ngay cả cái tên cũng không khả thi. Đó là những luận điểm được đưa ra để lên án mạnh mẽ Dự Luật Phòng chống rượu bia.
Có lẽ chưa bao giờ, một dự luật thuộc lĩnh vực y tế - xã hội ở nước ta lại được chứng kiến những hoạt động lobby (vận động hành lang) bên lề Quốc hội quyết liệt như thế, quy tụ đại diện giới doanh nghiệp và các chuyên gia văn hóa, lịch sử, luật, xã hội, an toàn thực phẩm. Nhóm này cùng thống nhất phê phán cơ sở khoa học hình thành dự luật, bác bỏ tên dự luật, nghi ngờ tính thực tiễn của các biện pháp nêu trong dự luật.
Có lẽ chưa bao giờ, một dự luật thuộc lĩnh vực y tế - xã hội ở nước ta lại được chứng kiến những hoạt động lobby bên lề Quốc hội quyết liệt như thế, quy tụ đại diện giới doanh nghiệp và các chuyên gia văn hóa, lịch sử, luật, xã hội, an toàn thực phẩm.
Và diễn biến trên nghị trường Quốc hội cũng đầy bất ngờ.
Trong 4 tuần làm việc (22/10-22/11), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV đã dành tới 3 phiên cho dự luật phòng chống tác hại của rượu bia, với phiên thảo luận toàn thể tại hội trường vào ngày 16/11.
Nghị trường ban đầu phủ đầy ý kiến phê phán dự luật với những ngôn từ mạnh mẽ “hoàn toàn không tin tưởng dữ liệu”, “tên dự luật phi văn hóa”, “khủng khiếp”, “độc địa” … Để rồi sang phiên thảo luận toàn thể ngày 16/11 vừa rồi, có tới 34 ý kiến phát biểu, và nhiều ý kiến còn để lại vì hết giờ, lại bao trùm là những phát biểu ủng hộ dự luật.
Giờ đây, dự luật đã qua “chốt chặn vòng loại” một cách đầy sóng gió để vào thời kỳ chỉnh sửa tạo phiên bản chính thức thông qua “trận chung kết” ở kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2018).
Vấn đề tranh cãi và đối đầu lực lượng
“Trận cầu dự luật rượu bia” xoay quanh “quả bóng thông tin” chứa đựng các quan điểm đối lập đến từ hai phía. Phía xây dựng dự luật do Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với các tổ chức bảo vệ sức khoẻ công cộng, phát triển bền vững (cả trong nước và quốc tế - gọi tắt là bên Y tế-Phát triển).
Phía đối lập là ngành công nghiệp rượu bia và giới ủng hộ phương châm “uống có văn hóa”, “sử dụng rượu bia có trách nhiệm” (gọi tắt là bên Văn hóa-Trách nhiệm).
“Trận cầu” hình thành ngay khi Bộ Y tế quyết tâm thực thị cam kết của chính phủ với “tuyên bố chính trị phòng chống bệnh không lây nhiễm” của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2010. Tháng 8/2017, Quốc hội chính thức đưa vào chương trình làm luật 2018 với tên “Đề án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia”.
Cơ sở “bảo vệ đề án” của nhóm Y tế - phát triển là các nghiên cứu khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
- Rượu bia là chất gây nghiện.
- Alcohol, thành phần chính có trong rượu bia, là chất gây ung thư nhóm 1 (cùng nhóm với amiang, benzene, chất phóng xạ uranium, tia X…)
- Không có bất cứ mức uống rượu bia nào là có lợi cho sức khoẻ; không có ngưỡng nào là an toàn cho cộng đồng người uống rượu bia.
- Đầu tư “gói phòng chống tác hại” theo WHO khuyến cáo: 1 USD đầu tư thu về 9,13 USD lợi ích thành quả.
- Mức tiêu thụ rượu bia trên đầu người hàng năm của Việt nam gia tăng liên tục trong 10 năm qua, hiện tới 8,3 lít cồn/người/năm, vượt xa mức tiêu thụ bình quân của thế giới (6,5 lít/người/năm), đi kèm là các hậu quả: nghèo đói, bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội, tâm thần.
- Không có luật, tình hình sử dụng rượu bia sẽ tiếp tục lan tràn, có nguy cơ cản trở thực hiện thành công 13 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia mà chính phủ đã cam kết với quốc tế vào năm 2030.
Nếu như người hút thuốc và ngành công nghiệp thuốc lá chấp nhận được ứng xử sống chung bằng luật phòng chống tác hại thuốc lá, tại sao ngành rượu bia lại chống đối không cho ra luật phòng chống tác hại của nó, với lý do ‘bảo vệ nét văn hóa uống rượu bia’?
Nhóm “phản bác dự luật” nhắm mục tiêu cao nhất là tranh đấu không cho xây dựng luật trên cơ sở “bia rượu là có hại”. Nhóm này dựa trên lập luận bia rượu có lợi cho sức khoẻ, cho quan hệ xã hội; mặt trái có, nhưng kiểm soát được, và không cần phải ra luật mà chỉ bằng các chế tài dưới luật nhắm vào thúc đẩy “uống có trách nhiệm”, “uống có văn hóa”.
Theo quan điểm này, Luật “Phòng chống tác hại của rượu bia” là “giết chết ngành công nghiệp rượu bia”. Phương thức đấu tranh của nhóm là giương cao ba khẩu hiệu:
- “Uống bia rượu là một nét văn hóa”.
- “Bản chất của rượu bia là không xấu, vì thực tế nếu uống đúng liều lượng sẽ rất có lợi”.
- Có thể kiểm soát hạn chế các mặt tiêu cực liên quan tới uống rượu bia bằng chương trình giáo dục “Uống có trách nhiệm”.
Dễ dàng nhận thấy, các khẩu hiệu “uống đúng liều lượng sẽ rất có lợi”, “uống có trách nhiệm” không thể đứng vững, khi các bằng chứng khoa học của WHO chỉ ra alcohol chất gây nghiện, đồng thời gây ung thư.
Vấn đề còn lại là “bảo tồn nét văn hóa uống bia rượu”. Vậy văn hóa đó là gì, và có thực bất lợi khi để nó bị lụi tàn?
Khoa học chỉ ra rượu bia là chất gây nghiện, tác động hệ thần kinh trung ương có thể gây nhiều biểu hiện bất thường từ buồn ngủ tới tăng hưng phấn, ảo giác…khiến mất tự chủ trong lời nói, thái độ, hành động. Trạng thái mất kiểm soát lý trí và biến đổi nhân cách ở người uống rượu xảy ra có thể ở trạng thái cấp tính, hoặc mạn tính, do ảnh hưởng của alcohol.
Vì thế, thực chất “văn hóa uống rượu bia” tồn tại với hai đầu trạng thái: Ở đầu này, là trạng thái còn lý trí, còn kiểm soát được, “văn hóa cao”. Và ở đầu kia, là trạng thái “biến đổi nhân cách” hậu quả ngộ độc alcohol (cấp, như nhân vật Tự Lãng, hoặc trường diễn như Chí Phèo), gọi chung là “văn hóa anh Chí”.
Câu hỏi đặt ra: Trong cuộc sống và cộng đồng người uống rượu, có bao nhiêu người biết giữ “điều độ” trước loại hình tiêu dùng gây nghiện? Bao nhiêu người biết dừng ở mức uống “có văn hóa cao”, để không “đi tiếp” tới mức “tục, cuồng, ti tiện, cẩu tửu”?
Sản xuất rượu bia đã phát triển thành một ngành công nghiệp có giá trị lên tới 1.344 tỷ USD vào năm 2015 và dự báo sẽ là 1.594 USD trong năm 2022. “Văn hóa uống rượu bia” cũng đã hình thành ở từng tộc người, từng khu vực, từng quốc gia.
Nếu như nicotine và những hóa chất đi kèm trong sản xuất thuốc lá đã được xác định là tác nhân gây ung thư, thì nay với rượu bia, khi xác định thêm alcohol thủ phạm gây ung thư, việc ra luật phòng chống tác hại của nó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bởi các thói quen trong sinh hoạt của tộc người Việt - như ăn trầu, hút thuốc lào, đốt pháo - cũng đã lui vào góc tối và nào có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và con người. Vì thế, nếu như người hút thuốc và ngành công nghiệp thuốc lá chấp nhận được ứng xử sống chung bằng luật phòng chống tác hại thuốc lá, tại sao ngành rượu bia lại chống đối không cho ra luật phòng chống tác hại của nó, với lý do “bảo vệ nét văn hóa uống rượu bia”?
Vậy thì, trước những thông tin về tác hại của rượu bia đã đầy đủ về mặt khoa học cũng như dễ dàng nhận thấy trên thực tế, vì sao vẫn còn đó, trong lẫn ngoài nghị trường, những tiếng nói phản đối mạnh mẽ việc ra luật và đặc biệt là cái tên “phòng chống tác hại của rượu bia”?
Không khó để nhận ra đó chính là có sự can thiệp của nhóm đối đầu lợi ích với sức khoẻ cộng đồng: Ngành công nghiệp rượu bia.
Chối bỏ, trì hoãn, chia rẽ và triệt uy tín
Giống như các ngành công nghiệp amiang, thuốc lá...ngành công nghiệp rượu bia, để bảo vệ lợi ích của mình, sử dụng một chiến lược can thiệp chung trên toàn cầu, gọi tắt là chiến lược 4D, đối phó với sự hình thành luật phòng chống tác hại của rượu bia:
- Deny: Chối bỏ mọi bằng chứng cần thiết ra luật.
- Delay: Làm chậm tiến trình ra luật.
- Divide: Chia rẽ, phá vỡ tính hệ thống của luật, gây mâu thuẫn giữa các điều luật ở các phần khác nhau.
- Dissmiss: Nói xấu, tung tin, làm mất uy tín của những người kiên quyết không bị mua chuộc bởi ngành công nghiệp rượu bia trong tiến trình xây dựng và thông qua luật.
Và sự can thiệp ngăn cản hình thành luật, làm chậm tiến trình ra luật, làm yếu dự luật…được các chuyên gia của ngành công nghiệp rượu bia thiết kế một cách bài bản, từng bước bám theo tiến trình hình thành dự luật thông qua các đại diện cấu kết lợi ích phát biểu tại các hội thảo, hội nghị, và đưa các tin bài trên hệ thống truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội.
Trước những thông tin về tác hại của rượu bia đã đầy đủ về mặt khoa học cũng như dễ dàng nhận thấy trên thực tế, vì sao vẫn còn đó, trong lẫn ngoài nghị trường, những tiếng nói phản đối mạnh mẽ việc ra luật và đặc biệt là cái tên ‘phòng chống tác hại của rượu bia’?
Mục tiêu là ngăn chặn hình thành dự luật, và tạo sự ra đời của luật ở trạng thái “suy dinh dưỡng từ trong bào thai”, khó phát huy tác dụng khi đưa vào thực thi. Tất cả vì lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia.
Hàng năm các nhà sản xuất rượu, bia đều chi hàng triệu USD cho công tác vận động hành lang. Theo số liệu của Tổ chức Phản biện Chính sách, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ), từ năm 2011 đến nay, số tiền chi cho hoạt động vận động hành lang tăng đều qua các năm. Mục đích của việc này là nhằm ngăn chính phủ tăng thuế cũng như nới lỏng những quy định về quảng cáo, marketing bia rượu trên thị trường.
Một chiêu mà các nhà vận động hành lang đồ uống có cồn cũng hay sử dụng là đề cập đến “trách nhiệm xã hội”. Các hãng sản xuất rượu bia luôn nói họ phải có trách nhiệm truyền thông cho xã hội về việc “uống có chừng, dừng đúng mực".
Thậm chí những người sản xuất, tiêu thụ rượu còn ngồi chung với chính phủ để bàn về giải pháp nâng cao sức khoẻ. Trong khi ngành công nghiệp thuốc lá đã từ bỏ việc tranh cãi với nhà khoa học về tác hại của thuốc lá từ lâu thì các nhà sản xuất rượu vẫn tương đối bền bỉ.
Trách nhiệm của người đại biểu nhân dân
Tiến trình thúc đẩy từ nhận thức đến hành động phòng chống tác hại của rượu bia ở mỗi nước phụ thuộc vào cơ quan làm luật ngăn chặn hiệu quả đến đâu sự can thiệp chính sách của nhóm mâu thuẫn lợi ích.
Khi tham gia thảo luận và phản biện đóng góp xây dựng Dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, các đại biểu đều được phát hồ sơ dự luật, đầy đủ gồm giải trình cơ sở khoa học hình thành dự luật, nội dung dự luật, cùng một loạt các báo cáo.
Ngoài ra, còn có tài liệu tham khảo quốc tế nêu rõ cơ sở khoa học của phòng chống tác hại của rượu bia liên quan tới 13 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững. 10 thư kiến nghị của 6 tổ chức bảo vệ sức khoẻ công cộng trong nước và quốc tế cũng đã nêu rõ sự cần thiết phải cho ra đời một dự luật tốt cũng như cảnh báo sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia.
Từ nay cho tới lúc kỳ họp thông qua dự luật vào tháng 5/2019 là tiến trình chỉnh sửa ra phiên bản cuối cùng, rất nhiều thách thức sẽ đến, bởi ngành công nghiệp rượu bia không dễ dàng chấp nhận từ bỏ lợi ích của mình.
Việc nghiên cứu kỹ tài liệu là yêu cầu đầu tiên cho công tác phản biện, góp ý dự luật của các đại biểu Quốc hội. Nhưng việc có tiếp tay cho ngành công nghiệp rượu bia phản đối dự luật theo chiến lược 4D hay không, hoàn toàn là vấn đề đạo đức.
Kết quả của phiên họp 16/11 vừa qua cho thấy đại đa số các đại biểu Quốc hội đã thực thi tốt trách nhiệm đại biểu của dân, ủng hộ dự luật phòng chống tác hại của rượu bia, và góp ý cho hoàn thiện dự luật ở mức tốt nhất. Một thắng lợi tạm thời.
Tuy nhiên, từ nay cho tới lúc kỳ họp thông qua dự luật vào tháng 5/2019 là tiến trình chỉnh sửa ra phiên bản cuối cùng, rất nhiều thách thức sẽ đến, bởi ngành công nghiệp rượu bia không dễ dàng chấp nhận từ bỏ lợi ích của mình.
Vì thế, vấn đề minh bạch và giải trình trách nhiệm của ban soạn thảo, chỉnh sửa dự luật cùng đại biểu Quốc hội là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo dự luật đạt mục tiêu đề ra: Phòng chống tác hại của rượu bia đạt hiệu quả như khoa học đã dẫn.
Đó cũng là trách nhiệm ở từng đại biểu mà người dân có quyền đòi hỏi.
#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.