Sáng 9/11, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết cơ quan này cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và nhấn mạnh thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Luật ra đời là kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động...
Hiện, thị trường đồ uống, đặc biệt với rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cấm cho người dưới 18 tuổi uống rượu, bia
Về các hành vị bị nghiêm cấm (điều 5), bà Nguyễn Thúy Anh cho hay có ý kiến cho rằng, quy định "cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức" tại khoản 2 Điều 5 chưa phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo (chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên) và Luật Thương mại (chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên).
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Quochoi.vn |
Ủy ban thấy rằng quy định này là cần thiết vì theo các nghiên cứu, với cùng một lượng rượu hay bia và có cùng một độ cồn, khi dung nạp vào cơ thể người sẽ có tác hại như nhau mà không có sự phân biệt giữa rượu hay bia.
Việc ban hành quy định này cũng không tạo ra xung đột pháp lý với Luật Quảng cáo và Luật Thương mại theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban đề nghị thể hiện điều cấm tại khoản 4 Điều 5 theo hướng cấm "ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia", "sử dụng người dưới 18 tuổi trong hoạt động sản xuất và buôn bán rượu bia" để đảm bảo tính toàn diện và bao quát hơn.
Về quy định không được bán rượu, bia trên Internet, đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia.
Điều này thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu "giảm cung", "giảm cầu" đối với rượu, bia.
Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử, chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên Internet.
Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…), đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ủy ban cũng cho rằng dù theo phương án nào thì tính khả thi của quy định này phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh và cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mang lại hiệu quả thực tiễn.
Vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trình bày dự thảo luật trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết điều 29 quy định các hành thích xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế. Ảnh: Duy Ngọc. |
Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt tối đa đối với vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Việc phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Người dân chi 4 tỷ USD để uống bia
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.
Nữ Bộ trưởng cũng đưa ra so sánh ở nước ta nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.
“Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh...
Dự án luật sẽ tiếp tục được thảo luận để thông qua ở kỳ họp thứ 7 vào năm 2019.