Giữa tháng 2, bà Ba (ngụ quận Tân Bình) dẫn con trai đến UBND phường 10 (quận Tân Bình) làm giấy đăng ký kết hôn cho con. Tưởng rằng sổ hộ khẩu đã bị "khai tử" từ ngày 1/1, bà Ba bất ngờ khi cán bộ phụ trách vẫn yêu cầu xuất trình giấy tờ này để giải quyết thủ tục.
"Tôi thấy chưa bỏ hẳn sổ hộ khẩu đâu, cán bộ phường vẫn yêu cầu xuất trình, đặc biệt khi làm các vấn đề liên quan đến hộ tịch", bà Ba nói.
Không chỉ bà Ba, nhiều người dân cũng chung cảnh tương tự khi đi làm thủ tục hành chính. Ghi nhận của Zing, một số phường trên địa bàn TP.HCM vẫn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi đi làm giấy tờ, đặc biệt đối với thủ tục liên quan đến đăng ký kết hôn, chứng nhận độc thân...
Vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu giấy
Luật Cư trú từ ngày 1/1 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Thay vào đó, mỗi công dân sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử để chứng minh nơi cư trú và thông tin cá nhân khi đi làm thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, anh V.A (30 tuổi, quê Quảng Nam) vẫn phải xuất trình sổ hộ khẩu khi làm giấy đăng ký kết hôn tại UBND phường Linh Xuân (TP Thủ Đức). Anh A. cho biết vợ anh gốc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 19 tuổi, vợ anh từ quê vào, nhập khẩu và sống tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức.
Khi đi đăng ký kết hôn, ngoài việc cung cấp sổ hộ khẩu và căn cước công dân, cán bộ phụ trách hộ tịch còn yêu cầu vợ anh A. về Quảng Ngãi xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong khoảng thời gian từ đủ 18 đến 19 tuổi.
Vợ anh A. nhờ người thân đến UBND xã Hành Phước (huyện Nghĩa Hành) xin giấy chứng nhận, song cán bộ tại địa phương này không đồng ý, yêu cầu phải có giấy ủy quyền. Vợ anh A. phải làm giấy ủy quyền từ TP Thủ Đức gửi về quê thì người thân mới làm được giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân, gửi ngược trở vào.
"Khi làm căn cước công dân, chúng tôi có cung cấp thông tin tình trạng hôn nhân. Tại sao cán bộ không dựa vào thông tin trên để xác nhận? Mỗi lần gửi giấy tờ qua đường bưu điện từ TP.HCM về quê và ngược lại, mất thời gian cả tuần, rất bất tiện", anh A. thở dài.
Người dân vẫn mang theo sổ hộ khẩu khi đi làm thủ tục hành chính tại UBND phường Tân Hưng (quận 7). Ảnh: Vân Trang. |
Tương tự, chị Thanh Loan (27 tuổi) cũng được yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy khi đi làm giấy chứng nhận độc thân tại UBND phường Tân Hưng (quận 7). Cán bộ giải thích việc này nhằm xác minh thông tin cư trú và tình trạng hôn nhân.
“Tôi khá bất ngờ vì nghĩ rằng sổ hộ khẩu giấy không còn được sử dụng. Đối với trường hợp của tôi, cán bộ hướng dẫn nếu không có sổ hộ khẩu giấy, có thể sử dụng bản photo, gửi lại cho UBND phường là được”, chị Loan cho biết.
Ghi nhận tại UBND phường Tân Hưng (quận 7), không phải người dân nào khi làm thủ tục chứng nhận độc thân cũng được yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy. Thay vào đó, họ được cán bộ yêu cầu qua Công an phường Tân Hưng xin giấy xác nhận cư trú để làm căn cứ xác minh. Thủ tục hành chính này có thể mất 2-3 ngày mới được giải quyết, khiến cho nhiều người mất thêm thời gian.
Vất vả làm giấy tờ thay thế
Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú, người dân được thuận lợi hơn khi chỉ cần xuất trình CCCD trong giao dịch thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khó khăn phát sinh bởi một số UBND phường vẫn chưa được trang bị đầu đọc chip CCCD dẫn đến việc khó truy cập dữ liệu về dân cư của công an.
Mặt khác, một số thông tin trên CCCD thiếu so với sổ hộ khẩu giấy như thông tin và mốc thời gian cư trú, dẫn đến việc người dân phải đến công an phường xin thêm giấy xác nhận.
Giữa tháng 2, chị Cao Thị Thôi (34 tuổi, quận 12) đến UBND phường Tân Thới Nhất để gia hạn sổ tạm trú (KT3) thì mới biết loại giấy tờ này không còn hiệu lực.
Cán bộ phường hướng dẫn chị Thôi làm loại giấy tờ mới thay thế sổ tạm trú. Thủ tục làm giấy tờ này gồm giấy đăng ký kết hôn, hợp đồng của căn nhà đang thuê, sổ hộ khẩu gia đình và giấy khai sinh của con.
"Giấy tờ thay thế sổ tạm trú thực sự quá phức tạp. Cán bộ phường hướng dẫn gặp công an khu vực để biết cụ thể. Tôi đang lo lắng vì sắp tới con trai cần nhập học, không biết việc làm giấy tờ có trở ngại gì không", chị Thôi thở dài.
Khi cán bộ quét CCCD của người dân trên ứng dụng, chỉ ra các trường thông tin cơ bản: Số CCCD, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi thường trú, ngày cấp CCCD. Ảnh: Vân Trang. |
Trao đổi với Zing, một cán bộ UBND phường Tân Hưng (quận 7) cho biết việc bỏ sổ hộ khẩu giấy mang lại nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập khi quét thông tin trên CCCD bị thiếu so với sổ hộ khẩu giấy.
Điều này gây nên một số bất lợi, đặc biệt trong thủ tục hành chính của công dân khi yêu cầu xác định tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn. Bởi khi quét thông tin trên CCCD, chỉ ra được một số thông tin cơ bản, không xác định được các mốc thời gian cư trú trước đó.
Do đó, người dân buộc phải xin giấy xác nhận cư trú để bổ sung làm căn cứ xác minh tình trạng hôn nhân.
Theo lý giải của cán bộ phường, trường hợp của chị Thanh Loan, do từ khi đủ tuổi kết hôn (nam 20, nữ 18), người phụ nữ này có thông tin về việc chỉ ở phường Tân Hưng trên sổ hộ khẩu giấy, do đó cán bộ yêu cầu dùng bản in này làm căn cứ xác minh.
Trong trường hợp đăng ký hộ khẩu ở nhiều nơi, người dân buộc phải đến cơ quan công an ở từng địa điểm để xin xác nhận cư trú.
"Một số người dân không hiểu, tưởng cơ quan chức năng làm khó. Nhưng khi cán bộ quét CCCD không ra được hết thông tin, buộc người dân phải làm thêm giấy tờ thay thế thì mới có căn cứ xác minh được", cán bộ UBND phường Tân Hưng nói.
Trong khi đó, ông Mai Đình Phượng, Chủ tịch UBND phường 9 (quận Tân Bình), cho biết địa phương cũng đang gặp khó khăn vì dữ liệu trên CCCD của người dân chưa đầy đủ.
Khi quét CCCD, cán bộ chỉ nắm được thông tin cơ bản, không biết quá trình cư trú của người đó như thế nào, đặc biệt đối với người cắt chuyển hộ khẩu nhiều nơi. Những điều trên rất khó đối với cán bộ hộ tịch khi giải quyết giấy tờ, đặc biệt khi làm xác nhận tình trạng hôn nhân.
Lãnh đạo UBND phường 9 cho biết đang phối hợp với cơ quan công an cùng cấp trích xuất dữ liệu của người dân. Khi nào thông tin người dân đi làm giấy tờ không rõ ràng, công an phường sẽ hỗ trợ cấp giấy CT07 (giấy xác nhận cư trú) cho cán bộ UBND phường nắm.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.