Từ tháng 1/2023, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến quản lý hành chính, an ninh trật tự, kinh doanh, điện ảnh...
Sổ hộ khẩu bị khai tử
Sổ hộ khẩu ra đời tháng 6/1964 và trải qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh. Tháng 11/2014, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Căn cước công dân, là tiền đề cho công cụ quản lý dân cư thay cho sổ hộ khẩu. Đến tháng 11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), chính thức bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023.
Để khai tử sổ hộ khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2023.
Căn cước công dân gắn chip và mã định danh cá nhân là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu. Trong hình là người dân đi làm căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nghị định lần này bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công ở nhiều lĩnh vực như: Việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nhận con nuôi...
Từ 1/1/2023, người dân thực hiện các thủ tục trên chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Căn cước công dân gắn chip, chứng minh nhân dân còn hiệu lực, giấy xác nhận cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cảnh sát cơ động được mang vũ khí lên máy bay
Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ.
Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, xác định CSCĐ sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.
Trong đó, luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của CSCĐ trong việc làm "nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".
Luật CSCĐ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, xác định nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".
Bên cạnh đó, Luật CSCĐ cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn Không quân Công an Nhân dân…
Cảnh sát cơ động. Ảnh: H.Q. |
Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng CSCĐ như được mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự khi chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.
CSCĐ cũng được áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự…
Ngoài ra, lực lượng này còn được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.
Luật Cảnh sát cơ động được đánh giá là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.
Các trường hợp phải dừng chiếu phim
Luật Điện ảnh năm 2022 thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009, có hiệu lực từ 1/1/2023.
Luật Điện ảnh 2022 bổ sung quy định về việc dừng phổ biến phim với lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, phim cũng có thể phải dừng chiếu khi có vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh như: Vi phạm Hiến pháp, pháp luật; kích động chống đối hoặc phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn…
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định dừng phổ biến phim là cơ quan cấp giấy phép phân loại phim, cơ quan tiếp nhận thông báo về nội dung, chương trình chiếu phim tại địa điểm chiếu phim công cộng hoặc cơ quan thanh tra theo quy định của Chính phủ.
Quyết định dừng phổ biến phim sẽ có các nội dung về lý do, thời điểm và thời hạn dừng phổ biến phim. Các tổ chức bị dừng phổ biến phim phải công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề này cũng như đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nhà đầu tư nước ngoài được góp 100% vốn điều lệ doanh nghiệp bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023.
Với 7 chương, 157 điều, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây.
Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.
Luật này cũng quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp như mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.
Ngoài ra, với người dân, đối với 2 loại bảo hiểm nhân thọ (bảo hiểm tuổi thọ, tính mạng con người) và bảo hiểm sức khỏe thì với các hợp đồng có thời hạn trên 1 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Khi đó hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn phí đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Luật phân rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.