Tài xế này nói anh ngán ngẩm với kiểu đặt trạm thu phí hiện nay. Ảnh: Ngọc An. |
Nam, tài xế xe đầu kéo mới 30 tuổi nhưng đã vài năm gắn bó với công việc chở hàng tuyến huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đi Sài Gòn trên quốc lộ 1. Trước khi xuất phát chuyến xe cuối tuần, anh mô tả tuyến đường chưa đầy 80 km nhưng phải qua 3 trạm thu phí nên thời gian di chuyển rất lâu.
Xe bon bon được vài chục phút, đến địa phận xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) thì tài xế hãm phanh rồi nói: "Đấy, phải trả tiền trạm rồi. Trạm này thu phí tuyến tránh Biên Hòa, giá vé qua đây 'chát' nhất trong số trạm ở Đồng Nai".
Nhiều tài xế lái ôtô vào đường trong khu dân cư để né trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Biên Hòa ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Ngọc An. |
Sau khi qua trạm, xe chạy khoảng 60 km thì đến cầu Đồng Nai. Tại đây, tài xế tiếp tục móc ví mua vé qua trạm. Hết trạm này, chạy thêm gần chục km nữa là đến trạm thu phí Xa lộ Hà Nội ở quận 9 (TP.HCM).
Với giá vé 120.000 đồng qua mỗi trạm, đoạn đường chưa đến 80 km đã ngốn của anh tài 360.000 đồng cho lượt đi.
"Giá phí cao nhưng 'ăn' vào ví tiền của em vì bên chủ hàng không trả khoản này trong phí vận chuyển", Nam nói.
Hàng loạt trạm thu phí ở Đồng Nai
Từ các địa phương ở phía đông bắc, cánh tài xế cho biết để chạy xe vào TP.HCM, họ phải đi trên quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 1K hoặc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các tuyến này có nhiều trạm thu phí, khoảng cách giữa các trạm gần nhau và đi đường nào cũng… mất nhiều tiền.
Theo khảo sát của Zing.vn, các tuyến quốc lộ 1, 20, 51, 1K đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai được thiết lập hệ thống trạm thu phí đường bộ, cầu đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trong đó, quốc lộ 1 qua tỉnh này được Bộ GTVT cấp phép 2 trạm BOT là Trạm quốc lộ 1 - Tuyến tránh TP Biên Hòa (đặt tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) và Trạm thu phí cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa).
Còn quốc lộ 51 nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai được tài xế mệnh danh là tuyến “ngốn tiền” khi có đến 3 trạm thu phí. Trong đó, 2 trạm đặt tại địa bàn tỉnh Đồng Nai và một trạm đặt tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Một tài xế cho hay từ Vũng Tàu đi TP.HCM kiểu gì cũng tốn tiền qua trạm. Nếu lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở thị trấn huyện Long Thành để về Sài Gòn thì tránh được Trạm thu phí số 1 ở Tam Phước (Biên Hòa) nhưng lại phải mua vé trạm cao tốc.
Trạm thu phí xuất hiện với mật độ dày ở cửa ngõ Sài Gòn. Đồ họa: Minh Trí. |
Theo Sở GTVT Đồng Nai, tỉnh này có 6 dự án BOT do Bộ GTVT cấp phép là BOT đường tránh TP Biên Hòa, quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 51, quốc lộ 20 và dự án cầu Đồng Nai mới.
Ngoài ra, tỉnh còn có 4 dự án BOT khác thuộc thẩm quyền tỉnh cấp phép đã hoạt động và đang triển khai gồm BOT đường 760 (tỉnh lộ 16 cũ, nối TP Biên Hòa với Bình Dương), BOT đường 768 nối TP Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), BOT đường chuyên dùng vật liệu xây dựng Tân Cang (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) và BOT đường 319 nối dài thuộc huyện Nhơn Trạch.
Trạm BOT mật độ cao ở Bình Dương
Cũng như Đồng Nai, tỉnh Bình Dương có nhiều quốc lộ và tỉnh lộ đảm bảo lưu thông cho phương tiện. Song, mật độ phân bổ trạm thu phí cũng ở mức cao.
Tuyến 1K nối Đồng Nai với tỉnh này được xây dựng 2 trạm ở 2 địa điểm là phường Tân Đông Hiệp và phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An, Bình Dương).
“Hai trạm này đóng gần nhau và không bán vé theo tháng nên cánh tài xế chúng tôi không được hưởng các ưu đãi giảm giá như những nơi khác”, tài xế Ngọc Dũng làm việc tại Công ty vận tải Thông Quan nói.
Trạm thu phí BOT Bình Thung ở đường ĐT 743, đoạn thuộc thị xã Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Ngọc An. |
Ở Bình Dương, khu vực thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên có mật động trạm nhiều nhất. Trong đó, 3 km đường ĐT 747B đoạn qua địa bàn phường Tân Phước Khánh và phường Thái Hoà (thị xã Tân Uyên) được đặt 2 trạm.
Đặc biệt, tuyến ĐT 743 từ khu vực này nối với đường Bùi Hữu Nghĩa (Đồng Nai) chỉ dài chưa đến 20 km nhưng có tới 4 trạm thu phí.
“Tuyến này (ĐT 743) đi chút là trạm, đi chút là trạm. Vé ở đường này không mất bao nhiêu nhưng tốn thời gian và ách tắc mỗi khi vào giờ cao điểm”, anh Dũng nói.
Quốc lộ 13 nối Bình Phước - Bình Dương - TP.HCM cũng có chuỗi 3 trạm thu phí, gồm trạm BOT Lái Thiêu, trạm Suối Giữa (ở địa bàn Bình Dương) và trạm thu phí Tân Khai (Hớn Quảng, Bình Phước).
Ngoài ra, Bình Dương đang triển khai nhiều dự án giao thông theo hình thức BOT như tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (nối Bình Dương và TP.HCM) và 3 tuyến khác ở thị xã Tân Uyên.
Ông Đặng Văn Điềm, chủ doanh nghiệp vận tải ở Đồng Nai, cho biết trạm nhiều khiến chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao. Từ đây, giá thành hàng hóa cũng bị đội lên.
"Người chịu thiệt là chủ hàng, tài xế, kế đến là người tiêu dùng khi phải mua hàng đắt hơn", ông nói.