Từ 1/8, nhiều lái xe dùng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm BOT Cai Lậy để phản đối việc thu phí hoàn vốn tuyến đường tránh trên quốc lộ 1 của chủ đầu tư. Họ cho rằng phí thu tại trạm BOT này quá cao và hoàn toàn không hợp lý.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT đưa ra phương án giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy và giảm 100% giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của dân địa phương không kinh doanh vận tải nơi đây. Tuy nhiên, thời gian thu sẽ lâu hơn, thay vì gần 7 năm như dự tính thì sẽ kéo dài 12-13 năm.
Nhiều độc giả phản đối phương án khi cho rằng tổng số tiền tài xế phải trả còn cao hơn so với mức thu phí ban đầu. Họ đề nghị dời trạm BOT về vị trí hợp lý hơn.
Giảm phí, tăng thời gian thu
Trước phương án giảm phí nhưng tăng thời gian thu dẫn tới tổng số tiền phải đóng sẽ cao hơn mức ban đầu, độc giả Trần Hoàng Anh cho rằng phương án này hoàn toàn không hợp lý, không những không giảm bức xúc mà còn khiến các tài xế phẫn nộ, tìm đủ cách chống đối.
"Giảm phí nhưng tăng thời gian thu thì số tiền phải đóng còn đắt hơn trước. Điều tài xế cần là tiết kiệm khoản nộp phí tại các BOT, đâu phải kéo dài thời gian để nộp nhiều tiền?", độc giả Trần Hoàng Anh bày tỏ.
Theo bạn đọc này, cách giảm giá, miễn vé cho dân địa phương chỉ là chiêu bài xoa dịu dư luận cũng như giảm phản ứng của người dân tại khu vực đó. Chung quy lại, nhà đầu tư còn thu về lợi nhuận nhiều hơn so với mức ban đầu.
Nhiều tài xế phản đối việc thu phí tại BOT Cai Lây bằng cách mang tiền lẻ đi trả. Ảnh: Việt Tường. |
Dưới góc độ của một tài xế, bạn đọc Hà Minh khẳng định phương án giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu sẽ giúp nhà đầu tư thu được lợi nhuận "khủng".
"Nếu mỗi năm tôi qua trạm một lần với phí 35.000 đồng thì trong 7 năm tôi mất 245.000 đồng. Nay tôi được giảm còn 25.000 đồng nhưng trong 13 năm thì tôi mất tới tận 325.000 đồng", độc giả này làm phép tính đơn giản.
Với cách lập luận này, Hà Minh nhận định tài xế sử dụng tiền lẻ khi đi qua trạm BOT Cai Lậy vẫn tiếp tục diễn ra. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại địa điểm này cũng chưa thể chấm dứt. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế của một số tỉnh miền Tây.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục Đường bộ Việt Nam, ghi nhận những bức xúc của dư luận để giải quyết có tình, có lý. Ông cho biết Bộ sẽ họp bàn về vụ việc này trong tháng 9.
Cần dời trạm BOT vào đúng vị trí ở đường tránh
Trước những ý kiến cho rằng giảm phí nhưng tăng thời gian thu cũng "hòa cả làng", nhiều bạn đọc đưa ý kiến đề nghị dời trạm BOT vào đường tránh.
"Theo tôi, đường xây ở đâu thì BOT ở đó! Không có chuyện vô lý là làm đường tránh lại đem trạm BOT ra quốc lộ 1 thu phí được? Dời trạm vào đường tránh là đúng nhất, đừng nghĩ đến việc giảm phí. Tài xế chúng tôi không cần giảm", độc giả Bình Nguyễn viết.
Theo thành viên này, hàng năm tài xế phải đóng phí bảo tri đường bộ cho quốc lộ 1, nên việc đặt trạm thu phí ở đây cũng không hợp lý. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí, gây ức chế trong quá trình vận hành đường bộ của nhiều người.
86% độc giả Zing.vn đề nghị trạm thu phí Cai Lậy nên di dời vào trong đường tránh, hơn 11% mong muốn được giảm phí. |
Trước câu hỏi thăm dò trên Zing.vn, "Theo bạn, vụ việc ở trạm BOT Cai Lậy nên xử lý thế nào?", 86% độc giả cho rằng trạm thu phí Cai Lậy nên di dời vào trong đường tránh, chỉ 11% mong muốn được giảm phí, số ít còn lại đồng tình giữ nguyên BOT nằm trên quốc lộ 1.
Theo đó, bạn đọc Nguyen Nam Trung cho rằng quyết định thu phí không giới hạn về số tiền/lượt, không giới hạn thời gian nhưng phải dời về đúng nơi cần thu. "Ai sử dụng đường nào thì đóng phí đường đó, làm gì có chuyện đi đường này trả tiền đường kia. Bạn đi chợ mua rau, người ta bắt trả tiền thịt, tiền cá, bạn có chịu không?".
Nhiều bạn đọc cho rằng việc dời BOT Cai Lậy sang đường tránh là biện pháp tối ưu. Phương án này sẽ khiến chủ đầu tư không gặp bất cứ sự phản đối nào từ phía tài xế, người dân địa phương.