Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trảm' Mourinho, Chelsea tự đào huyệt chôn mình?

Thay tướng có đổi vận? Câu hỏi này được rất nhiều người hâm mộ quan tâm sau khi Chelsea sa thải Jose Mourinho theo kịch bản rất tàn nhẫn.

Làng truyền thông đang dậy sóng trước thông tin Mourinho mất ghế trong năm thứ 3 dẫn dắt Chelsea. Thật trùng hợp khi trước đó 24 giờ, báo chí đồn thổi Pep Guardiola cũng đưa ra quyết định chia tay Bayern Munich sau khi mùa giải 2015-16 kết thúc. Từ hai dữ kiện đó, Chelsea và Pep Guardiola có thể đến với nhau danh chính ngôn thuận. Gần nhất, tờ Daily Star đưa tin độc quyền về khả năng Pep Guardiola đến Chelsea thay cho Jose Mourinho đã hoàn tất tiến trình được 90%.

Nhưng kịch bản nào đang chờ Chelsea và cả vị HLV mới khi ở sân Stamford Bridge lúc này như một công trường ngổn ngang?

Man City, MU và Chelsea hồi hộp chờ tin Pep Guardiola

Ba đại gia của bóng đá Anh đang theo sát mọi diễn biến của Pep Guardiola và sẵn sàng gia nhập cuộc chạy đua giành chữ ký của HLV người Tây Ban Nha.

Đập đi rồi xây lại

Trong một chia sẻ mới đây, Guardiola đưa ra yêu sách với Chelsea nếu CLB muốn ông đảm nhận công việc dẫn dắt đội chủ sân Stamford Bridge. Theo đó, vị HLV người Tây Ban Nha yêu cầu "The Blues" phải chi ngân sách chiêu mộ 10 cầu thủ mới. Chiếu theo nguyên tắc toán học, mua 10 cái tên cũng giống như thay cả đội hình vì trên sân chỉ có 11 cầu thủ thi đấu. Nếu Chelsea làm đúng theo những gì Guardiola muốn, Abramovich trước tiên phải chi hàng đống tiền cho kỳ chuyển nhượng. Trong bối cảnh luật Công bằng tài chính đang trở nên nghiêm ngặt hơn, yêu sách của Pep sẽ khiến Chelsea lâm vào thế khó.

Chủ tịch Roman Abramovich phát cuồng vì Pep Guardiola.
Chủ tịch Roman Abramovich phát cuồng vì Pep Guardiola.

Nhưng không “thay máu” cả đội hình lại không được. Đầu tiên, các vị trí ở cả ba tuyến của Chelsea đều già nua, theo đó, không thể khiến người ta an tâm cho một chặng đường dài hơi. Kế tiếp, triết lý của Mourinho phục vụ cho sự thực dụng, vì vậy, những cầu thủ ông đang có cũng dành riêng cho hệ thống và lối chơi bản thân xây dựng. Còn Guardiola, nhà cầm quân này tôn thờ thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, điều đó đồng nghĩa đội hình Chelsea cần được dọn dẹp lại hay nói cách khác di sản còn sót lại từ thời Mourinho phải sớm được đưa vào bảo tàng lịch sử vì nó không thích hợp với người mới. Điều này rõ như ban ngày.

Đặt giả thiết Guardiola đến Chelsea, cựu HLV Barcelona sẽ thổi vào đội bóng lối chơi tiki-taka trứ danh với nhiều pha ban bật đẹp mắt. Từ thực tế đó, ngày "The Blues" thống trị bóng đá Anh và thế giới như tham vọng bấy lâu nay của Roman Abramovich sẽ thành hiện thực. Tất cả lúc này hệt như cuốn phim với kịch bản hoành tráng đang chờ đợi Chelsea ở phía trước. Nhưng ngặt nỗi, bóng đá không chỉ là trò chơi của sự toan tính với lý thuyết vẽ ra trên bàn giấy. Đó còn chưa kể vị tỷ phú người Nga vốn không phải típ người kiên nhẫn. Thành tích "chơi" HLV kiểu 12 năm thay 11 vị tướng đã nói lên tất cả.

Nếu Guardiola tới Chelsea, ông phải xây dựng lại mọi thứ từ con người đến chiến thuật và không có gì đảm bảo cho thành công đến ngay tức thì. Ngạn ngữ có câu: "Thành Rome không thể được xây dựng chỉ trong 1 ngày". Để thành công ở Chelsea,  vị HLV người Tây Ban Nha cần có phép mầu để chứng minh cho điều ngược lại của ngạn ngữ vừa nêu.

Ngoài ra, ông thầy người Tây Ban Nha trong quá khứ xây dựng được tên tuổi ở Barcelona và Bayern Munich vì ngày ông đến mọi thứ đều rất hoàn hảo. Ở Barca, Pep có những Messi, Iniesta, Xavi... và đó toàn những ngôi sao xuất sắc của bóng đá đương đại. Tại Bayern, Ribery, Robben, Muller, Neuer... cũng nằm trong tốp cầu thủ khiến bất kỳ đội bóng nào cũng phải thèm thuồng.

Pep Guardiola có Messi khi dẫn dắt Barcelona và đó là vũ khí lợi hại nhất của ông.
Pep Guardiola có Messi khi dẫn dắt Barcelona và đó là vũ khí lợi hại nhất của ông.

Còn ở Chelsea, thử hỏi bao nhiêu cái tên thật sự được gán mác "siêu sao" và đủ tài năng phục vụ cho ý tưởng của Pep?

Như yêu sách của Guardiola, ông cần 10 cầu thủ cho kế hoạch xây dựng Chelsea. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, tuy nhiên, các hoạt động chuyển nhượng lại chưa từng được hiểu với khái niệm "thuận mua vừa bán" giữa các CLB. Ở đó, mọi thủ đoạn như nâng giá, “chơi chiêu” liên tục được các đội bóng áp dụng.  Để mua một cầu thủ thành công, tất cả phải đòi hỏi sự ăn ý, quyết đoán và cả chiến lược hiệu quả đến từ ban lãnh đạo. Hè qua, Chelsea còn không mua được John Stones của Everton thì làm sao Guardiola có thể thuyết phục được đội bóng mang về cho CLB những ngôi sao sáng giá.

Rồi ngay cả thời điểm hiện tại, Chelsea đang ngụp lặn nơi tốp dưới của BXH và khả năng họ dự cúp châu Âu mùa tới đang hẹp dần. Nếu mất cơ hội dự Champions League, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vị thế "The Blues" trong các vụ cạnh tranh giành mục tiêu chuyển nhượng vì làng bóng đá đâu chỉ trở thành cuộc chơi cho riêng họ. Chủ tịch Abramovich giàu, nhưng khối tài sản đó có thấm thía là bao so với ông chủ Nasser Al-Khelaifi của PSG và thậm chí Man City cũng được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính dồi dào từ ông chủ Ả-Rập còn giàu hơn.

Nước cờ sai lầm của Chelsea

Theo Garry Hayes của Bleacherreport, quyết định sa thải Mourinho ở thời điểm này chỉ khiến Chelsea yếu hơn. Trong bài viết, Garry Hayes nhấn mạnh suốt 12 năm tiếp quản Chelsea của Roman Abramovich thì không một HLV nào đạt được những thành công và chinh phục người hâm mộ ấn tượng hơn "Người đặc biệt". Thậm chí, Roberto Di Matteo với chức vô địch Champions League năm 2012 cũng không sánh bằng với những gì Mourinho mang đến cho đội bóng vì danh hiệu đó bị gán cho mác "ăn may" nhiều hơn. Ngoài ra, chính Chelsea có được thành công vang dội như những năm qua cũng nhờ tài thao lược từ Mourinho.

Sa thải Mourinho, kịch bản nào sẽ chờ Chelsea?
Sa thải Mourinho, kịch bản nào sẽ chờ Chelsea?

Ngày mới dẫn dắt đội bóng, "Người đặc biệt" giải cơn khát danh hiệu Premier League kéo dài suốt 50 năm qua. Không thể phủ nhận công lao của Abramovich vì chi hơn 1 tỷ bảng để mua ngôi sao, nhưng Mourinho mới là người lắp những mảnh ghép ấy vào đội hình để tạo ra công thức chiến thắng. Và cũng nhờ Mourinho, Chelsea giành được vô địch Premier League thứ 5 trong lịch sử chỉ một năm sau khi tiếp quản CLB vào năm 2013. Không chỉ vậy, Mourinho còn để lại kỷ niệm đẹp với người hâm mộ và tạo cho họ một niềm tin tuyệt đối. Thậm chí ở thời điểm Chelsea thua West Brom 0-3 mùa trước, fan Chelsea vẫn hò reo không ngớt để ủng hộ ông.

Dưới góc nhìn Garry Hayes, sự xuống dốc của Chelsea mùa này có lỗi một phần thuộc về Mourinho vì là HLV đội bóng. Tuy nhiên, gạt bỏ mọi thành tích "Người đặc biệt" đã làm cho đội bóng để rồi đưa ra quyết định sa thải lúc này thật sự rất tàn nhẫn. Với những ai yêu mến Chelsea, họ hiểu tình cảm Mourinho dành cho đội bóng và sợi dây gắn kết giữa người đàn ông này và "The Blues" chặt đến mức nào. Mourinho như một phần bản sắc của Chelsea trong một thập niên trở lại đây. Theo đó, việc đẩy ông ra đi thật sự chỉ khiến Chelsea thêm lâm nguy. Có Mourinho, CLB trở nên vĩ đại và không có ông, đội bóng sẽ yếu dần.

Lúc này, nỗi đau từ sự ra đi của Mourinho sẽ còn đau đớn hơn thất bại CLB phải đối mặt mùa này.

Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm