Tháng 9/2019, Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS lần đầu tiên phát hiện sự cố rò rỉ không khí. Do mức độ của sự cố không đáng lo ngại, các chuyên gia của NASA quyết định giữ nguyên hiện trạng. Phải đến cuối tháng 8/2020, NASA mới cử 3 phi hành gia điều tra nguồn gốc vụ rò rỉ.
Công việc này mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, các thành viên có mặt trên ISS sẽ phải sơ tán về Trái Đất nhờ tàu vũ trụ Soyuz MS-16 hoặc chọn phương án loại bỏ mô-đun gặp trục trặc.
Cho đến nay, phi hành đoàn tin rằng họ đã tìm ra nguồn gốc của sự cố. Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết họ sẽ nhận được các hướng dẫn để giải quyết vấn đề này.
Sự cố xảy ra trên mô-đun thuộc phân đoạn của Nga. Ảnh: NASA. |
Tuy nhiên, vào ngày 15/10, Roscosmos tiếp tục thông báo hệ thống cung cấp oxy cho một mô-đun thuộc phân đoạn của Nga trên ISS gặp trục trặc. Rất may các phi hành gia không gặp nguy hiểm.
Chia sẻ với AFP, người phát ngôn của Roscosmos cho biết hệ thống cung cấp oxy trên mô-đun Zvezda trong phòng thí nghiệm quỹ đạo đã bị lỗi vào cuối ngày 14/10. Tuy nhiên, hệ thống thứ 2 trên phân đoạn của Mỹ vẫn đang hoạt động bình thường.
“Không có gì đe dọa đến sự an toàn của phi hành đoàn và ISS”, người phát ngôn tuyên bố, đồng thời chia sẻ thêm việc sửa chữa và khắc phục sự cố sẽ được thực hiện ngay sau đó.
Sau khi 3 phi hành gia, bao gồm 2 chuyên gia Nga và một chuyên gia Mỹ, lên ISS hôm 14/10, tổng số phi hành gia có mặt trên trạm vũ trụ hiện tại đã là 6 người.
“Tất cả các mô-đun thuộc phân đoạn của Nga đã quá hạn sử dụng”, Gennady Padalka, nhà du hành vũ trụ kỳ cựu người Nga nhận xét. Ông còn cho biết những thiết bị vũ trụ chỉ nên được sử dụng trong vòng 15 năm. Mặc dù vậy, đã 2 thập kỷ trôi qua thiết bị không gian của Nga vẫn chưa được thay mới.
Năm 1998, Zarya, mô-đun đầu tiên của ISS do Nga chế tạo, đã chính thức được phóng lên quỹ đạo Trái Đất.