Lễ hội Ná Nhèm diễn ra nhằm ngày rằm tháng Giêng (5/2) tại xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đây là lễ hội của người dân tộc Tày địa phương với mong ước khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn. |
Điểm nhấn và đặc sắc nhất của lễ hội là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) - mô tả “của quý” của phái nam. Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đông đúc. |
Những năm trước, từ 2012 khi lần đầu lễ hội Ná Nhèm được phục dựng, vật tế tàng thinh - mặt nguyệt có hình dáng chỉ to hơn cái chày và treo bên cái mẹt cỡ nhỡ. Các năm tiếp theo kích thước của hai vật tế tăng dần lên. Đến nay, vật tế tàng thinh đã dài đến 1,3 m, đường kính 30 cm và nặng khoảng 60 kg. |
Vật tế mặt nguyệt (tượng trưng cho sinh thực khí nữ) được tạo hình từ hai chiếc mẹt cỡ lớn úp mặt vào nhau, trên có tô vẽ hình âm dương nhiều màu sắc cùng hai chữ "Bình An". Vật tế mặt nguyệt được 4 nam thanh niên khỏe mạnh rước trên kiệu. Theo tục lệ, mỗi năm tàng thinh và mặt nguyệt sẽ được làm mới bởi năm trước đã siêu hóa. |
Anh Quang (Chí Linh, Hải Dương) cho biết đây là lần thứ hai anh tham dự lễ hội Ná Nhèm. "Cá nhân tôi đánh giá đây là lễ hội độc đáo, nhiều màu sắc và ấn tượng nhất trong những lễ hội tại Việt Nam. Nếu có điều kiện năm sau tôi sẽ tiếp tục quay lại đây để tham dự", anh nói. |
Lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ". Người nam khi tham gia lễ hội bôi mặt nhọ, một mặt tái hiện lại hình ảnh của giặc "Sấc Tài ngàn" khi xưa, mặt khác nhằm đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc qua lễ hội, tránh được việc bị "ma" gây tai họa, dịch bệnh. |
Người tham gia đoàn rước phải là nam thanh niên trai tráng thuộc 6 thôn quanh khu vực đình làng, có sức khỏe, gia đình không có tang trong vòng một năm. |
Tích trò sĩ - nông - công - thương và biểu diễn võ thuật diễn ra trên suốt quãng đường từ đình làng Mỏ về miếu Xa Vùn, nơi thờ đức thánh Cao Sơn Quý Minh. |
Đi đầu đoàn lễ là hai ông chánh tướng và phó tướng đội mũ rồng, mặc trang phục xanh lá cây và đỏ. Họ vừa đi vừa thực hiện động tác quét chổi dọn đường. |
Trò diễn tục hèm đánh trận tái hiện múa đại đao được lưu truyền từ đời vua Mạc Thái Tổ (thế kỷ XVI). Người chỉ huy mật lệnh “Da dí!” (theo tiếng Tày nghĩa là “Tiến lên!”) từng tốp lính bôi mặt nhọ (ẩn danh, giấu mặt) đấu đao rồi hành quân theo các ông tướng đi trước múa dọn đường. |
Đoàn rước đi từ đình làng Mỏ qua nhiều khu vực ruộng lúa của nhân dân trong vùng. Nhiều khu vực ruộng bậc cao, bậc thấp khiến thanh niên rước kiệu phải nhờ sự trợ giúp của người dân để vượt qua. |
Bất chấp cơn mưa nặng hạt cùng thời tiết lạnh buốt, hàng nghìn người dân cùng du khách vẫn tập trung về xã Trấn Yên để chứng kiến lễ hội độc đáo nhất Việt Nam. |
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.