Anh Pierre Semere, nhiếp ảnh gia và nhà làm phim tài liệu độc lập người Pháp, hiện sống ở Sài Gòn được hơn 2 năm, đã chia sẻ với Zing.vn những cảm xúc của bản thân sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris - nơi được nhiều người dân Pháp coi như máu thịt của mình.
Bộ ba cửa sổ hoa hồng, các cửa sổ hình vòm làm bằng kính mờ nhiều màu sắc có từ thế kỷ 13 tại Nhà thờ Đức Bà Paris, may mắn không bị phá hủy trong vụ cháy. Ảnh: Getty. |
Điều khủng khiếp
"Tôi vẫn mong mỗi sớm mai sẽ bình yên thức dậy. Nhưng buổi sáng 16/4 lại khác, tôi thật sự đã sai! Kiều Giang - vợ tôi, đánh thức tôi trong sự hốt hoảng tột độ lúc kim đồng hồ gần chạm mốc 8h. “Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa.” Điều khủng khiếp gì đang xảy ra vậy? Tôi vẫn chưa thể tin là sự thật. Chỉ hai tòa tháp may mắn thay vẫn còn được bảo toàn dù nhiều phần của công trình lẫn mái ngói đã thành tàn tro.
Vẫn biết tinh thần tôi luôn hướng về Sài Gòn - quê hương thứ 2 thân thương của mình nhưng trái tim tôi sẽ mãi luôn để lại Paris. Là một người Pháp và công dân Paris, thật khó để có thể diễn tả hết những cảm xúc tận đáy trái tim mình trước thảm kịch này.
Nhà thờ Đức Bà đã và sẽ luôn là trái tim của Paris. Nhưng tối 15/4, trái tim ấy đã thôi nhịp đập. Tất cả chúng ta đã mất đi Đức mẹ của mình, cũng như mất đi một phần tâm hồn lẫn một phần quan trọng của lịch sử nhân loại.
Tôi vẫn nhớ mãi những giây phút níu tay bà và mẹ đến thăm nhà thờ Đức Bà trong niềm hân hoan của một đứa trẻ giương đôi mắt ngắm nhìn những bức tường đá nhà thờ cao vời vợi, ngạo nghễ bởi màu thời gian và lịch sử. Càng nhìn bà ngoại - một tín đồ Công giáo với đức tin mạnh mẽ luôn đến nhà thờ cầu nguyện cho những đứa cháu bé thơ và cả gia đình bình an, mạnh khỏe mỗi ngày ấy, tôi lại càng thêm gắn bó với nơi đây.
Đứa trẻ ngày ấy hay tôi của hôm nay luôn giữ trong mình một niềm tự hào tột độ với công trình thiêng liêng này và là niềm cảm hứng bất tận thôi thúc tôi trở thành một nhiếp ảnh gia và một đạo diễn hình ảnh. Giờ đây bà tôi đã về với Chúa. Nhưng bất giác trong thời khắc này, nếu còn sống và chứng kiến thảm kịch này có lẽ bà tôi sẽ quỵ ngã trong đau đớn.
Giáng sinh năm nào gia đình tôi cũng có truyền thống tề tựu cùng nhau nhưng năm 2018 càng đặc biệt hơn khi tôi đưa Giang về nhà cùng mình. Còn nhớ trong một tối chủ nhật đầu đông lất phất mưa, vợ chồng tôi sau một hồi đi dạo dọc sông Seine lại dừng chân trước sân Nhà thờ Đức Bà Paris.
May mắn thay chúng tôi được chứng kiến một buổi lễ trang nghiêm nơi cả khán phòng nêm kín người trong tiếng thánh ca vang vọng khắp không gian bập bùng ánh nến và những ngọn đèn Giáng sinh lung linh trên cao. Chúng tôi siết chặt tay nhau trong khi vợ tôi không giấu nổi niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cảnh tượng này.
Trời vẫn cứ mưa xen lẫn rét buốt mùa đông nhưng chúng tôi lại cảm thấy ấm áp, bình yên đứng giữa những con người tuy xa lạ nhưng lại gần gũi đến lạ kì trong không gian Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi ta cảm nhận rõ rệt hơn tình yêu thương, lòng nhân ái và sự sẻ chia, bao dung vốn luôn hiện hữu quanh đây.
Tháp mũi tên, ngọn tháp cao nhất của Nhà thờ Đức Bà, trước giờ phút đổ sập xuống vì lửa. Ảnh: Reuters. |
Chứng nhân lịch sử của nước Pháp
Nơi đây sẽ mãi mãi luôn như thế, là hiện thân cho tinh thần đoàn kết, hòa bình, niềm tin và vẻ đẹp của nhân loại.
Mất gần 200 năm và công sức của biết bao con người để hoàn thành kiệt tác kiến trúc ấy và trong suốt chiều dài 850 năm cuộc đời mình, Nhà thờ Đức Bà Paris là chứng nhân cho biết bao sự kiện. Từ ngày cưới của vua Henri đệ tứ của nước Pháp (hay còn gọi là Vua Henri đệ tam của vương quốc Navarre) năm 1572 đến việc đi vào lịch sử văn học với tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo năm 1831. Là nơi chuông gióng lên từng hồi rộn rã trong ngày lên ngôi của hoàng đế Napoleon đệ nhất năm 1804 hay trong lễ phong chân phước cho Joan of Arc, nữ anh hùng người Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giữa Pháp và Anh năm 1909 và ở ngày vui giải phóng Paris khỏi Đức quốc xã sau cuộc Thế chiến thứ 2.
Vậy mà, buổi tối định mệnh 15/4 ấy, trái tim ta bất động và vòng tay ta rời xa Đức mẹ của Paris.
Như trong truyền thuyết, phượng hoàng sẽ hồi sinh từ đống tro tàn, biết bao người từ Paris đến mọi miền thế giới sẽ chung tay xây dựng lại nơi này với một niềm tin không bao giờ tắt.
Có lúc cuộc đời thật nghiệt ngã xô đẩy ta đến tận cùng giới hạn nhưng đó cũng là khi thổi bùng lên ý chí kiên cường. Tôi tin chính trong thảm kịch này, tinh thần đoàn kết, lòng yêu chuộng hòa bình, sự thấu cảm là sợi dây kết nối người dân trên khắp nước Pháp và thế giới xích lại gần nhau".