Jean-Marc Potlet, họa sĩ đến từ Provence (miền đông nam nước Pháp), đón tin Nhà thờ Đức Bà bốc cháy lúc đang du lịch tại TP.HCM. Người báo tin cho ông là một người bạn Hà Nội.
"Cô ấy nhắn tin cho tôi đầy thảng thốt: 'Jean-Marc Potlet ơi, Notre-Dame đã bị cháy. Sốc quá, buồn quá!'", Potlet nói với Zing.vn. “Tôi cảm thấy quá bất ngờ, vì không thể tin được một thảm kịch như vậy có thể xảy ra".
Potlet là một trong nhiều người Pháp đang ở xa Paris vào thời điểm Nhà thờ Đức Bà bốc cháy. Họ có khi nhận tin từ một người nước ngoài. Như phần đông người trên thế giới, họ theo dõi vụ cháy qua Internet và trong sự bất lực. Nhưng họ lại mang một niềm tự hào của riêng người Pháp khi có Nhà thờ Đức Bà làm chứng nhân lịch sử suốt 800 năm qua.
Nhà thờ Đức Bà Paris vào buổi sáng đầu tiên sau vụ cháy. Ảnh: Reuters. |
"Lực lượng cứu hộ hẳn đã rất vất vả"
Theo lời vị họa sĩ 58 tuổi, Nhà thờ Đức Bà Paris cháy là một mất mát lớn về nhiều mặt, trong đó có khía cạnh kiến trúc và nghệ thuật.
Những người làm nghệ thuật như ông Potlet hẳn sẽ vui mừng khi biết tin những ô cửa màu (cửa sổ hoa hồng) trong Nhà thờ Đức Bà vẫn còn nguyên vẹn. Các báu vật nổi tiếng như Mũ gai đã được "cứu sống". Điều "màu nhiệm" nhất là 16 bức tượng thánh không đầu đã được di dời trước đó vài ngày để mang đi phục chế.
Tuy nhiên, giới chức Paris cũng thừa nhận rằng không phải mọi cổ vật trong nhà thờ đều an toàn sau vụ cháy và họ có thể sẽ mất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá.
"Tôi rất buồn và cũng rất cảm động khi nhiều người bạn Việt Nam của tôi cùng chia sẻ nỗi buồn như vậy. Lúc đó, trước tiên tôi chỉ cầu mong không ai bị thương hay thiệt mạng trong vụ cháy, tôi dành toàn bộ tâm trí của mình cho họ”, Potlet nói.
Ông Potlet bày tỏ tin tưởng rằng công trình này sẽ được khôi phục.
Từ Hà Nội, Jérôme, 28 tuổi, nói rằng anh ta và bạn bè đều choáng váng.
"Chúng tôi sững sờ, dĩ nhiên là như vậy rồi. Có nhiều ý kiến nói đây là đòn trừng phạt của Chúa xuống tất cả những nhiễu nhương nhiều tháng qua ở Pháp, nhưng như vậy là hơi cường điệu hóa quá", nhân viên truyền thông đang sống tại Hà Nội cho biết.
Nhà thờ Đức Bà không phải là công trình biểu tượng đầu tiên của nước Pháp gặp "tai ương" trong thời gian gần đây. Trước Nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn trở thành tâm điểm của cuộc biểu tình Áo vàng, do những người bất mãn với đời sống xã hội - chính trị Pháp và chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng.
Vào cao trào của những cuộc biểu tình kéo dài hàng chục cuối tuần liên tiếp, khi đụng độ nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình, Khải Hoàn Môn đã bị đập phá, bôi bẩn. Những thiệt hại đó không thể sánh bằng những gì ngọn lửa gây ra cho Nhà thờ Đức Bà, nhưng những người Pháp hẳn sẽ thấy những điều không may đang liên tiếp xảy đến.
"Nhưng dù sao không có thương vong đã là rất tốt rồi, lực lượng cứu hộ chắc hẳn đã cực kỳ vất vả", Jérôme nói.
Đống đổ nát bên trong nhà thờ sau khi đám cháy được dập tắt. Ảnh: Reuters. |
"Chương mới của Notre Dame sẽ mở ra sau hôm nay"
Alexandre, 30 tuổi và sống tại Hà Nội, lưu ý rằng vụ cháy diễn ra ngay trước thềm Lễ Phục sinh, một trong những ngày lễ quan trọng nhất của cộng đồng Cơ đốc giáo.
"Lễ Phục sinh đang tới gần. Và Notre Dame bị hủy hoại. Với những người Công giáo thì đây chẳng khác nào một nhát đâm cả", Alexandre, người đang làm tại một công ty du lịch ở Hà Nội, nói với Zing.vn.
"Nhưng còn hơn thế, Notre Dame có chỗ đứng trong tim của rất rất nhiều người, không chỉ người Công giáo, mà tất cả những ai yêu nước Pháp, yêu văn hóa, lịch sử, kiến trúc...".
"Notre Dame sẽ hồi sinh, chắc chắn là như vậy", anh Alexandre nói.
Cùng suy nghĩ đó, Béatrice, 24 tuổi và là chuyên viên tư vấn du lịch tại Hà Nội, nói rằng nhà thờ chính là "khởi đầu của Paris".
"Mọi thứ đều bắt nguồn từ Île de la Cité. Notre Dame còn mang tính biểu tượng hơn cả tháp Eiffel nữa. Rất buồn, đó là một bi kịch. Nhưng chương mới sẽ mở ra cho Notre Dame sau ngày hôm nay", anh nói.
Nhà thờ Đức Bà Paris, trong hơn 800 năm tồn tại của nó, đã đi qua những cuộc cách mạng làm thay đổi nước Pháp, và hai cuộc chiến tranh làm thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, chính vì kiến trúc và cách xây dựng lâu đài này, tòa nhà vô tình trở thành chiếc "bẫy" lửa, gây khó khăn cho việc dập tắt đám cháy.
Trong khi đó, Jérôme cũng nói rằng công trình lịch sử nào cũng có những "thời khắc đen tối" trong lịch sử tồn tại của nó, nhưng việc "thời khắc" này rơi vào Nhà thờ Đức Bà Paris lại quá đau xót. Tuy nhiên, anh cũng nói rằng vụ cháy cho thấy công tác trùng tu của Paris không như những gì người ta vẫn mong đợi.
Nhiều người Pháp sống tại Việt Nam nói rằng vụ cháy là "thời khắc đen tối" của Nhà thờ Đức Bà, nhưng nó chắc chắn sẽ hồi sinh. Ảnh: New York Times. |
Ngọn lửa tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã cháy suốt 9 tiếng và việc điều tra nguyên nhân vụ cháy chỉ vừa bắt đầu sau khi lửa được dập tắt. Giờ mới là lúc giới chức Pháp thống kê thiệt hại và tìm phương án sửa chữa lại nhà thờ.
Một số chuyên gia cảnh báo việc sửa chữa sẽ kéo dài hàng thập niên, dù các linh mục nói rằng họ sẽ sớm cử hành lễ trong nhà thờ, bất chấp tình trạng của nó.
"Hy vọng Macron đừng chỉ nói suông nữa mà hành động như một tổng thống đúng nghĩa đi", anh Jérôme nói.