Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trại nuôi nhốt hàng trăm con trâu giữa trung tâm thị xã làm khổ dân

Các hộ dân tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, khốn khổ vì phải hứng chịu mùi chất thải của trại nuôi nhốt trâu quy mô lớn lên tới hàng trăm con ở giữa khu dân cư.

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố số 4 (phường Trung tâm, Thị xã Nghĩa Lộ) khốn khổ vì phải chung sống với trại nuôi nhốt trâu quy mô lớn ở giữa khu dân cư.

Hàng ngày, mùi hôi thối từ phân thải, thức ăn công nghiệp… xả thẳng ra môi trường khiến bầu không khí của cả khu dân cư bốc mùi nồng nặc.

Ngày nắng, 24/24h, mùi phân trâu, thức ăn thừa (cám công nghiệp) khó chịu theo hướng gió thốc vào khu dân cư. Ngày mưa, nước thải dơ bẩn từ trại chăn nuôi này dồn ra ngõ phố, dềnh vào nhà dân.

Trai nuoi nhot hang tram con trau giua trung tam thi xa anh 1

Trại nuôi nhốt hàng trăm con trâu được quây tôn, ở khu dân cư phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

Chủ cơ sở nuôi nhốt quy mô lớn lên tới hàng trăm con trâu này là ông Đỗ Mạnh Dũng, bà Lê Thị Hải Yến - trú tại tổ 4.

Tuyến đường chính dẫn vào khu dân cư (phố Tô Hiệu) cũng là đường duy nhất để các xe tải chở trâu thu mua từ khắp nơi trong Thị xã Nghĩa Lộ đưa về đây tập kết. Cao điểm, cơ sở này nuôi nhốt lên tới gần 200 con trâu.

“Trâu được lái buôn thu gom từ các xã, bản đưa đến đây bán cho vợ chồng ông Dũng bằng xe tải. Ông Dũng tiếp tục thuê chục nhân công ăn, ở tại chỗ nuôi nhốt, vỗ béo đàn trâu, sau một thời gian mới xuất chuồng. Thường xuyên tại đây duy trì nuôi nhốt số lượng lớn lên tới hàng trăm con trâu”, một người dân phản ánh.

Trai nuoi nhot hang tram con trau giua trung tam thi xa anh 2

Số lượng lớn trâu được nuôi nhốt bên trong chuồng trại.

Trai nuoi nhot hang tram con trau giua trung tam thi xa anh 3

Cao điểm, cơ sở này nuôi nhốt tới gần 200 con trâu.

Không chịu được cảnh trại nuôi nhốt trâu đặt giữa khu dân cư, xả thải ra môi trường và không khí, các hộ dân đã ký đơn tập thể gửi chính quyền các cấp của thị xã Nghĩa Lộ, yêu cầu di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Những ngày mưa, nước mưa hòa lẫn phân trâu, thức ăn chăn nuôi thừa… tràn lênh láng ra đường, đổ vào con suối nhỏ thoát nước duy nhất của cả tổ dân.

“Trước kia, con suối là nơi thoát nước của cả tổ dân phố rất rộng, bề mặt tới 3 m. Mấy năm gần đây, chủ trại nuôi trâu đã lấn chiếm, đổ đất, quây chặn dòng biến thành một chiếc ao lớn bên trong khu trại để cho trâu đằm, tắm nước. Quá nhiều bức xúc, ảnh hưởng tới người dân”, người dân viết trong đơn tập thể.

Tổ dân phố số 4 có hơn 120 hộ dân (khoảng hơn 300 khẩu) và hàng chục hộ thuê trọ đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Trang trại nuôi trâu dựng trái phép trên đất lúa

Theo phản ánh của bà con, trại nuôi nhốt trâu quy mô lớn của gia đình ông Dũng không chỉ lấn chiếm, chặn dòng chảy tự nhiên của con suối, nó còn được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Trai nuoi nhot hang tram con trau giua trung tam thi xa anh 4

Trại nuôi nhốt trâu được quây bằng rào tôn, mái tôn, và chặn dòng con suối thoát nước của phường làm ao cho trâu tắm mát.

Ông Dũng đã tự ý thỏa thuận mua đất ruộng của người dân, diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông, sau đó quây tôn sắt rào xung quanh.

Bên trong, các khu chuồng được dựng bằng tôn có mái che. Những hàng rào sắt vừa là tường ngăn chuồng, vừa là chỗ cột trâu thành hàng dài.

Con suối trong lành của phường, giờ biến thành ao cho trâu đằm. Việc này làm mất dòng chảy, khiến khu phố thường xuyên bị ngập úng mỗi khi mưa lớn - điều trước đây chưa từng xảy ra.

Xác nhận sự việc, ông Hoàng Ngọc Thể (cán bộ công an nghỉ hưu có 2 nhiệm kỳ làm Tổ trưởng tổ dân phố số 4), khẳng định thực trạng nuôi nhốt lượng lớn trâu tồn tại từ lâu. Bà con ý kiến rất nhiều nhưng không thay đổi.

Trai nuoi nhot hang tram con trau giua trung tam thi xa anh 5

Khu vực kho tích rơm để nuôi trâu của gia đình ông Dũng, bà Yến.

Chuồng trại nuôi nhốt dựng trên đất nông nghiệp, nếu chưa chuyển đổi còn vi phạm Luật Đất đai. Gia đình anh Dũng tự ý lấn chiếm, quây chặn dòng con suối để làm ao cho trâu tắm cũng không được phép.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm giữa khu dân cư là không được phép. Quá trình chăn nuôi lại không áp dụng biện pháp đảm bảo, giữ gìn vệ sinh môi trường mà trực tiếp xả phân, nước thải, nước rửa chuồng tự do lênh láng ra môi trường xung quanh.

Việc này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ẩm mốc, hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh sống, sức khỏe của các hộ dân xung quanh.

Trai nuoi nhot hang tram con trau giua trung tam thi xa anh 6

Cổng vào trong khu trại nuôi nhốt trâu lúc nào cũng đóng kín.

Ông Thể cho hay vào tháng 4/2022, ở phường có hai hộ dân làm nghề giết mổ, nuôi nhốt trâu bò số lượng lớn xả thải gây ô nhiễm môi trường đã bị chính quyền đã xử lý, yêu cầu di dời.

Chủ tịch phường Trung tâm Nguyễn Hoài Nam cho biết: Chính quyền đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của người dân. UBND Thị xã Nghĩa Lộ cũng đã có phiếu chuyển đơn của bà con để phường xử lý theo đúng thẩm quyền.

“Do chưa có quy hoạch về chăn nuôi nên thời gian qua, một số hộ dân chăn nuôi cá thể theo mô hình trang trại, quy mô lớn vẫn tiến hành tự phát. Phường sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xác minh, xử lý dứt điểm để bảo đảm vệ sinh môi trường”, ông Nam cho biết.

Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ Vũ Đức Trung thông tin trên cơ sở báo cáo của UBND phường Trung tâm, thị xã sẽ yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm của hộ chăn nuôi nói trên. Nếu có vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp, tự ý chặn dòng chảy, quây suối làm ao… thị xã sẽ yêu cầu dỡ bỏ chuồng trại, trả lại hiện trạng ban đầu.

Phường Trung Tâm là một trong các phường lớn của thị xã Nghĩa Lộ. Nghĩa Lộ xác định phát triển "công nghiệp không khói", lấy du lịch làm trọng tâm với mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhân loại - xòe Thái, khèn bè - đã được Unessco công nhận.

Việc các cơ sở chăn nuôi tập trung, xả thải ra môi trường… sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan, phá vỡ quy hoạch du lịch cộng đồng.

Nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên phải được huyện cấp giấy phép môi trường

Nghị định 08/2022 do Bộ TN&MT ban hành quy định: Hộ cá thể giết mổ từ 10 con lợn hay từ 100 con gà, hoặc nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên phải được UBND huyện cấp giấy phép môi trường, tương đương việc đầu tư một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1000 tấn/năm.

Nếu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường như nội thành, nội thị… thì bị xếp vào nhóm II - dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với quy định làm giấy phép môi trường do UBND tỉnh cấp phép. Trong đó, phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như có công trình, biện pháp thu gom nước thải, có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường.

Dân khốn khổ vì có nhà không dám ở, lo sụt 'hố tử thần'

Giếng nước khô cạn, liên tiếp xuất hiện các hố sụt lún từ đồng ruộng đến nhà ở đã khiến hàng trăm hộ dân huyện Quỳ Hợp sống trong sợ hãi, nhiều người "có nhà nhưng không dám ở".

https://vietnamnet.vn/nuoi-nhot-hang-tram-con-trau-giua-trung-tam-thi-xa-2038785.html

Kiên Trung/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm