Hơn 2 năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), phải sống trong cảnh thấp thỏm, sợ hãi trước việc giếng nước khô cạn, xuất hiện nhiều "hố tử thần" làm nứt nẻ nhà ở, đất nông nghiệp. Trong ảnh là hố sụt lún có đường kính khoảng 10 m, sâu hơn 6 m bất ngờ xuất hiện cạnh phòng ngủ của gia đình bà Lê Thị Nga (49 tuổi, trú bản Na Hiêng) vào rạng sáng 27/5. |
“Sống ở đây hàng chục năm nhưng bây giờ mới có hiện tượng lạ này. Nhiều nhà không chỉ sụt lún ngoài vườn, nứt nẻ ở sân mà sụt ngay chân móng nhà, uy hiếp đến tài sản, tính mạng nên ai nấy đều rất lo lắng”, bà Nga nói. |
Bà Hoàng Thị Hoài (59 tuổi, trú bản Na Hiêng) nói cả gia đình 6 người phải chuyển ra nhà tạm phía sau sinh sống khi căn nhà chính xuất hiện các vết nứt dài, nền bong tróc. "Từ hồi các mỏ quặng gần khu vực đi vào khai thác là nước ngầm bị tụt, giếng cạn khô rồi xuất hiện các hố sụt lún. Giờ có nhà nhưng không dám ở bên trong vì sợ nó đổ sập bất cứ lúc nào", bà lo lắng. |
Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, toàn xã có gần 232 nhà dân ở 6 bản bị sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở; 299 giếng nước của các hộ dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn. Thực trạng trên đã khiến người dân mất đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn. |
Để có nước sinh hoạt, một số hộ dân phải chung tiền lắp đường ống dài khoảng 4 km với chi phí hàng chục triệu đồng để dẫn nước từ suối về nhà. "Mất nước sinh hoạt đã khổ rồi, nay nhà cửa còn nứt nẻ, sụt lún càng khổ và nguy hiểm hơn", anh Nguyễn Văn Thắng (30 tuổi, trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng), than thở. |
Trong 232 hộ dân ở xã Châu Hồng bị ảnh hưởng do sụt lún, nứt nẻ, có 6 nhà dân được xác định nguy cơ nguy hiểm cao nhất. Hiện tượng sụt lún không chỉ ở ngoài đồng, vườn nhà mà còn nứt nẻ vào sân, chân móng nhà, uy hiếp đến tài sản, tính mạng người dân. |
Một số khu vực khác bị nứt toác, hở hàm ếch kéo dài. |
Để bảo vệ tính mạng, tài sản, các hộ dân chịu ảnh hưởng phải di chuyển đồ đạc và đến sống tạm tại nhà người thân hoặc khu vực nhà kho. Trong ảnh là gia đình ông Lương Văn Tường (61 tuổi), phải di chuyển đồ đạc và sinh hoạt ở khu vực sân nhà khi một hố sụt lún xuất hiện trong phòng khách. |
Trao đổi với Zing, ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), cho biết huyện đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động bơm hút nước ngầm, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng và phối hợp với sở, ngành liên quan đánh giá nguyên nhân, xử lý hiện tượng. |
"Trước mắt phải di dời và đảm bảo cuộc sống của người dân nơi xảy ra sụt lún ở mức nguy hiểm cao. Ngoài ra, các đơn vị được giao đang kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng để đưa ra phương án xử lý phù hợp", ông Lợi nói. Trong ảnh là một góc xã Châu Hồng với những dãy núi bị đào xới của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. |
Xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An (chấm đỏ), nơi xảy ra sự cố. Ảnh: Google Maps. |
Xã Châu Hồng là một thung lũng, bao quanh bởi các dãy núi, hệ thống hang cát-tơ và suối ngầm dưới các dãy núi. Địa phương này có 8 mỏ đá và quặng thiếc, song chỉ có một công ty khai thác khoáng sản hầm lò, bơm hút nước ngầm dưới lòng đất.
Trước đó, ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, đã kiểm tra hiện trường tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp) và một số nhà máy khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Ông Trung cũng đối thoại với người dân xã Châu Hồng về tình trạng sụt lún và chỉ đạo các ngành liên quan sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý triệt để vấn đề này.
Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công an tỉnh sớm vào cuộc điều tra làm rõ phản ánh của người dân về việc một đơn vị tự ý san lấp "hố tử thần" khi cơ quan chuyên môn đang khảo sát để xử lý vi phạm.