Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trại những người Việt khốn khổ tìm đường trốn sang Anh

Từ nhiều năm nay, khu trại tồi tàn ở miền Bắc nước Pháp là nơi tạm trú của 40-100 người Việt bị buôn lậu sang Anh, trong đó có nhiều trẻ em. Họ phải sống cơ cực và bị bóc lột.

Ẩn sâu trong cánh rừng nhiệt đới miền Bắc nước Pháp, ngay cạnh một mỏ than cũ, trại người được gọi bằng cái tên Vietnam City là nơi có 40-100 người nhập cư Việt trú ngụ. Một phần trong số họ là trẻ vị thành niên.

Theo các tổ chức thiện nguyện, những người Việt này đang trên đường tới Anh để lao động bất hợp pháp trong các trại cần sa, tiệm làm nail và nhà hàng. Qua nhiều bức ảnh, điều kiện sống khắc nghiệt trong khu trại dần hiện ra. "Cư dân" ở Vietnam City phải nấu ăn và ngủ trong nhà kho bỏ hoang của những người thợ mỏ, xiêu vẹo và không lò sưởi.

Khu trại nằm cách thành phố Calais khoảng 100 km về phía đông nam được những tay buôn người lựa chọn vì có vị trí gần với một trạm dịch vụ trên đường cao tốc. Các tài xế xe tải thương dừng lại ở đây để nghỉ ngơi trước khi qua bến phà để đến Anh. An ninh ở trạm dịch vụ không chặt chẽ như ở bến phà, vì vậy việc lén đưa người vào xe cũng dễ dàng hơn.

nguoi Viet bi buon lau sang Anh anh 1
Vietnam City nằm cách thành phố Calais khoảng 100 km về phía đông nam, ở thị trấn Angres. Đồ họa: Guardian.

Vấn nạn bị ngó lơ

Dù Vietnam City được cho là đã tồn tại từ hơn 10 năm nay nơi hoang sơ ở rìa thị trấn Angres, có rất ít nỗ lực từ cảnh sát Pháp và chính phủ Anh để đóng cửa khu trại, giải quyết vấn đề buôn lậu người Việt chạy qua Pháp để trốn sang Anh.

Một nhóm cư dân địa phương giúp trả tiền gỗ nhóm lò và lắp đặt máy phát điện trong khu trại. Một đến đôi lần mỗi tuần, thực phẩm được đưa đến Vietnam City. Chính quyền địa phương thì cung cấp cho nơi này nước máy và hàng tuần một tổ chức thiện nguyện của Pháp đến thăm khu trại.

Vấn nạn buôn bán và khai thác người Việt Nam tại trang trại cần sa và cửa hàng làm móng ở Anh là chủ đề cho một báo cáo của ủy viên ủy ban chống nô lệ của Anh Kevin Hyland, mới được công bố hồi đầu tuần qua.

Thế nhưng, sự thất vọng đang lớn dần trong các tổ chức từ thiện vẫn nỗ lực bảo vệ người Việt Nam bị buôn lậu vào Anh. Họ cho rằng có quá ít nỗ lực để ngăn chặn việc buôn bán những đối tượng dễ bị tổn thương từ các vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, cảnh sát đã liên tục đột kích các trang trại trồng cần sa trên khắp Vương quốc Anh, với đội ngũ lao động đa phần là thanh thiếu niên Việt Nam. Hồi đầu năm, cảnh sát phát hiện một hầm trú ẩn cũ ở Wiltshire đã bị biến thành trang trại cần sa quy mô công nghiệp với 4 công nhân người Việt bị nhốt bên trong.

Không một tay buôn người nào bị truy tố, dù hồi tháng trước một phụ nữ Anh đã bị buộc tội lén đưa 12 người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh trong một chiếc xe tải chứa đầy những lốp. 4 người đàn ông, 5 phụ nữ và 3 trẻ em bị phát hiện sau khi một sĩ quan biên phòng thấy có đôi chân nhô ra từ đống lốp chất sau chiếc xe tải.

nguoi Viet bi buon lau sang Anh anh 2
Thức ăn được đưa đến khu trại mỗi tuần từ 1-2 lần. Ảnh: Pacific Links Foundation.  

"Việt Nam gần như luôn là quốc gia hàng đầu có người lớn và trẻ em bị buôn bán sang Anh", người đứng đầu công tác vận động, chính sách và chiến dịch của tổ chức Ecpat tại Anh Chloe Setter cho biết. "Sự tồn tại của nơi được gọi là 'Vietnam City' ở miền Bắc nước Pháp cho những người di cư Việt Nam trú trước khi qua Anh đã được chứng minh".

"Thật khó tin là trẻ em và những người lớn dễ tổn thương lại được phép sống nhiều năm như vậy trong khu trại tạm trú cô lập nơi rừng sâu và phải chịu nguy cơ bị bóc lột lớn đến thế", Setter nói. "Sự thờ ơ này làm cho cách tiếp cận cứng rắn với chủ nghĩa nô lệ hiện đại của chính phủ Anh trở nên rỗng tuếch".

Thiên đường không gọi tên

Mimi Vu làm việc cho tổ chức chống buôn người Pacific Links Foundation và đã đến thăm khu trại 2 lần trong năm qua. Vu kể có 39 người - cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em - trong khu trại khi bà đến thăm hồi tháng 5.

nguoi Viet bi buon lau sang Anh anh 3
Khu nhà ở tại Vietnam City. Ảnh:  Pacific Links Foundation.

"Mọi người trong trại đều có ý định làm việc tại các tiệm nail ở Anh, dù không ai có kinh nghiệm hay được đào tạo cho công việc này", Vu viết trong một báo cáo. Người ta nói với những người Việt này rằng việc đàn ông làm nail là chuyện bình thường ở Anh và phương Tây và rằng "phụ nữ ở đó thích đàn ông phục vụ".

"Chúng tôi cố gắng (nhẹ nhàng) thay đổi những suy nghĩ này", bà viết, nhưng chỉ nhận lại sự hoài nghi. Mọi người trong khu trại đều cho rằng họ sẽ dễ dàng tìm được việc làm tại Anh. Không ai muốn ở lại Pháp.

Theo Vu, một số "cư dân" Vietnam City cũng biết về vấn nạn bóc lột trong các trang trại cần sa của Anh, nhưng họ không tin điều đó sẽ xảy ra với mình.

Mimi Vu tin rằng khu trại được tiếp tục tồn tại lay lắt như vậy bởi những người ở đây không tìm kiếm việc làm tại Pháp và không phải là gánh nặng cho địa phương. Tất cả bọn họ đều chỉ cư trú tạm bợ cho đến khi lên được xe tải và đến Anh. Hầu hết chỉ ở trong trại từ 1 tuần đến 2 tháng.

nguoi Viet bi buon lau sang Anh anh 4
Sự cư trú của những người Việt Nam ở khu trại đều chỉ là tạm thời trong khi chờ được đến Anh. Ảnh: Pacific Links Foundation.

Nghiên cứu gần đây do tổ chức từ thiện France Terre d'Asile công bố cho thấy phần lớn người di cư trong trại đến từ những vùng nông thôn nghèo Việt Nam, nơi thu nhập trung bình cho các công việc đồng áng rơi vào khoảng hơn 116 USD/tháng.

Một số người thậm chí đã trả tới hơn 45.500 USD cho các công ty môi giới để được đưa sang Anh làm việc. Số khác thì bị lừa đưa vào những đường dây bóc lột, với lời hứa hẹn sẽ có công việc hợp pháp ở Anh.

Các tình nguyện viên địa phương cho biết văn phòng thị trưởng Angres đã lên kế hoạch phá hủy các tòa nhà không an toàn vào cuối tháng này. Họ lo ngại về nơi nương thân cho những người di cư trong trại.

Một phát ngôn viên của Hiệp hội quốc gia ngăn ngừa nạn ngược đãi trẻ em của Anh mô tả tình trạng khu trại là "không có kiểm soát và nguy hiểm".

"Trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh là mối quan tâm lớn thường trực, chúng ta phải bảo vệ những đối tượng nằm trong tầm ngắm của những đường dây buôn người", ông nhận định. "Cần có những phương tiện tại chỗ để ngăn những người trẻ rơi vào tay kẻ xấu, thường lừa dối họ bằng lời hứa về cuộc sống tốt đẹp hơn".

Nạn nhân buôn người kể chuyện bị mẹ ruột bán lấy tiền Bên dòng Tonle Sap ở Campuchia, hàng nghìn phụ nữ mang trong mình nỗi đau bị chính gia đình bán đi và trở thành nô lệ tình dục dưới bàn tay của những kẻ bệnh hoạn.

Bi kịch những đứa trẻ bị bắt cóc từ các nhà ga Ấn Độ

Rất nhiều trẻ vị thành niên Kolkata coi ga Sealdah là nhà. Nhưng cũng từ nhà ga đó, mỗi năm hàng trăm em bị bắt cóc, bán cho các đường dây nô lệ và tình dục.

Thảm kịch buôn người bằng 'lò nướng di động' ở Mỹ

Bất chấp vượt biên trên thùng xe tải nóng hầm hập dẫn đến hậu quả khôn lường, người nhập cư vẫn coi đây là phương pháp nhanh chóng, hiệu quả và an toàn so với các cách thức khác.


Cuu nguoi Viet trong can sa o Anh hinh anh

Cứu người Việt trồng cần sa ở Anh

0

Những mong được đổi đời, nhiều người Việt bị đưa lậu sang Anh để trồng cần sa trong điều kiện sống tồi tệ. Cuộc sống của họ hiện lên trong phóng sự của Reuters.

Hoa Hạ

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm