Vietnam Airlines đang sở hữu đội bay hiện đại, tân tiến. Bên cạnh những chiếc tàu “hạng sang” như Airbus A350, Boeing 787-9, Boeing 787-10, mẫu máy bay thân hẹp Airbus A321neo cũng được ưa chuộng không kém.
Đầu tiên, A321neo là dòng máy bay thân hẹp lớn nhất trong gia đình A320/321, có cấu hình xếp ghế ít hơn với độ ngả rộng hơn. Đặc biệt, đội tàu bay hiện đại này còn có hệ thống giải trí thông qua công nghệ Wireless Streaming (giải trí không dây). Tính từ thời điểm chiếc A321neo đầu tiên gia nhập đội bay Vietnam Airlines vào tháng 11/2018, đến nay đã có 14 máy bay thân hẹp thế hệ mới cung cấp tiện ích giải trí trên không này.
Khoang hành khách rộng rãi của A321neo. |
Theo đó, hệ thống Wireless Streaming sẽ tự động kích hoạt sau khi tàu bay ổn định ở độ cao gần 700 m, giúp hành khách có thể dễ dàng truy cập thư viện giải trí tải sẵn từ thiết bị cá nhân như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh…
“Chỉ với vài thao tác kết nối đơn giản, không cần sử dụng Internet, tôi có thể thưởng thức những bộ phim điện ảnh, phim truyền hình và nghe nhạc theo sở thích ngay trên thiết bị điện tử và tai nghe cá nhân. Nhờ đó, tôi thấy chuyến bay thú vị hơn, không còn cảm giá buồn tẻ và thường xuyên ngủ gật như trước”, anh Hữu Việt - khách hàng thân thiết của Vietnam Airlines, chia sẻ.
Không ngừng được nâng cấp, kho giải trí không dây có dung lượng 400 GB đang có 24 phim điện ảnh, 26 phim truyền hình và 43 chương trình audio. Sự phong phú của thư viện điện tử trên Airbus 321neo không thua kém tàu bay thân rộng Airbus A350 hoặc Boeing 787-9, Boeing 787-10 bởi hãng liên tục bổ sung nhiều chương trình giải trí thú vị khác.
Ký hiệu trên máy bay cung cấp dịch vụ W-IFE cho hành khách của Vietnam Airlines. |
Hiện tại, Vietnam Airlines là một trong số ít hãng hàng không đầu tư công nghệ Wireless Streaming trên tàu bay thân hẹp. Trong đó, các hãng truyền thống lớn đang cung cấp phim điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc. Một số hãng giá rẻ cũng đưa ra dịch vụ này nhưng với mức phí vào khoảng 10 USD/chuyến.
Việc trang bị công nghệ giải trí không dây trên những tàu bay nhỏ, thân hẹp, tiên phong là Airbus A321neo đã khẳng định xu hướng cá nhân hoá hệ thống giải trí của ngành hàng không thế giới. Bước nâng cấp này của Vietnam Airlines được đánh giá giúp hãng bắt kịp xu hướng tự trang bị các thiết bị cá nhân đi muôn nơi (bring your own device) của thế hệ công dân toàn cầu.
Ngoài Wireless Streaming trên Airbus A321neo, Vietnam Airlines cũng vừa triển khai dịch vụ dịch vụ IFC (In-flight Connectivity) trên 4 tàu bay thân rộng Airbus A350. Với mức giá 2,95-29,95 USD (tương đương 75.000-735.000 đồng), hành khách có thể kết nối Internet từ thiết bị điện tử cá nhân để gửi email, tin nhắn Whatsapp, Facebook Messenger, iMessage… IFC được nhiều hành khách đánh giá cao, nhất là với những người có nhu cầu liên lạc, trao đổi thường xuyên thông qua kết nối Internet.
Khách hàng kết nối Internet thông qua dịch vụ IFC trên chuyến bay của Vietnam Airlines. |
Nhờ đầu tư lớn vào công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, Vietnam Airlines đang tiếp tục giữ vững vị thế tại Việt Nam. Trong bối cảnh đường bay Việt xuất hiện ngày càng nhiều tên tuổi mới, 9 tháng vừa qua, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines và Jetstar Pacific) vào top đầu ở cả thị phần vận chuyển khách tại thị trường quốc tế (23,9%) và tại thị trường nội địa (52,5%). Đồng thời, số lượng hội viên Bông sen vàng không ngừng tăng lên. Tính đến cuối năm 2018, hội viên đạt mức tăng trưởng 47%, vượt mốc 2,2 triệu người với hơn 6,2 tỷ dặm được tích luỹ.
Theo ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng đang quyết tâm sớm vào top 3 về quy mô trong khu vực Đông Nam Á và top 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á. Đây là những điều kiện để hãng khẳng định vị thế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế.