"Nghe nói Hà Nội lạnh rồi. Nhớ Hà Nội. Không mải chơi nữa. Cảm ơn mọi người đã đưa mình đi giải ngố
Nguyễn Trâm (trái) làm động tác chắp tay, tựa đầu vào băng ghế trước khi máy bay tiếp đất. Ảnh: Boo Nguyễn. |
Chuyến bay nhớ đời
Chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội mang số hiệu VJ198 ngày 19/11 có giờ bay ghi trên vé là 18h45. Đến 19h30, máy bay mới chính thức cất cánh do bị delay.
"Cất cánh được một lúc, chắc tầm 15 phút. Khi đó mình cũng thấy nhiều vấn đề khác lạ: Máy bay chao đảo bất thường, mãi mà chưa ổn định đường bay, đèn hiệu cài dây an toàn chưa tắt", chị Thu, hành khách ở hàng ghế số 9, kể.
"Máy bay chao đảo bất thường, mãi mà chưa ổn định đường bay, đèn hiệu cài dây an toàn chưa tắt".
Sau đó, các hành khách nhận được thông báo máy bay gặp sự cố, sẽ bay 20 phút để xả nhiên liệu rồi quay trở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Các tiếp viên bắt đầu hướng dẫn mọi người sử dụng thiết bị cứu hộ và cách giảm thiểu thương tích khi hạ cánh vì máy bay có thể sẽ va đập mạnh nhiều lần.
Trên máy bay có người già và trẻ em. Ai cũng hoang mang nhưng không dám la hét. Chị Thu cũng bắt đầu nghĩ về các tình huống xấu nhất.
"Lúc thì sợ máy bay cháy, lúc thì nghĩ đáp xuống với tốc độ mạnh, máy bay lật. Rồi tự trấn tĩnh và niệm phật. Nhưng vẫn run lắm", nữ hành khách nhớ lại.
Rất may máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sân Nhất lúc 20h06. Toàn bộ hành khách được chuyển sang chuyến bay kế tiếp của hãng. Tuy nhiên nhiều hành khách vẫn hoảng sợ sau chuyến bay, có người bị "sốc tâm lý".
Theo dữ liệu từ Flightradar24, máy bay của VietJet Air đã đạt tới độ cao 11.000 feet trước khi phát hiện sự cố và phải hạ độ cao về khoảng 5.000 feet để thực hiện bay khoảng 5 vòng lớn trên trời.
Ngay sau sự cố, đại diện VietJet Air phát đi thông cáo cho biết chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h05 ngày 19/11 đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sân Nhất do phát hiện cảnh báo kỹ thuật. Cơ trưởng đã quyết định cho máy bay quay lại sân bay để kiểm tra.
Cũng theo hãng, sau khi kiểm tra xác định cảnh báo kỹ thuật là "báo động giả". Đến nay VietJet vẫn chưa giải thích gì thêm về vấn đề này.
Không ngừng cầu nguyện
"Brace...brace...brace...", các tiếp viên của VietJet liên tục hét lên khi máy bay lao xuống đường băng.
Theo các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tiếp viên hàng không sẽ chỉ hô cảnh báo "brace" (bám chặt) trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp.
Hành khách chắp tay cầu nguyện trên chuyến bay gặp sự cố của VietJet. Ảnh: Boo Nguyen. |
Ông Steve Allright, Trưởng đội đào tạo của British Airways, nhận định rất hiếm trường hợp cần dùng đến tư thế "brace" trong hàng không. Tuy nhiên, đây vẫn là kỹ thuật an toàn được toàn cầu công nhận.
"Họ cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhưng có người mặt xanh như tàu lá, tâm trạng lo lắng không giấu được".
"Họ cứ hét như vậy trong 1 phút, nhưng chẳng có cú va chạm mạnh nào cả. Máy bay trôi êm, dừng hẳn giữa đường băng và mọi người vỗ tay", chị Thu kể.
Còn Nguyễn Trâm thì ấn tượng với một nam tiếp viên đứng đằng sau mình. "Anh ta không vỗ tay, chỉ lấy 2 tay xoa mặt, dụi mắt với cảm giác mệt mỏi".
Theo thông lệ trước khi cất cánh, các tiếp viên sẽ có một lần hướng dẫn hành khách sử dụng các công cụ thoát hiểm như áo phao, mặt nạ, cửa thoát hiểm.
Nhưng trên chuyến bay VJ198, việc hướng dẫn diễn ra đến 2 lần. Lần thứ 2 khi máy bay đang liệng giữa trời. Ở lần này, không tiếp viên nào còn giữ được khuôn mặt tươi cười.
"Họ cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhưng có người mặt xanh như tàu lá, tâm trạng lo lắng không giấu được", chị Thu kể lại.
Hành khách vẫn giữ được bình tĩnh khi phi hành đoàn thông báo máy bay sẽ lượn trên trời 20 phút để xả nhiên liệu. Nhưng sau 20 phút, phi hành đoàn lại thông báo "xả nhiên liệu" thêm 20 phút nữa. Cảm giác lo lắng bắt đầu lây lan.
"Cháu ơi, nếu quay lại thì bao lâu nữa mới được bay tiếp ra Hà Nội?", một phụ nữ trung tuổi người Sài Gòn quay sang hỏi Nguyễn Trâm. "Đợi về tới Tân Sơn Nhất an toàn đã cô ạ", Trâm đáp. Từ đó đến khi máy bay hạ cánh, người phụ nữ không ngừng cầu nguyện.
Là một người thường xuyên đi máy bay, Trâm cho biết chuyến bay VJ198 là một trải nghiệm nhớ đời.
"Trong thời khắc không biết bản thân sẽ ra sao. Điều hối tiếc và muốn làm nhất là được đưa bố mẹ đi du lịch. Báo hiếu bố mẹ. Từ giờ sẽ không bao giờ đặt lòng thương nhầm chỗ nữa", đó là dòng trạng thái tiếp theo của Trâm sau khi đã về Hà Nội an toàn trên một chuyến bay khác.