Trái hồng Đà Lạt - Lâm Đồng là một đặc sản nổi tiếng nhưng đang bị đánh tráo bởi trái hồng nhập từ Trung Quốc. Trước những thông tin thất thiệt, người tiêu dùng, đặc biệt là đối tác nước ngoài từ chối nhập hàng, dẫn đến sản phẩm hồng Đà Lạt - Lâm Đồng ế ẩm. Từ đó, nông dân bỏ bê, không chăm sóc, nên vùng đặc sản nổi tiếng này đang có nguy cơ bị xoá sổ.
Mấy ngày nay, bà Võ Thị Tuyết, chủ vựa chuyên thu mua trái hồng ở thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tạm ngưng kinh doanh vì các đầu mối lớn ở khắp nơi đều thông báo không nhập hàng.
Việc đánh đồng giữa hồng ăn trái ngoại nhập với hồng Đà Lạt - Lâm Đồng khiến người tiêu dùng e ngại.
|
Nguyên nhân là do đặc sản hồng ăn trái mang thương hiệu Đà Lạt - Lâm Đồng đã bị sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đánh bật ngay tại thị trường trong nước. Nhất là đã có sự giả danh, đánh đồng giữa hồng ăn trái ngoại nhập với hồng Đà Lạt - Lâm Đồng khiến người tiêu dùng e ngại.
“Thị trường tiêu thụ hồng Đà Lạt đang bị ảnh hưởng vì người ta cho rằng, hồng ở đây nhúng thuốc độc hại nên người ta ngại ăn. Thực tế sau khi thu hoạch, hồng Đà Lạt được cho vào máy lau làm bóng trái. Tuy nhiên những trái hồng này không xuất khẩu được nên giá bán không cao”, bà Tuyết cho biết.
Thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương được xem là thủ phủ của cây hồng ăn trái tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích lên đến hơn 1.000 ha. Theo ông Phạm Ngọc Quang, ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran, hồng ăn trái đã bám rễ trên vùng đất này hơn 60 năm qua, đây là một trong những loại cây trồng chủ lực đã từ lâu mang thương hiệu đặc sản Đà Lạt – Lâm Đồng.
Mặc dù hồng có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng, nhưng sản phẩm này hiện đang bị đánh đồng với sản phẩm nhập từ Trung Quốc, bị người tiêu dùng tẩy chay một cách oan uổng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và cuộc sống của bà con.
“Đầu mùa hồng Đà Lạt còn có giá trên 10.000 đồng/kg nhưng nay đã giảm xuống còn 6.000 - 8.000 đồng/kg tùy theo chất lượng của trái hồng. Giá bán không còn duy trì được như những năm trước, dẫn đến sự chăm sóc của bà con cũng hạn chế, chỉ là đắp đổi cho qua ngày”, ông Quang buồn bã nói.
Trước những thông tin thất thiệt đang diễn ra, đặc sản hồng Đà Lạt - Lâm Đồng không tiêu thụ được, nông dân không có chi phí đầu tư, những vườn hồng vì thế mà trở nên hoang hoá.
Ông Trần Xuân Thưởng, năm nay 85 tuổi, gắn bó với xứ sở hồng ăn quả nổi tiếng ở thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương – Lâm Đồng cảm thấy xót xa trước nguy cơ đặc sản này sẽ biến mất.
“Nơi đây là thủ phủ trồng hồng nhưng nếu không củng cố và duy trì được loại trái đặc sản này sẽ là điều rất đáng tiếc. Hiện nay nông dân thấy giá hồng không cao nên không chăm sóc kỹ dẫn đến sản lượng thấp. Trước mắt người dân đang không thấy được đầu ra cho trái hồng cũng như thị trường ổn định”, ông Thưởng lo lắng.
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt – Lâm Đồng”, nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị kinh tế cho loại trái cây đặc sản này của Việt Nam.
Thế nhưng, trước sự lấn át của trái hồng nhập từ Trung Quốc không rõ chất lượng, đặc sản hồng Đà Lạt - Lâm Đồng nổi tiếng đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Và không chỉ hồng Đà Lạt - Lâm Đồng mà một số loại đặc sản khác của địa phương cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, trong đó khoai tây Đà Lạt là một ví dụ.