Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái Đất trông ra sao khi nhìn từ Mặt Trăng?

Với máy ảnh Hasselblad 500 EL và ống kính tele, Anders chụp những bức hình màu đầu tiên về Trái Đất.

Cho đến giờ, chuyến bay đã kéo dài hơn ba ngày và phi hành đoàn chưa được nghỉ ngơi nhiều - một vấn đề khác mà Borman cần giải quyết.

Kế hoạch của Apollo 8 là bay 10 vòng quanh Mặt Trăng, và giờ mới là khởi đầu vòng thứ ba. Đó là phần gai góc của vấn đề. Làm thế nào để một người vừa bay đến Mặt Trăng trong vòng 20 giờ vừa có thời gian ngủ trên võng?

Nhưng Borman tin rằng nếu phi hành đoàn không được nghỉ ngơi, sai lầm sẽ xảy ra và có thể dẫn đến thảm họa. Nhưng khi nhìn quanh buồng lái, tất cả gì ông thấy là Lovell và Anders đang cắm cúi làm việc.

Anders đắm chìm với mấy cái máy ảnh khi Apollo 8 quay vòng thứ ba bên trên mặt trước của Mặt Trăng. Rất khó để các phi hành gia ước tính kích thước của các hố va chạm và những ngọn núi họ đã thấy, hoặc đo xem độ cao hiện tại của con tàu có đúng là 111 km hay không.

Khi đi máy bay, người quan sát có các điểm tham chiếu quen thuộc - thành phố, con sông hay ôtô - để xác định cao độ, khoảng cách (thậm chí cả tốc độ). Còn trên Mặt Trăng, các phi hành gia chỉ thấy toàn hố va chạm xen với các ngọn núi cao. Không biết được kích thước của các miệng hố và những ngọn núi kia thì chẳng thể cảm nhận được khoảng cách hay cao độ.

Bằng suy luận, phi hành đoàn biết rằng họ không thể chỉ cách bề mặt Mặt Trăng vài km vì họ không nghe tiếng gió rít lên từ ngay bên dưới. Và hơn hết, thật khó để họ chắc chắn được bất cứ điều gì bằng mắt thường.

Sau hai giờ bay, con tàu đã hoàn tất một vòng nữa quanh Mặt Trăng, song Borman vẫn để tàu vũ trụ chĩa mũi xuống như trước. Vị trí này đã cho các phi hành gia cái nhìn rõ nhất về bề mặt Mặt Trăng. Với mỗi người trong số họ, Mặt Trăng như một nơi đơn điệu và hiu quạnh: Một vùng đất chỉ có đen, trắng và xám trải dài vô tận.

Với bốn phút còn lại trước khi Apollo 8 xuất hiện từ phía đông và nối lại liên lạc với Trái đất, Borman khởi động các động cơ đẩy và đưa con tàu quay 180 độ về bên phải như kế hoạch đã định để Lovell có thể quan trắc các điểm mốc trên Mặt Trăng. Apollo 8 vẫn chúc mũi xuống dưới, nhưng lần đầu tiên kể từ khi đến Mặt Trăng, các cửa sổ hướng về phía trước, cùng hướng di chuyển của con tàu.

Ở đằng xa, các phi hành gia đã thấy vòng cung của đường chân trời Mặt Trăng ló ra trong một màn tối của không gian vô tận. Khi Apollo 8 tiếp tục xoay hướng mũi tàu, Anders thấy một điều xuất hiện trên cửa sổ, ngay chân trời phía tây của Mặt Trăng.

Trai Dat moc anh 1

Một phần bức ảnh "Trái Đất mọc" nổi tiếng. Ảnh: NASA.

“Chúa ơi!”, ông kêu lên, “Nhìn đằng kia xem! Trái Đất đang mọc”.

Một quả cầu sáng chói màu xanh lam, các cuộn xoáy trắng và những vệt màu nâu sẫm xuất hiện ngay phía trên Mặt Trăng xù xì, toàn sắc xám. Borman và Lovell cũng đã nhìn thấy.

Anders với lấy máy ảnh.

“Không được chụp đâu, nó đâu có trong lịch trình”, Borman đùa. Nhưng không ai rời mắt khỏi khung cảnh ấy.

“Đưa cho tôi cuộn phim màu, nhanh lên!”, Ander nói. “Đẹp thật!”, Lovell nói.

“Nhanh, nhanh lên!”, Anders thúc giục trong khi Trái Đất tiếp tục lên cao ở đường chân trời. Ông biết khung cảnh ấy sắp biến mất.

Và sau đó Trái Đất biến mất.

“Chà, tôi nghĩ chúng ta bỏ lỡ nó mất rồi”, Anders nói, giọng lặng đi vì thất vọng.

“Này!” - chỉ vài giây sau, Lovell la lớn khi vẫn chăm chú nhìn qua cửa sổ tàu - “Nó ở ngay đây này!”.

Con tàu tiếp tục xoay tròn. Cảnh tượng vừa rồi đang hiện lên ở một cửa sổ khác. Trái Đất đang mọc, trông nó tươi sáng hơn bao giờ hết.

“Để tôi chụp qua cửa sổ này”, Anders vừa nói vừa nhìn ra cửa sổ, “Nó trông rõ hơn nhiều".

Giờ đây, Anders đã đổi cuộn phim trắng đen thành cuộn phim màu. Với máy ảnh Hasselblad 500 EL và ống kính tele Zeiss Sonnar 250 mm, ông chụp những bức hình màu đầu tiên về chân dung Trái Đất, giờ hiện rõ trên đường chân trời của Mặt Trăng.

“Chụp được chưa?”, Lovell hỏi. Anders xác nhận.

“Tốt, thêm vài kiểu nữa đi”, Borman động viên.

Lovell khó có thể chấp nhận rằng Trái Đất đang biến mất do con tàu tiếp tục di chuyển.

“Chụp nhiều vào! Đưa nó cho tôi”.

“Đợi một phút", Anders nói, “Để tôi chỉnh máy ảnh lại cho đúng. Bình tĩnh nào Jim".

“Tuyệt, tôi chụp được rồi... Bức ảnh tuyệt đẹp,” Lovell thốt lên.

Anders điều chỉnh độ phơi sáng của máy ảnh, rồi chụp một bức ảnh màu khác.

“Anh chắc là chụp được rồi chứ?”, Lovell hỏi. Ông vẫn không thể hiểu hết những gì đang thấy.

“Rồi", Anders trả lời, kèm theo một nụ cười mỉm. “Chúng ta sẽ... nó sẽ xuất hiện thêm lần nữa, tôi nghĩ vậy".

Một lúc sau, con tàu xoay đi quá xa khiến Trái Đất biến mất hẳn khỏi các cửa sổ tàu.

Họ sẽ nối lại liên lạc với Houston trong vòng một phút nữa. Còn bây giờ, chẳng ai có thể thốt nên lời.

Trái Đất mọc là cảnh tượng đẹp nhất Borman từng thấy, nó là khung cảnh màu duy nhất trong toàn vũ trụ. Địa Cầu như đang treo ở đó - một viên ngọc trên nền nhung đen - mang theo mọi thứ ông yêu: Susan, các con, cha mẹ, bạn bè và nước Mỹ. Quả cầu trắng xanh lóng lánh hiện lên trong khoảng không tăm tối vô tận ấy là nơi duy nhất Borman và bất cứ ai khác gọi là nhà.

Lovell choáng ngợp bởi sự nhỏ bé của Trái Đất, nhà của 3,5 tỷ người, tất cả đều có cùng một ước muốn: Một gia đình để yêu, thực phẩm để ăn, một mái nhà để che mưa che nắng và lũ trẻ để hôn. Từ khoảng cách này, ông cảm nhận được sự mong manh của khí quyển Trái Đất: Mỏng như vỏ táo nhưng lại là thứ duy nhất đang bảo vệ những con người ở đó, và cả sự sống nữa.

Đối với Anders, Trái Đất xuất hiện như một cây thông Giáng sinh, treo những quả cầu trang trí màu xanh và có xoáy trắng trên phông nền đen vô tận. Từ đây, chẳng thể phân biệt nổi một nước nào hay thậm chí là các châu lục; tất cả những gì có thể thấy là Trái Đất.

Robert Kurson / ETS và NXB Thế giới

SÁCH HAY