Guardian dẫn nghiên cứu vừa xuất bản trên chuyên san Proceedings (thuộc Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ) cho rằng đợt "đại tuyệt chủng" thứ sáu có thể còn nghiêm trọng hơn lo sợ của nhiều người.
Sau khi phân tích trên cả động vật hiếm và phổ biến, các nhà khoa học phát hiện hàng triệu quần thể động vật ở tầm khu vực lẫn địa phương đã biến mất trong vài thập niên qua. Nguyên nhân được cho là sự quá tải dân số và tiêu dùng quá đà của con người.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng một số loài động vật, dù không được xếp vào danh sách bị đe dọa, cũng đang biến mất nhanh chóng. Ảnh: AFP. |
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các loài động vật đang tuyệt chủng với tốc độ nhanh hơn cách đây hàng triệu năm. Dù vậy, những đợt tuyệt chủng hoàn toàn vẫn khá hiếm, sự đa dạng sinh học thường bị mất đi từ từ. Trong công trình mới này, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng lượng cá thể của một số động vật phổ biến đã giảm sút trên toàn cầu dù chúng vẫn hiện diện ở đây đó.
Trong số hàng nghìn loài động vật đang mất dần cá thể, 1/3 số loài không được xem là động vật trong diện nguy hiểm. Về tổng thể, 50% số cá thể động vật đã mất đi trong vài thập niên qua.
Các loài động vật hoang dã đang biến mất vì môi trường sống bị phá hủy, nạn săn bắt tràn lan, không khí ô nhiễm, sự xâm lăng của các loài lạ và biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân đằng sau tất cả các yếu tố trên là "sự quá tải dân số của con người và tốc độ tăng trưởng dân số không ngừng, sự tiêu dùng quá mức, đặc biệt là ở những người giàu có".
Nghiên cứu cảnh báo tình trạng trên sẽ đe dọa đến nền văn minh nhân loại. Guardian lưu ý rằng trong trường hợp này, các nhà khoa học đã phá vỡ cách hành văn lạnh lùng và khách quan thường thấy để gọi sự mất mát sinh thái là "cuộc tấn công đáng sợ đến các nền tảng của nền văn minh nhân loại".
Giáo sư Gerardo Ceballos của Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói rằng: "Tình trạng nghiêm trọng đến mức nếu (chúng tôi) không sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ, đó sẽ là điều phi đạo đức".